Kinh tế Trung Quốc phục hồi, các nước Đông Nam Á hưởng lợi

Mỹ Linh |

Các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc khi đây là thị trường xuất khẩu lớn của khu vực.

Trung Quốc vào tuần trước cho biết tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này tăng 3,2% trong quý hai năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn con số dự báo 2,5% được đưa ra trước đó. GDP cả nước đã giảm 6,8% trong quý đầu tiên do dịch bệnh.

"Tuy vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt song sự tăng trưởng sẽ khơi dậy hy vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể giúp vực dậy cả các nền kinh tế khác", theo Well Wiranto, một nhà kinh tế tại Ngân hàng OCBC cho biết. "Thực tế là Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của ASEAN và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với khu vực này."

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc là một "món nợ đau đớn" trong quý đầu tiên, nhưng sự tăng trưởng gần đây đã biến nó thành một "tài sản quan trọng", ông nói thêm.

Các nước Đông Nam Á xuất khẩu 18,8% hàng hóa của họ sang Trung Quốc. Sự phục hồi của Trung Quốc không chỉ là sự cứu nguy cho các quốc gia này mà sẽ còn ảnh hướng tới cả các quốc gia điểm đến khác - chẳng hạn như Mỹ - đất nước vẫn đang vật lộn với việc kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Dấu hiệu hồi phục

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn cũng có thể đang bước vào giai đoạn phục hồi, theo Steve Cochrane, nhà kinh tế học khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics.

"Chúng ta sẽ trở lại vào tháng Năm", ông chia sẻ tại chương trình "Squawk Box Asia" của CNBC vào tuần trước, lưu ý rằng các nền kinh tế ở Trung Quốc, Úc và New Zealand cũng đang cải thiện. Đó là bởi các hoạt động kinh tế được nối lại, việc phong tỏa và hạn chế bị gỡ bỏ giúp loại bỏ áp lực từ phía nguồn cung, ông nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ tích cực như vậy.

Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, cho biết sự phục hồi về kinh tế trong nửa đầu năm 2020 có thể đã bị "cường điệu" bởi những yếu tố khác nhau như việc đầu cơ đầu tư bất động sản, và thực tế là Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên xuất hiện tình trạng này sau phong tỏa.

"Nền kinh tế rồi cũng sẽ phục hồi, nhưng nhiều khả năng sẽ bị cản trở bởi những rủi ro do đại dịch kéo dài, kết hợp với tình hình Mỹ - Trung đang hết sức căng thẳng."

Ông Cochrane đến từ công ty phân tích Moody’s Analytics cũng đồng ý rằng giãn cách xã hội và các rủi ro khác sẽ vẫn là một điểm tắc nghẽn.

"Thương mại toàn cầu sẽ không phải là một lực đẩy mạnh mẽ cho khu vực, vai trò của nó ở mức vừa phải", Cochrane nói. Cụ thể, ông cho biết các nền kinh tế như Đài Loan và Hàn Quốc, vốn xuất khẩu thiết bị công nghệ cao sang Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi.

Ngân hàng ANZ vào tuần trước cho biết rằng nhu cầu từ Trung Quốc đối với các sản phẩm của Hàn Quốc đã tăng lên, nhưng đối với các thị trường lớn khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

"Xuất khẩu máy tính, các sản phẩm thuốc men và vi sinh của Hàn Quốc đã được hưởng lợi từ đại dịch, nhưng lợi ích đó dường như chỉ là một sự bù đắp cho các sản phẩm dầu mỏ và ô tô vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh phong tỏa toàn cầu, các nhà phân tích của ANZ cho biết.

Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu của sự phục hồi đang xuất hiện, xuất khẩu cũng tăng trở lại bởi các biện pháp ngăn chặn mang tính toàn cầu đã dần hạ nhiệt. Xuất khẩu sang Mỹ và Việt Nam, kể cả mặt hàng ô tô, cũng đã tăng trưởng trở lại

"Các chỉ số khác, chẳng hạn như chỉ số PMI của Hàn Quốc (chỉ số quản lý mua hàng), và các chỉ số thương mại toàn cầu như hàng hóa vận chuyển tàu cũng cho thấy điều tồi tệ nhất đã nằm ở phía sau", ANZ nhận định.

Theo CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại