Trung Quốc, Ấn Độ đạt thỏa thuận mới trong sự hoài nghi

Đình Nam |

Sau 4 vòng đàm phán giữa các Tư lệnh quân đoàn của quân đội hai nước, căng thẳng tại khu vực biên giới Trung - Ấn đang tạm thời lắng dịu.

Cụ thể, việc 2 bên vừa mới thống nhất được việc sẽ không tuần tra bằng bộ binh hoặc sử dụng thiết bị bay không người lái trong phạm vi 10 km từ các điểm căng thẳng dọc đường Ranh giới thực tế (LAC) ở Ladakh. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho rằng, việc thực thi các thỏa thuận đạt được giữa 2 bên vẫn phải cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Theo giới chức cấp cao Ấn Độ, nước này và Trung Quốc đã nhất trí không tuần tra trên bộ hoặc sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong phạm vi 10km từ các điểm căng thẳng dọc Ranh giới thực tế (LAC).

Đây là một giải pháp để hai bên xây dựng lòng tin với nhau. Quân đội hai nước nhất trí không thực hiện bất kỳ bước đi nào có thể làm chệch hướng các cuộc đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương hiện nay.

Tuy nhiên, phía Ấn Độ thừa nhận, thỏa thuận mới đạt được có thể sẽ tác động đến việc xác minh thực thi các thỏa thuận trước đó của 2 bên, vì các vật thể bay không được hoạt động trong phạm vi 10 km từ các địa điểm đối đầu. Hiện nay, quân đội hai nước không còn đối mặt tại bất kỳ điểm nào, song vẫn cần kiểm chứng liên tục và Ấn Độ đang chuẩn bị cho lộ trình dài.

Trong bối cảnh “niềm tin” giữa 2 bên vẫn cần thêm thời gian xác thực như vậy, tờ Hindu cùng nhiều tờ báo khác của Ấn Độ hôm qua khẳng định, Trung Quốc vẫn không rút lui quân tại khu vực căng thẳng theo như các cam kết trước đó với phía Ấn Độ.

Truyền thông dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho rằng, dù đã có nhiều vòng thảo luận ở cả cấp độ ngoại giao và quân sự về việc rút quân, song Trung Quốc vẫn đang duy trì hơn 40.000 quân trong khu vực tranh chấp. Trên thực tế, quân đội Trung Quốc chỉ di dời quân và khí tài từ chốt căng thẳng này đến chốt căng thẳng khác mà không có dấu hiệu rút quân hoàn toàn khỏi ở khu vực tranh chấp.

Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thừa nhận, các cuộc đàm phán hạ nhiệt căng thẳng biên giới giữa 2 bên vẫn rất phức tạp và không thể biết được khi nào vấn đề sẽ được giải quyết.

Liên quan đến căng thẳng Ấn – Trung, hôm 22/7 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa lên tiếng ủng hộ phía Ấn Độ, cho rằng cuộc đụng độ biên giới ở Ladakh hồi tháng trước là ví dụ mới nhất về “thái độ không thể chấp nhận được” của Trung Quốc.

Nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi Ấn Độ giảm phụ thuộc vào các mặt hàng của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc; khẳng định Ấn Độ là đối tác tự nhiên của Mỹ trong vai trò của “một trong số vài quốc gia đáng tin cậy và có chung mục đích”.

“Ấn Độ có cơ hội thu hút các chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc của họ vào các công ty Trung Quốc trong những lĩnh vực như viễn thông, cung ứng y tế và các lĩnh vực khác… Ấn Độ đã giành được sự tin tưởng từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ. Mỹ đang giành 1 sự ủng hộ chưa từng thấy với an ninh của Ấn Độ - một quốc gia đối tác quan trọng, một trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của chính phủ chúng tôi”.

Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã có phản ứng, kêu gọi Ấn Độ duy trì 1 chính sách đối ngoại độc lập: “Chúng tôi hy vọng và tin rằng Ấn Độ, với tư cách là một quốc gia quan trọng, sẽ có thể duy trì chính sách đối ngoại độc lập và bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực thông qua các hành động cụ thể, đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề quốc tế”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại