Dịch Covid-19: Hơn 40 nước có mức tăng kỷ lục trong ngày

Phạm Hà |

Làm thế nào để kiểm soát dịch khi số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại đang là bài toán đau đầu của nhiều quốc gia.

Dịch Covid-19 thế giới tuần qua lại chứng kiến các cột mốc đáng buồn khác với hơn 16 triệu người mắc Covid-19 trên toàn thế giới và đã có 40 nước ghi nhận có ca mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục trong ngày. Làm sao kiểm soát dịch khi số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại đang là bài toán đau đầu của nhiều quốc gia, với biện pháp phong tỏa tiếp tục được sử dụng tại một số khu vực.

Mỹ hiện vẫn trụ ở vị trí số 1 thế giới với hơn 4,3 triệu ca mắc bệnh với hơn 60.000 ca mới trong 24 giờ qua. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề sau Mỹ là Brazil đã ghi nhận gần 2,4 triệu ca mắc trong đó hơn 86 nghìn ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba thế giới với gần 1,4 triệu ca mắc và hơn 32.000 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới đang gia tăng không chỉ ở các quốc gia như Mỹ, Brazil và Ấn Độ, những nơi đã thống trị tin tức toàn cầu với những cụm lây nhiễm lớn, mà còn ở những nơi được cho là đã hạ nhiệt như tại Italy, Pháp, Australia...

Nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi đã nới lỏng lệnh giãn cách xã hội trước đó, đang trải qua đỉnh dịch thứ hai, hơn một tháng sau khi ghi nhận đỉnh dịch đầu tiên Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng “thế giới không thể quay trở lại trạng thái bình thường cũ, đại dịch đã thay đổi cách chúng ta sống.

“Tất cả mỗi cá nhân đều đóng vai trò trong việc bảo vệ chính mình và những người khác. Trước tiên, bạn phải biết tình hình dịch bệnh nơi bạn sinh sống và làm thế nào để giảm các nguy cơ đối với chính bạn. Cần xác định rõ mỗi hành động như có giữ đúng khoảng cách xa 1 mét hay rửa tay đều đặn hay không sẽ quyết định sức khỏe mạng sống của bạn và những người khác”, ông Ghebreyesus nói.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù số ca mắc Covid-19 trên thế giới tiếp tục gia tăng nhưng 2/3 ca toàn cầu tập trung vào 10 nước. Vẫn có những nhóm nước kiểm soát dịch rất tốt với các ca lây nhiễm tăng trở lại như Tây Ban Nha đã ngay lập tức đưa ra các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế thế giới Mike Ryan nhấn mạnh: “Một số nước đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa, thậm chí với những nước có mức lây nhiễm thấp cũng sẽ vẫn phải đối mặt với khả năng tái bùng phát trở lại. Tôi tin rằng trong trường hợp này như Tây Ban Nha hay các quốc gia khác đang phản ứng nhanh chóng và hiệu quả giúp dịch bệnh có thể nằm trong tầm kiểm soát”.

Với việc thế giới phải sống chung lâu dài với Covid-19, có nhiều tín hiệu đáng mừng trong những bước tiến nghiên cứu bào chế vaccine ngừa Covid-19 của thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhà nghiên cứu trong tuần qua đã đạt được kết quả đầy hứa hẹn khi một số mẫu vaccine hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và không có mẫu nào thất bại, tức là chúng có khả năng đảm bảo an toàn và khả năng miễn dịch. Những kết quả này sẽ là tiền đề tích cực hướng tới vaccine phòng Covid-19 được sản xuất hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cũng cho rằng phải tới đầu năm 2021 mới có thể xác định được khi nào những liều vaccine đầu tiên được chính thức đưa vào sử dụng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại