Đặc phái viên của Tổng thống Trump "nắn gân" Nga, ra điều kiện về START

Hải Võ |

Mỹ trao cho Nga hai lựa chọn: Chấp nhận thỏa thuận kiểm soát vũ trang mới - không hạn chế khí tài của NATO tại châu Âu, hoặc đối mặt với kho vũ khí hạt nhân hiện đại của Mỹ.

Mỹ đưa đề nghị mới cho Nga về START

Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm ngoái, Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) năm 2011 là thỏa thuận kiểm soát vũ trang duy nhất còn hiệu lực giữa Moskva và Washington. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, và quá trình đàm phán thay thế nó vẫn trong thế bế tắc.

Hiện nay phía Mỹ cho biết muốn đề nghị gia hạn START với thời hạn ít hơn 5 năm và chỉ thông qua bản ghi nhớ chứ không phải một hiệp ước có ràng buộc - đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea, nói với tờ Kommersant (Nga) ngày 20/9.

Đặc phái viên của Tổng thống Trump nắn gân Nga, ra điều kiện về START - Ảnh 1.

Hiệp ước START-3 giữa Nga-Mỹ cho phép mỗi bên bố trí không vượt quá 1.550 đầu đạn hạt nhân và cắt giảm một nửa thiết bị phóng tên lửa hạt nhân chiến lược (Ảnh: Russian Defense Ministry)

Washington đưa ra một số yêu cầu liên quan đến thỏa thuận mới, đầu tiên là Trung Quốc cần phải tham gia vào thỏa thuận. Moskva không phản đối ý tưởng này, nhưng nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc tham gia thì Anh và Pháp cũng phải góp mặt.

"Chúng tôi cho rằng cần phải đặc biệt đề cập đến Trung Quốc," Billingslea nói với Kommersant. "Lập trường của chúng tôi là khi nhắc đến một hiệp ước trong tương lai, chúng ta cần nhớ đến một thỏa thuận ba bên."

Ông Billingslea bổ sung rằng Washington sẽ đặt Anh, Pháp bên ngoài thỏa thuận bởi không bên nào trong hai nước này "phát triển và triển khai tích cực" vũ khí hạt nhân ở quy mô như Trung Quốc.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ khả năng tham gia vào START.

Về phần mình, Nga cũng gây sức ép buộc Mỹ thu nhỏ quy mô kho hạt nhân của họ tại châu Âu. Nhưng Billingslea tuyên bố yêu cầu này là bất khả thi.

"Chúng tôi chắc chắn là sẵn sàng đối thoại với Nga về NATO cùng như về những sự bảo đảm răn đe hạt nhân của chúng tôi," ông nói. "Nhưng chúng tôi sẽ không loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi bất kỳ kho lưu trữ nào [tại châu Âu]."

Đặc phái viên của Tổng thống Trump nắn gân Nga, ra điều kiện về START - Ảnh 2.

Hình ảnh Nga phóng thử các loại phương tiện siêu thanh do nước này phát triển (Ảnh: YouTube / RT / Russian Defense Ministry)

Cái giá nếu Nga không đồng ý thỏa hiệp

Những điểm đáng chú ý khác bao gồm vấn đề tên lửa chiến thuật - mà giới chức Nga đã từ chối thảo luận trước đây, cùng với việc Nga được thanh sát vũ khí chiến thuật của Mỹ. Billingslea nói rằng Mỹ "sẵn sàng trao đổi" với Moskva trong vấn đề thứ hai.

"Nếu Nga không chấp nhận [các đề xuất mới]... thì sau khi ông Trump tái đắc cử, 'phí vào cửa' - như cách chúng tôi nói tại Mỹ - sẽ tăng lên," Đại diện của Mỹ cảnh cáo, ẩn ý rằng việc đạt được thỏa thuận mới sẽ trở nên khó khăn hơn sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Billingslea nói rằng nếu thỏa thuận mới không đạt được trước tháng 2/2021 thì Mỹ sẽ từ bỏ hoàn toàn hiệp ước này và xúc tiến quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

"Nga đã cơ bản hoàn thành việc hiện đại hóa kho hạt nhân của họ," ông nói. "Chúng tôi chỉ mới bắt đầu công việc. Và chúng tôi sẽ hết sức vui vẻ tiếp tục chuyện đó mà không bị START giới hạn."

Tuy nhiên, theo RT (Nga), chương trình hiện đại hóa của nước này được tiến hành sau khi Mỹ từ bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí trước đó. Nga đi tiên phong phát triển vũ khí siêu thanh - được khởi động sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo 1972 (ABM) vào năm 2002 rồi nhanh chóng bố trí các lá chắn tên lửa đạn đạo ở châu Âu.

"Chúng ta đã phải tạo ra những vũ khí này để phản ứng trước việc Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, mà trong tương lai gần như sẽ có khả năng vô hiệu hóa và loại bỏ toàn bộ tiềm lực hạt nhân của chúng ta," Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu trong một phỏng vấn vào tuần trước.

Tương tự, việc ông Trump rút Mỹ khỏi INF đã phá bỏ một rào cản đáng kể trong lịch sử chạy đua vũ trang Nga-Mỹ, đưa châu Âu vào tầm ngắm của tên lửa tầm trung Nga cũng như đưa Nga vào thế đối mặt với những loại vũ khí Mỹ bị cấm trước đó.

Việc Trump rút khỏi INF và Mỹ sau đó tiến hành một số vụ thử vũ khí khiến thế giới "chỉ còn cách một bước trước cuộc chạy đua vũ trang không kiểm soát" - Phó đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyanskiy, nói.

Điện Kremlin chưa đưa ra phản hồi về đề nghị từ ông Billingslea, nhưng một nhà lập pháp cấp cao Nga đã gọi đề nghị này là "ngang ngược" và tin rằng nó sẽ không thu được kết quả tốt từ Moskva.

"Một nước không nên hành động như thế nếu như muốn đạt được kết quả thực chất," thượng nghị sĩ Oleg Morozov từ Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga bình luận. "Chuyện này giống như cách nói 'Hãy đưa tôi súng của anh và của hàng xóm nhà anh, nếu không tôi sẽ bắn vào đầu anh'."

Morozov nhấn mạnh rằng Moskva quan tâm đến vấn đề giải trừ hạt nhân, song ông khuyến nghị Washington thay đổi thái độ của mình.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại