Chiến hạm Mỹ tiếp cận nơi PLA tập trận: Trung Quốc có ý gì khi bắn 2 tên lửa từ đất liền ra biển Đông?

Hải Võ |

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ ngày 27/8 đã đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) để thách thức yêu sách phi lý của Trung Quốc.

Chiến hạm Mỹ tuần tra gần địa điểm Trung Quốc tập trận

Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ngày 27/8 thông báo, chiến hạm USS Mustin đã thực hiện một chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trên biển Đông, đi qua các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), gần địa điểm mà Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tiến hành tập trận.

Động thái diễn ra một ngày sau khi có thông tin Trung Quốc phóng các tên lửa đạn đạo ra biển Đông trong cuộc tập trận tại khu vực.

"Chiến dịch tự do hàng hải này gìn giữ quyền, tự do, và sử dụng biển một cách hợp pháp, được luật pháp quốc tế công nhận," bà Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7, nói.

Phát ngôn viên Chiến khu miền Nam của PLA, đại tá Li Huamin, lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc đã "triển khai lực lượng hải và không quân để theo dõi, xác định và cảnh báo [tàu Mỹ] rời khỏi".

Trung Quốc đã xây dựng trái phép một số sân bay quân sự và tiền đồn trên các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp ở biển Đông, làm dấy lên lo ngại trong các nước láng giềng và khu vực. Vào tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông cáo của Ngoại trưởng Mike Pompeo, tuyên bố những yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông là "phi pháp".

Chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh Wei Dongxu nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng PLA có khả năng giám sát toàn diện về hàng hải và hàng không ở khu vực biển Đông, với những khí tài hiện đại như máy bay tuần tra và có thể phát cảnh báo hoặc điều động tàu khu trục, tàu hộ vệ,... để xua đuổi các chiến hạm của Mỹ.

Chiến hạm Mỹ tiếp cận nơi PLA tập trận: Trung Quốc có ý gì khi bắn 2 tên lửa từ đất liền ra biển Đông? - Ảnh 1.

Tàu khu trục USS Mustin của Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 18/8/2020 (Ảnh: US Navy)

Rủi ro đụng độ Mỹ-Trung ở biển Đông gia tăng

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin PLA tiết lộ các tên lửa mà quân đội Trung Quốc phóng ra biển Đông hôm 26/8 gồm một tên lửa DF-26B phóng từ tỉnh Thanh Hải và tên lửa DF-21D từ tỉnh Chiết Giang. Hai tên lửa rơi xuống vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

PLA chưa xác nhận báo cáo nói trên, song các chuyên gia quân sự Trung Quốc cảnh báo tàu chiến Mỹ có thể gặp nguy hiểm khi xuất hiện gần địa điểm tập trận của quân đội nước này. Theo đó, hệ thống chỉ dẫn của các tên lửa chống hạm có thể nhận dạng nhầm các tàu xuất hiện bất ngờ là mục tiêu huấn luyện và "vô ý" đánh chìm những tàu này.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26 chỉ trích vụ PLA phóng tên lửa ra biển Đông là hành động đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, "gây bất ổn hơn nữa cho tình hình ở biển Đông".

Tên lửa DF-26 có tầm bắn 4.000km và có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công hạt nhân hoặc thông thường nhằm vào mục tiêu trên bộ và trên biển. Đây là loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Liên Xô ký kết từ năm 1987. Khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước vào tháng 8 năm ngoái, nước này nêu một phần nguyên nhân là do Trung Quốc triển khai các loại vũ khí tương tự.

Cả tên lửa DF-26 và DF-21 của Trung Quốc là các vũ khí có khả năng tấn công nhóm tàu sân bay.

Chuyên gia an ninh Derek Grossman của hãng Rand (Mỹ), đánh giá vụ PLA phóng tên lửa ra biển Đông ngày 26/8 sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự mất lòng tin giữa Mỹ-Trung, đồng thời củng cố lập trường cứng rắn của Washington nhằm vào Bắc Kinh trong tất cả lĩnh vực: Ngoại giao, kinh tế, và an ninh.

"Khó có khả năng quân đội Mỹ sẽ chùn bước, nhất là khi hiện nay đã có một nỗ lực ở cấp toàn chính phủ nhằm cạnh tranh và đối đầu Trung Quốc ở khu vực lẫn toàn cầu," Grossman nói.

Chuyên gia này cho rằng chiến tranh giữa Mỹ-Trung là điều khó xảy ra, nhưng vẫn tồn tại rủi ro xung đột phát sinh do tính toán sai lầm của hai bên.

"Nếu Trung Quốc bắn một tên lửa DF-21D khác và nó bay đến gần một tàu sân bay Mỹ trong khu vực, thì quân đội Mỹ có thể phản ứng bằng vũ lực bởi Mỹ sẽ cho là tên lửa chỉ bắn trượt mục tiêu mà thôi," Grossman phân tích.

Chen Gang, phó giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á tại Đại học quốc gia Singapore, cho rằng việc PLA phóng những loại tên lửa như trên tại khu vực nhạy cảm như biển Đông sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng, dẫn đến việc Mỹ triển khai thêm các tên lửa dạng này.

"Trung Quốc đã khoe tên lửa DF trong các cuộc diễu binh ở Bắc Kinh, và việc phóng tên lửa từ những địa điểm ở xa [ra biển Đông] nhằm thể hiện những vũ khí này không chỉ là đồ chơi để trưng bày," ông Chen nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng quá trình hiện đại hóa và phát triển đội quân "đẳng cấp thế giới" của Trung Quốc đã góp phần làm gia tăng những "hành xử khiêu khích" của PLA ở biển Đông lẫn biển Hoa Đông.

Nhà phân tích cấp cao Malcolm Davis tại Viện chính sách chiến lược Australia đồng tình với Grossman. Ông cho rằng vụ phóng tên lửa của PLA sẽ làm tăng thêm lo ngại của Mỹ về ý đồ của Bắc Kinh, cũng như mức độ thách thức mà khả năng quân sự của Trung Quốc gây ra.

"Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ không phản ứng với vụ thử [tên lửa] này theo cách điều chỉnh chính sách đối ngoại với Trung Quốc, mà sẽ củng cố lập trường của Mỹ về việc phải nhìn nhận nghiêm túc về khả năng của tên lửa Trung Quốc," ông Davis nói.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại