Lần đầu trừng phạt Bắc Kinh vì biển Đông, Washington tính toán gì?

Cao Lực |

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 26-8 áp lệnh trừng phạt nhằm vào 24 công ty Trung Quốc và các cá nhân bị cáo buộc liên quan đến hành vi bắt nạt và xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh trên biển Đông.

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên Washington ra đòn trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh liên quan đến vấn đề biển Đông. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra cùng ngày, 2 quan chức cấp cao nhấn mạnh động thái trừng phạt trên nhằm phát một thông điệp rõ ràng rằng hành vi quân sự hóa và dọa nạt trên biển Đông là không thể chấp nhận, bởi nó đi ngược lại lợi ích của các nước láng giềng Trung Quốc cũng như Mỹ và toàn thế giới.

Theo các quan chức này, Mỹ có nhiều mục đích khác nhau thông qua động thái trừng phạt, như trừng phạt hành vi xấu xa, khuyến khích mọi doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới đánh giá rủi ro, tái cân nhắc thỏa thuận làm ăn với các công ty nhà nước Trung Quốc có tên trong danh sách đen, trong đó có Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) cùng các công ty con của họ.

Trong khuôn khổ của lệnh trừng phạt, các công ty Mỹ không được bán sản phẩm cho 24 doanh nghiệp bị đưa vào danh sách đen khi chưa được sự chấp thuận của Washington. Theo Công ty tư vấn Eurasia Group (Mỹ), CCCC tham gia nhiều dự án trên thế giới song hiện vẫn chưa rõ tác động tức thì của lệnh trừng phạt Mỹ đối với lợi nhuận của họ.

Chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho rằng lệnh trừng phạt nhiều khả năng không tác động trực tiếp nhiều đến các công ty Trung Quốc liên quan, đặc biệt là CCCC, bởi họ vẫn có thể mua hàng của các nhà cung cấp đến từ nước khác.

Dù vậy, ông Poling nhấn mạnh đây có thể là bước đi đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump trong nỗ lực thuyết phục các đối tác Đông Nam Á rằng chính sách mới của họ không chỉ là lời nói suông.

Bên cạnh việc trừng phạt 24 công ty Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump còn áp lệnh hạn chế thị thực đối với giám đốc điều hành của những công ty này cũng như với những cá nhân khác đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch "bành trướng" của Trung Quốc trên biển Đông. "Mỹ sẽ hành động cho đến khi Bắc Kinh ngừng hành vi dọa nạt trên biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng đồng minh và đối tác trong việc chống lại hành động gây bất ổn này" - Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố nhưng không cho biết chính xác số lượng cá nhân bị trừng phạt.

Danh sách các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

- Tổng Công ty Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC); các công ty con của CCCC ở Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu; Cục Kỹ thuật điều hướng của CCCC.

- Công ty Viễn thông Bắc Kinh Huanjia.

- Công ty Dữ liệu viễn thông Thường Châu Guoguang.

- Viện Nghiên cứu số 7 của Tổng Công ty Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC-7).

- Công ty Công nghệ Quảng Châu Hongyu (trực thuộc CETC-7).

- Công ty Công nghệ Viễn thông Quảng Châu Tongguang (trực thuộc CETC-7).

- Viện Nghiên cứu số 30 của Tổng Công ty Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC-30).

- Viện Nghiên cứu số 722 của Công ty Đóng tàu Trung Quốc.

- Công ty Phát triển công nghệ Sùng Tín Bada.

- Công ty Thiết bị viễn thông Quảng Châu Guangyou.

- Tổng Công ty Viễn thông Quảng Châu Haige.

- Công ty Phát triển Quế Lâm Trường Hải.

- Công ty Công nghệ viễn thông Hồ Bắc Guangxing.

- Công ty Công nghệ điện tử Thiểm Tây Changling.

- Công ty Kỹ thuật cáp Thượng Hải.

- Công ty Công nghệ điện tử Telixin.

- Công ty Thiết bị phát thanh - truyền hình Thiên Tân.

- Công ty Công nghệ hàng không Thiên Tân 764.

- Công ty Công nghệ điều hướng và viễn thông Thiên Tân 764.

- Công ty Viễn thông Vũ Hán Mailite.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại