Hiện tượng "rùa biển hồi hương" phá vỡ kỉ lục: Dấu hiệu xã hội TQ bắt đầu có chuyển biến lớn?

Tất Đạt |

Những người đi đào tạo ở nước ngoài được Trung Quốc gọi là 'haigui', hay rùa biển, và hiện tượng du học sinh về nước càng ngày càng tăng trong những năm vừa qua.

Kỷ lục mới

Theo SCMP, trong năm nay, hơn 800.000 du học sinh Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài đã trở về nước. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Trong số đó, khoảng 65% sinh viên học tại Mỹ, Anh và Australia, với ít nhất 60% có bằng thạc sĩ nhưng buộc phải trở về Trung Quốc vì nhiều lí do.

Những người đi đào tạo ở nước ngoài trở về được Trung Quốc gọi là 'haigui' và hiện tượng du học sinh về nước càng ngày càng tăng trong những năm vừa qua. Do 'haigui' đồng âm với chữ rùa biển trong tiếng Trung Quốc, nên từ rùa biển gần đây đã trở thành tiếng lóng để chỉ người Trung ở hải ngoại trở về.

Theo khảo sát, số lượng sinh viên về nước tăng 70% so với năm 2019 chủ yếu do những ảnh hưởng của virus corona, lệnh xiết chặt nhập cư và lao động ở nước ngoài.

Những người tốt nghiệp hiện tại phải đối diện với sự cạnh tranh gắt gao trong thị trường việc làm Trung Quốc, đặc biệt giữa bối cảnh đại dịch do COVID-19 gây ra dẫn tới nền kinh tế trì trệ, làm suy giảm nhu cầu việc làm và tuyển dụng nhân sự mới của các doanh nghiệp.

Sinh viên trở về nước buộc phải chứng tỏ năng lực giữa lúc 8,74 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục trong nước - đây cũng là con số lớn nhất từ trước tới nay.

Trong số những sinh viên quay về, có 28,6% học tại Mỹ, 26,3% học tại Anh và 13,2% học tại Australia. Hơn 60% trong số này ít nhất có trình độ thạc sĩ.

Khoảng 5% sinh viên trở về được đề xuất mức lương ít nhất 300.000 nhân dân tệ (hơn 44.300 USD) 1 năm, trong khi gần 40% có mức lương ít hơn 100.000 NDT/1 năm.

Theo báo cáo việc làm đối với những người tốt nghiệp vào năm 2020, mức lương trung bình tháng với sinh viên tốt nghiệp trong nước ở Trung Quốc là 7.839 NDT (khoảng 1.158 USD)/ 1 tháng, hoặc 93.600 NDT/1 năm.

Thách thức và cơ hội

Khoảng 40% du học sinh trở về làm việc trong ngành công nghệ hoặc tài chính, trong khi chỉ có 3% làm trong ngành sản xuất và 5,7% làm ở học viện hoặc với các cơ quan chính phủ.

Một số bình luận cho rằng, hiện tượng này là điều tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ bởi Trung Quốc sẽ chặn được tình trạng chảy máu chất xám trong khi Mỹ (và các quốc gia khác) sẽ không phải "đau đầu" vì rủi ro gián điệp, đánh cắp sở hữu trí tuệ như cáo buộc nước này đã đưa ra đối với sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, số lượng du học sinh Trung Quốc về nước sau khi tốt nghiệp đã tăng đáng kể - từ 186.200 người trong năm 2011 lên 409.100 người trong năm 2015 và 519.400 trong năm 2018.

Luke Lu, một du học sinh mới tốt nghiệp thạc sĩ trong lĩnh vực marketing và quản lý truyền thông ở một trường đại học Mỹ, nói: "Tôi trở về Quảng Châu vào cuối tháng 3, bắt đầu làm việc trong một công ty mỹ phẩm nội địa vào tháng 5. Là người mới tốt nghiệp, tôi hài lòng với mức lương tháng 12.000 NDT".

"Tôi cố làm việc ở Mỹ trong vài năm, nhưng đại dịch COVID-19 và mối quan hệ Mỹ-Trung đi xuống đã khiến sinh viên Trung Quốc gần như không thể tìm được việc trong năm nay".

"Tôi có hơi hối hận. Tôi làm trong ngành quản lý truyền thông thế hệ mới và đã học được rất nhiều kiến thức chuyên môn về Facebook, Twitter, Instagram, Google+, Youtube - nhưng những thứ này không có ở thị trường nội địa".

"Tuy nhiên, Trung Quốc có thị trường lớn và là nơi tốt để bắt đầu sự nghiệp."

Tỉ lệ thất nghiệp ở các thành phố Trung Quốc giảm xuống 5,6% vào cuối tháng 8, giảm 0,1% so với tháng 7. Nhưng theo các số liệu mới nhất, tỉ lệ thất nghiệp của người ở độ tuổi từ 20 tới 24 với trình độ đại học trở lên đã tăng lên 19,3% vào tháng 6, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại