Trung Quốc cố gắng lấy lòng Philippines trong vụ Biển Đông mới đây

Trung Hiếu |

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang mở cuộc “tấn công quyến rũ” để lấy lòng Philippines trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.

Sau một cuộc chiến ngôn từ chưa từng có tiền lệ do căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Bắc Kinh đang cố gắng giành giật tình cảm của những người bạn mới ở Manila.

Lập tức trao đổi với Philippines

Chỉ một số ngày sau khi Philippines lần đầu tiên công khai kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 về Biển Đông (trong vụ Philippines kiện Trung Quốc), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi mở rộng với người đồng cấp Philippines.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian cam kết sẽ ưu tiên Philippines trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19, trong khi cảnh báo Mỹ đừng can thiệp vào các tranh chấp trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/7/2020 đã có thông cáo về tranh chấp ở Biển Đông, trong đó ông Pompeo không chỉ bác bỏ các yêu sách rất rộng của Bắc Kinh trên biển và khẳng định yêu sách của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Điều này đã khuyến khích các đồng minh của Mỹ trong khu vực có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Với tình cảm bài Hoa gia tăng ở Philippines và việc Bắc Kinh không hoàn thành cam kết đầu tư quy mô lớn vào Philippines, quân đội quốc gia Đông Nam Á này đang tăng cường chỉ trích hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Những món quà mà Trung Quốc hứa hẹn

Trong cuộc họp trực tuyến gần đây với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Chúng ta cần nuôi dưỡng tình hình hữu nghị mà khó khăn mới có được hiện nay”.

Kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Trung Quốc và Philippines, Ngoại trưởng Trung Quốc háo hức tái hứa hẹn với chính quyền Philippines và hạ thấp các sự khác biệt.

Một số ngày sau đó, Đại sứ Trung Quốc ở Philippines Huang Xilian hứa hẹn rằng Manila sẽ là một ưu tiên hàng đầu để nhận bất cứ “hàng hóa công cộng toàn cầu” nào, đặc biệt là việc phát triển các vaccine Covid-19.

Ông Đại sứ này bổ sung: “Khi vaccine Covid-19 được phát triển và đưa vào sử dụng, Trung Quốc sẽ ưu tiên cung cấp sản phẩm đó cho Philippines”.

Ngoài các nỗ lực “đẩy nhanh” hoạt động đi lại giữa 2 nước và thiết lập một “kênh xanh” để cung cấp nhanh chóng các thiết bị và hàng hóa thiết yếu, Trung Quốc còn hứa hẹn trợ giúp chương trình phục hồi kinh tế của Philippines.

Đại sứ Trung Quốc nói thêm: “Khi việc làm và hoạt động sản xuất được khôi phục một cách có trật tự, sẽ có thêm các dự án do Trung Quốc cấp vốn ở Philippines, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho việc hồi phục kinh tế và cải thiện kế sinh nhai của người dân”.

Tuy nhiên nhà ngoại giao Trung Quốc này cũng không quên đổ lỗi cho Mỹ về việc “phô diễn sức mạnh, kích động căng thẳng, và xúi giục đối đầu trong khu vực”.

Về thông cáo của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đối với Biển Đông , Đại sứ Huang khuyên các nước trong vùng “cảnh giác cao độ” giữa lúc “Mỹ tăng cường can thiệp”.

Nhà ngoại giao Trung Quốc này còn tiếp tục tung lời chỉ trích Mỹ, như “bóp méo sự thật” và “gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và các nước ven biển khác”.

Niềm tin của Philippines với Trung Quốc đã không còn như xưa

Thế nhưng có dấu hiệu ngày càng nhiều cho thấy chiến dịch “tấn công quyến rũ” này của Trung Quốc đang héo mòn dần.

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã coi việc xây dựng quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng do trên thực địa thiếu vắng các đầu tư quy mô lớn từ Philippines cũng như do các hoạt động hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, thời kỳ mật ngọt này giữa 2 nước dường như đã mất đi.

Các cuộc khảo sát mới đây nhất cho thấy đại dịch Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) đã củng cố mạnh mẽ thái độ nghi ngờ của ngày càng nhiều người Philippines đối với Trung Quốc.

Theo cuộc khảo sát của Social Weather Stations mới đây (thực hiện từ ngày 3-6/7), chỉ khoảng 1/5 số người được hỏi (22%) cho hay họ có “nhiều tin tưởng” vào Trung Quốc. Có tới 6 trong 10 người Philippines (58%) bày tỏ “ít tin tưởng” vào đại cường châu Á này.

Trong tháng qua, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsis đã cảnh báo Trung Quốc về “phản ứng nghiêm khắc nhất” nếu các hoạt động quân sự của nước này lan sang vùng biển của Philippines và khẳng định phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 là “không thể thương lượng được”.

Trung Quốc cố gắng lấy lòng Philippines trong vụ Biển Đông mới đây - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Philippines không phải là người duy nhất theo đuổi quan điểm ngày càng cứng rắn với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, người đã giám sát việc hiện đại hóa lực lượng hải quân Philippines, cũng đã cổ xúy cho quan điểm “chủ động hơn” trong vấn đề Biển Đông.

Người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines đã công khai ủng hộ lời cảnh báo của Mỹ đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

Tháng trước, Bộ trưởng Lorenzana đã nhắc lại lời của viên Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ Charles Brown Jr cảnh báo việc Trung Quốc lập vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông là vi phạm “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp” và là một sự đe dọa trực tiếp đối với “không phận quốc tế”.

Bộ trưởng Lorenzana nhắc nhở Bắc Kinh rằng “nhiều nước sẽ coi ADIZ này là bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Trên thực tế, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng nằm trong số các lãnh đạo khu vực đầu tiên công khai hoan nghênh tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Biển Đông.

Ông Lorenzana nói: “Chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ quan điểm của cộng đồng quốc tế về việc phải có một trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông”. Ông kêu gọi Trung Quốc “lắng nghe lời kêu gọi của cộng đồng các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các thỏa thỏa quốc tế đang tồn tại”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại