Đại dịch, thiên tai đe dọa an ninh lương thực; ông Tập cảnh báo khẩn về một vấn nạn "nhức nhối" ở TQ

Hồng Anh |

Một số chuyên gia cho rằng lời kêu gọi của ông Tập về vấn nạn lãng phí thực phẩm giữa bối cảnh dịch bệnh và thiên tai hoành hành có thể liên quan tới căng thẳng Mỹ-Trung.

Vấn nạn lãng phí thực phẩm "nhức nhối" ở Trung Quốc

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin, mới đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi người dân ngừng lãng phí thực phẩm trong bối cảnh nước này đang phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 và tình trạng mưa lũ nghiêm trọng.

Cụ thể, theo SCMP, trong khi mưa lũ gây thiệt hại tới những khu vực trồng lúa truyền thống, thì đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm của Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết việc giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm sẽ giúp cải thiện an ninh lương thực và giúp Trung Quốc đối mặt với đà nhập khẩu suy giảm.

Kể từ đầu tháng 6, những trận mưa lớn dồn dập đã tàn phá nhiều vùng đất trồng trọt rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc - một trong những "vựa lúa" chính của nước này.

Theo hãng thông tấn trung ương Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng lãng phí thực phẩm là một vấn đề "gây sốc và nhức nhối", và ngay cả khi những năm trước đó Trung Quốc có vụ mùa bội thu, thì người dân nước này vẫn cần "cảnh giác về nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường giám sát và thiết lập một cơ chế dài hạn nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm. Một trong những biện pháp được ông Tập đề ra nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội là chiến dịch phổ biến khẩu hiệu "lãng phí đáng trách, tiết kiệm đáng khen".

Bài viết được đăng tải hôm 11/8 của Tân Hoa Xã cũng phê phán một số quan chức dung túng cho thói quen lãng phí thực phẩm "đáng trách" nói trên, theo SCMP.

Kể từ năm ngoái, ông Tập và các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực, đồng thời đảm bảo năng lực cung cấp đủ thực phẩm cho 1,4 tỉ dân của nước này.

Theo báo cáo chung của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Học viện Khoa học Trung Quốc năm 2018, các nhà hàng và căng-tin tại Trung Quốc lãng phí khoảng 18 triệu tấn thực phẩm mỗi năm - tương đương khoảng 3% tổng sản lượng thực phẩm của nước này. Cũng theo báo cáo này, lượng thực phẩm lãng phí đủ để nuôi 50 triệu miệng ăn.

Đại dịch, thiên tai đe dọa an ninh lương thực; ông Tập cảnh báo khẩn về một vấn nạn nhức nhối ở TQ - Ảnh 2.

Ngôi làng gần hồ Bà Dương (Trung Quốc) chìm trong biển nước sau trận mưa lũ lịch sử năm nay. Ảnh: CNN

Trung Quốc cần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu?

Zhang Hongzhou, một nhà nghiên cứu tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho biết lời kêu gọi của ông Tập không chỉ nhằm mục đích cải thiện an ninh lương thực của Trung Quốc, mà còn để đảm bảo "sức mạnh thực phẩm" giữa những căng thẳng kéo dài trong mối quan hệ với Mỹ.

"Ngoài những biện pháp như tăng cường đầu tư vào các dự án nông nghiệp ở nước ngoài, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, và xây dựng các doanh nghiệp nông nghiệp của Trung Quốc trên khắp thế giới, thì việc giảm thiểu lãng phí thực phẩm cũng giúp nước này giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường 'sức mạnh thực phẩm'", ông Zhang nói.

Trao đổi với SCMP, nhà nghiên cứu này cho rằng những tác động của lũ lụt và các loại hình thiên tai khác không quá đáng lo ngại nếu so với dữ liệu của những năm trước, mà điều đáng lo ngại là giá bán thực phẩm thấp khiến những người nông dân Trung Quốc mất đi động lực trồng thêm hoa màu, đặc biệt là các loại ngũ cốc.

Trong khi đó, ông Hu Xingdou, một nhà kinh tế học tại Bắc Kinh, cảnh báo rằng Trung Quốc cần chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất trong cuộc đối đầu với Mỹ, và cần tiến tới hoàn toàn độc lập về sản xuất lương thực.

"Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 20% tổng nguồn cung thực phẩm, nhưng một số học giả ước tính rằng con số thực tế có thể lên đến 30%", ông Hu nói.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại