Nhận tiếp tế đặc biệt: Quân đội Ấn Độ để lộ "điểm yếu nguy hiểm" so với Trung Quốc

Thúy |

Ở độ cao 4572m, cư dân làng Chushul đã di chuyển ngang qua vùng lãnh thổ ảm đạm và vắng vẻ của Ladakh, mang đồ tiếp tế tới cho quân đội Ấn Độ.

Người dân Ấn Độ nhiệt tình tiếp tế cho binh sĩ

Với những túi vải nhồi nhét đủ thứ từ gạo, thùng nhiên liệu nặng,... và gậy tre buộc sau lưng, người dân Chushul bước lên đỉnh Black Top của dãy Himalaya, nơi hàng trăm lều trại của quân đội Ấn Độ đang đóng.

Trong những tháng mùa đông sắp tới, nhiệt độ khu vực này sẽ giảm xuống -40 độ C. Dân làng lo rằng nếu họ không giúp quân đội Ấn Độ đảm bảo vị trí dọc các rặng núi giáp biên giới tranh chấp, ngôi làng sẽ sớm nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Tình nguyện viên Tsering tại Chushul cho biết: "Chúng tôi muốn giúp quân đội Ấn Độ đảm bảo vị trí của họ ngay lập tức. Chúng tôi đang tiếp tế tới cho quân đội, thực hiện nhiều đợt trong một ngày để đảm bảo rằng quân đội không gặp quá nhiều vấn đề."

Nhận tiếp tế đặc biệt: Quân đội Ấn Độ để lộ một điểm yếu nguy hiểm so với Trung Quốc - Ảnh 2.

Máy bay trực thăng Apache của không quân Ấn Độ trên khu vực Ladakh hôm 17/9. Ảnh: Reuters

Làng Chushul có khoảng 150 hộ gia đình, đây là một trong những khu dân cư gần nhất với biên giới tranh chấp của Trung Quốc và Ấn Độ.

Kể từ tháng 5, quân đội hai nước Ấn Độ và Trung Quốc liên tục đối đầu căng thẳng trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).

Vào tháng 6, tình hình leo thang tới đỉnh điểm khi binh sĩ hai nước có cuộc đụng độ chết người trên cao, 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ chết người lần đầu tiên ở biên giới hai nước kể từ năm 1975.

Ngày 29/8, gần làng Chusul lại xảy ra một cuộc nổ súng giữa hai bên. Không có thương vong trong vụ việc, tuy nhiên đó là lần đầu tiên sau 45 năm quân đội ở biên giới nổ súng.

Tại cuộc họp ở Moscow vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chung, đồng ý "rút quân càng sớm càng tốt". Tuyên bố đưa ra sau ít nhất 5 vòng đàm phán quân sự cấp cao chưa có kết quả. Cả hai bên tiếp tục khẳng định bên còn lại đang xâm phạm chủ quyền.

Tuy nhiên, theo dân làng, có rất ít bằng chứng về việc quân đội hai bên rút quân. Trong tuần qua, quân đội Ấn Độ tiếp tục tăng cường dọc biên giới, vận chuyển đồ tiếp tế, đạn dược cho quân lính đóng ở các đồn dọc biên giới. Đồng thời, khoảng 100 thợ đào đường đã được điều động đến khu vực.

"Rõ ràng cả hai bên đều có kế hoạch ở đó cho tới hết mùa đông, có vẻ họ cho rằng kết quả ngoại giao chưa giải quyết được vấn đề," chuyên gia an ninh tại Quỹ nghiên cứu người quan sát Ấn Độ Manoj Joshi cho hay.

"Thực tế, Trung Quốc có vẻ chưa muốn dàn xếp việc rút quân bởi việc lôi kéo Ấn Độ vào chiến dịch quân sự tốn kém dọc biên giới Himalaya là cách để khiến Ấn Độ bất ổn," ông Manoj Joshi bổ sung.

Tuần này, dân làng Chushul tiếp tục nỗ lực không ngừng tiếp tế cho quân đội trên Black Top. Người dân lo ngại trong 5 tháng tới, sẽ không có con đường nào lên tới mặt trận chính do băng tuyết có thể bao phủ và thậm chí gây sạt lở chết người.

Nhận tiếp tế đặc biệt: Quân đội Ấn Độ để lộ một điểm yếu nguy hiểm so với Trung Quốc - Ảnh 4.

Máy bay trực thăng Chinook của không quân Ấn Độ chở đồ tiếp tế hôm 15/9. Ảnh: Reuters

Tsering cho biết: "Tại khu vực xảy ra đối đầu gần đây vẫn chưa có đường, chưa nói đến cơ sở hạ tầng. Quân đội Ấn Độ sẽ trụ được trong bao lâu?"

Konchak Tepel, một người dân làng khác đồng quan điểm: "Tại những vị trí căng thẳng mới, quân đội Ấn Độ không có điều kiện sống phù hợp. Binh sĩ đang phải sống trong lều. Tôi không biết họ sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng đủ để sống như thế nào nếu như đường đã bị chặn."

Ấn Độ lộ điểm yếu nguy hiểm trong khâu chuẩn bị?

The Guardian dẫn lời các chuyên gia, nghi ngờ về sự chuẩn bị của Ấn Độ cho trận chiến kéo dài dọc biên giới tranh chấp - nơi căng thẳng vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện chỉ còn vài tuần để 4 sư đoàn của Ấn Độ sẵn sàng triển khai ở Ladakh với số quân khoảng 40.000 người nhằm ứng phó với Trung Quốc trong mùa đông tới.

Quân đội Ấn Độ đã chi hàng tỷ USD cho các hoạt động quốc phòng dọc biên giới với Trung Quốc. Số tiền được đầu tư cho không chỉ cho cơ sở vật chất mà còn để duy trì cuộc sống của các binh sĩ.

Đại úy Quân đội Ấn Độ đã nghỉ hưu Tashi Chhepal từng hoạt động trong khu vực này hơn 3 thập kỉ cho biết "tại một số địa điểm, chúng tôi hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài, thậm chí hình trạng này kéo dài tới 5 tháng. Mọi thứ sẽ đóng băng và chúng tôi phải dự trữ trước nguyên liệu cho cả mùa đông. Trong những tháng đó, chúng tôi sống dựa vào thực phẩm đóng hộp. Các kênh liên lạc còn khá kém. Nhiều năm qua nhưng tình hình không có nhiều thay đổi."

Nhận tiếp tế đặc biệt: Quân đội Ấn Độ để lộ một điểm yếu nguy hiểm so với Trung Quốc - Ảnh 6.

Xe tải quân sự Ấn Độ chở vật tư tiến tới vùng Ladakh vào hôm 15/9. Ảnh: Reuters

Cựu sĩ quan quân đội Ấn Độ Pravin Sawhney cho biết, Ấn Độ đã "hoàn toàn bất ngờ" trước những hành động của Trung Quốc. "Trung Quốc có điều kiện tốt hơn nhiều," ông Sawhney bổ sung, "họ đã có internet cáp quang đến tận rìa vị trí tranh chấp."

Thiếu tướng quân đội Ấn Độ, Amrit Pal Singh - nguyên quản lý hoạt động hậu cần của khu vực Leh cho biết, công tác hậu cần chuyển quân và vật tư đến khu vực trước mùa đông là một thách thức mới đối với New Delhi. "Đây là chiến trường biệt lập nhất trên thế giới," thiếu tướng chia sẻ.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại