Tìm cách “kéo chân” châu Âu, Trung Quốc nhận nguyên “gáo nước lạnh”

Hồng Anh |

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc, các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Hồi đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc hy vọng hướng đến việc thiết lập quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược thông qua Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến tổ chức tại Leipzig do Thủ tướng Đức Merkel chủ trì, nhằm tạo ra bước đột phá trong quan hệ song phương.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Thay vì trải thảm đỏ hoan nghênh các nhà lãnh đạo tại Đức, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến vào 14/9 với sự đồng chủ trì của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

EU cảnh báo cứng rắn Trung Quốc

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở cửa thị trường, tôn trọng các nhóm thiểu số, rút lại luật an ninh đối với Hong Kong, đồng thời khẳng định châu Âu sẽ không còn để bị lợi dụng trong thương mại.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nói rằng: “Châu Âu là một người chơi, chứ không phải là một sân chơi”, ám chỉ đến sự nhận thức ngày càng gia tăng ở châu Âu về việc Trung Quốc đã không thực hiện các cam kết đảm bảo thương mại công bằng và tự do. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi thực sự nghiêm túc về việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và mong muốn xóa bỏ các rào cản”.

Với hơn 1 tỷ euro mỗi ngày đạt được trong thương mại song phương, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, còn Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ với vai trò là thị trường hàng hóa và dịch vụ của EU.

Chủ tịch Tập Cận Bình không tham gia họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh và các bên không có tuyên bố chung nào, nhưng Tân Hoa xã cho biết, ông Tập Cận Bình phản đối bất cứ sự can thiệp nào vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề nhân quyền.

“Trung Quốc sẽ không chấp nhận một “người hướng dẫn” nhân quyền và phản đối việc áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường trao đổi với EU dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau để cả hai bên cùng đạt được tiến bộ”, ông Tập Cận Bình nêu rõ.

EU đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu, từ việc sản xuất thép với số lượng quá mức cho phép đến đánh cắp sở hữu trí tuệ, điều mà Bắc Kinh đã bác bỏ. Thái độ của châu Âu với Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và việc áp dụng luật an ninh đối với Hong Kong.

Thủ tướng Merkel cho biết, bà và hai lãnh đạo EU đã gây sức ép với Chủ tịch Tập Cận Bình để đạt được tiến triển trong thỏa thuận đầu tư mà hai bên đang đàm phán.

“Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định - có đi có lại, cạnh tranh bình đẳng. Hai bên theo đuổi những hệ thống xã hội khác nhau và dù cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương thì mọi hành động phải dựa trên các quy tắc”, bà Merkel nhấn mạnh.

Thảm họa ngoại giao

Hầu hết các nhà quan sát lâu năm về quan hệ EU-Trung Quốc đều nhất trí rằng 2020 là một năm nhiều biến động trong quan hệ song phương. Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ Trung Quốc đã xử lý kém dịch Covid-19 ở thời điểm đầu, khiến dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới. CNN dẫn một nguồn tin nội bộ cho biết, các chính trị gia cấp cao nhất ở EU “buộc phải suy nghĩ kỹ về nhân tố địa chính trị mà Bắc Kinh đang cố gắng trở thành”.

Nguồn tin lưu ý: “Theo quan điểm của chúng tôi, Trung Quốc đã lợi dụng thực tế là rất nhiều người đang bị phân tâm bởi dịch bệnh Covid-19 để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu của họ và có những hành động khiêu khích trên trường quốc tế”.

Bắc Kinh đã làm dấy lên làn sóng phản đối hồi đầu năm nay khi áp đặt luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong. Mối lo ngại về hành vi của Trung Quốc cũng như sự hoài nghi về mức độ tin cậy với vai trò là một đối tác của châu Âu không chỉ được cảm nhận ở trong EU mà còn vượt ra ngoài khối.

Một nhà ngoại giao châu Âu từng làm việc về quan hệ với Trung Quốc trong năm 2019 đánh giá: “Năm 2020 đã cho nhiều nước thành viên EU thấy rằng, Trung Quốc ngày càng bất đồng hơn. Quan điểm của chúng tôi là Trung Quốc ít quan tâm đến việc phát triển quan hệ đối tác thực sự với châu Âu, thay vì đó cố gắng thay thế nền dân chủ phương Tây bằng hệ thống chính trị của riêng họ và ăn mòn nền kinh tế của chúng ta từ bên trong”.

Thời điểm xấu nhất trong quan hệ song phương vào năm 2020 là tháng 8 vừa qua, khi Ngoại trưởng Vương Nghị thực hiện chuyến công du châu Âu để gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt của EU trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ngày 14/9. Thay vì nhận được sự chào đón nồng nhiệt, phái đoàn của Trung Quốc đã phải chứng kiến bầu không khí căng thẳng. Sự thất vọng được cảm nhận rõ rệt ở phía Bắc Kinh.

“Tôi cho rằng, đó là một thảm họa ngoại giao. Đáng chú ý nhất là ở Đức – nơi ông Vương Nghị bị chỉ trích vì cảnh báo một chính trị gia Séc đến thăm Đài Loan, bị hối thúc phải từ bỏ luật an ninh đối với Hong Kong và thậm chí không gặp được Thủ tướng Merkel”, Steven Blockmans – quyền giám đốc Trung Tâm nghiên cứu chính sách châu Âu đánh giá.

Sức ép cân bằng

Vào thời điểm ông Vương Nghị công du Châu Âu, tờ China Daily cho rằng, Trung Quốc và EU "phải cùng nhau ngăn chặn Mỹ làm tổn hại đến sự ổn định toàn cầu". Global Times tuần trước cũng đăng tải một bài bình luận với tiêu đề “Trung Quốc và châu Âu luôn cần nhau”.

Bài bình luận có đoạn viết: “Cả Trung Quốc và châu Âu đều cần sự hỗ trợ lẫn nhau để duy trì quá trình điều hướng toàn cầu và hội nhập khu vực. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần bị sốc khi chứng kiến các nỗ lực hội nhập bị phá vỡ. Điều này được thực hiện bởi các lực lượng phá hoại chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân túy cực đoan ở phương Tây”.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh coi EU là đối tác cần thiết để đối trọng với một nước Mỹ ngày càng cứng rắn. Còn EU thì ngày càng nhận thức được sự rạn nứt trong quan hệ với Bắc Kinh. Năm 2019, Brussels đã xuất bản một bài phân tích về chiến lược đối với Trung Quốc, trong đó mô tả Bắc Kinh vừa là "đối tác chiến lược" vừa là "đối thủ mang tính hệ thống". Theo CNN, có một sự nhận thức rằng nếu EU muốn tạo dựng quan hệ sâu sắc với Trung Quốc thì họ cần phải vượt qua những mâu thuẫn và bất đồng.

Sự quan tâm của Brussels đối với Trung Quốc không chỉ đơn thuần là kinh tế. Rõ ràng, đầu tư trực tiếp nước ngoài và khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc là vô cùng hấp dẫn đối với nhiều nền kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc xây dựng quan hệ bền vững với Bắc Kinh cũng giúp củng cố động lực của châu Âu để trở thành một nhân tố địa chính trị lớn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại, sự chia rẽ, tham vọng chính trị và việc suy giảm kinh tế trong nội khối có thể khiến EU khó đứng vững trước những tham vọng của Bắc Kinh.

Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Hiện tại có rất ít hoặc không có sự thống nhất về mối quan hệ cuối cùng mà chúng tôi muốn xây dựng với Trung Quốc vì vậy ưu tiên của chúng tôi là xây dựng cầu nối giữa các quốc gia thành viên để có thể hành động một cách thống nhất”.

Mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ giữa EU và Trung Quốc luôn diễn biến phức tạp. EU nhận ra rằng, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang căng thẳng, khối này vẫn còn có đòn bẩy để gây sức ép đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cánh cửa để thực hiện chiến lược này ngày càng hẹp hơn. Theo CNN, nếu EU không tìm ra phương án cân bằng quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh thì về lâu dài họ sẽ rơi vào thế bí và có nguy cơ bị “đè bẹp” giữa hai siêu cường./

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại