Vì sao Indonesia trở thành nơi thử nghiệm vaccine Covid-19 của Trung Quốc?

Minh Khôi |

Tại Bandung, Indonesia, khoảng 1.620 người đã tham gia vào quá trình thử nghiệm vaccine của Sinovac, bao gồm cả các quan chức của thành phố như thủ hiến hay cảnh sát trưởng.

Gần 2000 người tham gia vào quá trình thử nghiệm

Trong một ngày tháng 8 nóng bức tại Bandung, Indonesia, hàng chục tình nguyện viên đã có mặt tại một phòng khám địa phương để tham gia vào quá trình thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 được phát triển bởi công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech, một trong những vaccine được đánh giá là tiềm năng nhất hiện nay.

Với số ca nhiễm hiện ở mức khoảng 250.000 ca, Indonesia hiện là một trong 2 tâm dịch lớn nhất tại Đông Nam Á, chỉ sau Philippines, trong đó số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục lập đỉnh trong suốt nhiều tuần qua kể từ tháng 8.

"Tôi cảm thấy mệt mỏi khi chứng kiến cách chính phủ phản ứng trước đại dịch. Bằng cách này, tôi muốn đóng góp một phần vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh," Abinubli Tariswafi Mawarid, một trong những tình nguyện viên nói. "Tôi cho rằng vaccine là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay đối phó với đại dịch".

Không nhiều quốc gia đặt kì vọng cao đối với vaccine ngừa Covid-19 như Indonesia, nhất là khi chính phủ nước này dự báo đại dịch sẽ đẩy ít nhất 4,9 triệu người vào tình cảnh đói nghèo, qua đó tiếp tục làm tăng gánh nặng lên quốc gia với 270 triệu dân.

Tại Bandung, khoảng 1.620 người đã tham gia vào quá trình thử nghiệm vaccine của Sinovac, bao gồm cả các quan chức của thành phố như thủ hiến hay cảnh sát trưởng.

Bio Farma, công ty dược phẩm sở hữu các cơ sở y tế được tận dụng để tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19, đang thúc đẩy hợp tác với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine do Sinovac phát triển. Công ty Trung Quốc kì vọng sẽ sản xuất từ 10 - 20 triệu liều vaccine trước khi được các cơ quan y tế cấp giấy phép.

Iin Susanti, người đứng đầu bộ phận chiến lược của Bio Farma, cho biết việc phân phối vaccine sẽ được triển khai sau khi cơ quan chức năng Indonesia phê duyệt vaccine. Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo cho biết chính phủ dự kiến sẽ thông qua loại vaccine này, hay còn được gọi là CoronaVac, vào tháng 1 năm sau, trong đó những liều vaccine đầu tiên sẽ được ưu tiên giành cho các nhân viên y tế.

Cân bằng yếu tố an toàn và tốc độ thử nghiệm

Tuy nhiên, bất chấp sự hợp tác tích cực của người dân địa phương, hiện vẫn chưa rõ bao giờ vaccine sẽ chính thức được phân phối. Các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ về an toàn nếu không tiến hành đầy đủ các quy trình thử nghiệm. Trước đó, một vaccine khác được tập đoàn dược phẩm AstraZeneca cùng trường Đại học Oxford hợp tác phát triển đã buộc phải tạm dừng thử nghiệm sau khi xuất hiện một tình nguyện viên xuất hiện các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, công ty này sau đó đã nối lại việc thử nghiệm vaccine tại Anh khi được sự chấp thuận từ nhà chức trách.

Việc trì hoãn thử nghiệm vaccine sẽ là một đòn nặng giáng vào những quốc gia đặt nhiều kì vọng vào việc phát triển thành công vaccine, mà Indonesia là một điển hình. Quốc gia Đông Nam Á với một lượng lớn người lao động trong khu vực phi chính thức đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu ăn trong suốt giai đoạn phong toả. Bên cạnh đó, nền kinh tế đã ghi nhận mức sụt giảm lên tới 5,32% trong giai đoạn quý 2, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 90.

Vì sao Indonesia trở thành nơi thử nghiệm vaccine Covid-19 của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Các tình nguyện viên thử vaccine chờ kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Bloomberg.

Áp lực đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phục hồi buộc Chính phủ Indonesia phải nới lỏng các quy định chống dịch, bất chấp việc số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Tại thủ đô Jakarta, các bệnh viện đang trở nên quá tải. Hiện, nhà chức trách thành phố khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như khuyến khích người lao động ở những ngành nghề không thiết yếu làm việc từ xa.

"Quy định giãn cách sẽ tiếp tục được áp dụng. Nhưng về lâu dài, vaccine vẫn là biện pháp duy nhất để chấm dứt đại dịch", ông Widodo trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài ngày 1/9. "Theo tôi, không có biện pháp nào hữu hiệu hơn". Tuy nhiên, chính ông cũng phải thừa nhận tính hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 trong tương lai.

CoronaVac hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 tại Brazil và nhiều nơi khác trên thế giới. Hiện vaccine này cùng với sản phẩm do công ty dược phẩm Mỹ Moderna phát triển đang là những vaccine có tiềm năng nhất hiện nay.

Chính phủ của ông Widodo cũng đã giao các viện nghiên cứu trong nước phát triển vaccine ngừa Covid-19, với kì vọng sẽ sớm hoàn tất giai đoạn phát triển vào giữa năm 2021. Hãng dược phẩm lớn nhất Indonesia, PT Kalbe Farma, đã hợp tác với công ty dược phẩm Genexine của Hàn Quốc, trong việc phát triển vaccine, hiện đang thử nghiệm giai đoạn 2.

Rõ ràng, việc cân bằng giữa các yếu tố an toàn và tốc độ thử nghiệm là một thách thức không nhỏ đối với các hãng dược phẩm. Hiện nay, tốc độ phát triển vaccine ngừa Covid-19 đang được đẩy nhanh ở mức chưa từng có tiền lệ trong quá khứ, khi thông thường các vaccine sẽ cần tới cả thập kỉ để phát triển.

Tại Nga, vacine được phát triển trong nước với tên gọi Sputnik V đã được nhà chức trách phê duyệt trước khi tiến hành bước thử nghiệm cuối cùng. Trong khi đó, Tổng thống Trump đang thúc giục các hãng dược phẩm đưa vaccine ra thị trường vào tháng 10. Bất chấp điều này, các hãng dược phẩm như AstraZeneca và Moderna đều cam kết sẽ tuân thủ đầy đủ các quy trình phát triển vaccine.

Các dữ liệu từ quá trình thử nghiệm cuối cùng như của Bio Farma tại Indonesia là bước đánh giá cuối cùng về hiệu quả của vaccine. Việc đảm bảo tính an toàn sẽ là yếu tố chủ chốt bởi chỉ cần một dấu hiệu bất thường trong quá trình thử nghiệm của hàng nghìn người có thể dẫn đến rủi ro cho hàng trăm nghìn người trong tương lai, William Haseltine, nhà nghiên cứu tại viện Access Health International nói.

Tuy nhiên, việc các nhà phát triển vaccine thực hiện nghiên cứu trong thời gian ngắn cho thấy khó có thể biết rõ tác động lâu dài của các loại vaccine, Haseltine nói thêm.

Sinovac cho biết hãng vẫn áp đụng đầy đủ các quy trình an toàn. Trong khi Jerremy Lim, giáo sư tại trường Đại học Saw Swee Hock ở Singapore, cho rằng các vaccine sẽ chỉ có thể tạo miễn dịch một phần ở một nhóm người, và các hiệu ứng tiêu cực là khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, quá trình phân phối vaccine cũng là một thách thức không nhỏ. Điển hình như tại Indonesia với hơn 6.000 hòn đảo, trong khi vaccine của Sinovac được yêu cầu phải bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C để duy trì tính hiệu quả.

Do đó, kể cả khi các vaccine đảm bảo các yêu cầu về an toàn và tính hiệu quả, vẫn là một rủi ro không nhỏ nếu các nước đặt mọi hi vọng vào giải pháp này, Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới cho biết.

"Kể cả khi họ đảm bảo các yếu tố an toàn, năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu trên toàn thế giới là thách thức lớn", Kassai nói. Do đó, việc quan trọng là các nước cần tiếp tục duy trì những biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang hay duy trì khoảng cách an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại