Các đồng minh Mỹ phối hợp với nhau theo cách "chưa từng thấy": Trung Quốc gặp thách thức lớn

Thu Ngọc |

Phân tích của CNN chỉ ra, một số đồng minh của Mỹ đang có những hành động phối hợp với nhau để tạo ra sức mạnh kiềm tỏa Trung Quốc tốt hơn.

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi ông lên tiếng bảo vệ nền thương mại tự do và kêu gọi các nước cùng hành động về vấn đề biến đổi khí hậu, sau khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đưa ra những tuyên bố hoàn toàn trái ngược.

Đây được xem là một nỗ lực đáng kể của lãnh đạo Trung Quốc để định vị nước này là cường quốc lãnh đạo thế giới kế tiếp, đồng thời là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang thực sự tuân theo những trật tự thế giới hình thành dựa trên luật lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đến nay đại dịch COVID-19 đang tạo ra nhiều thay đổi. Một số nguyên thủ quốc gia từng cảm thấy rất ấn tượng với tầm nhìn của ông Tập đang phàn nàn về nghi vấn Bắc Kinh che đậy thông tin trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, bất chấp Trung Quốc nhiều lần bác bỏ các cáo buộc và khẳng định đã hành động nhanh chóng, kịp thời, có trách nhiệm.

Dù Bắc Kinh đã quen với những cuộc đấu tranh ngoại giao như vậy, có một điều cơ bản đã thay đổi: Các quốc gia vốn từng “nhắc nhở nhẹ nhàng” Trung Quốc giờ đây có giọng điệu gay gắt và hành động mạnh mẽ hơn nhiều.

CNN chỉ ra, các nước này rõ ràng đang phối hợp với nhau để tạo ra sức mạnh kiềm tỏa Trung Quốc tốt hơn.

Nhiều nước cùng phản ứng nhằm vào Trung Quốc

Thái độ và phản ứng của phương Tây đối với đạo luật này của Trung Quốc là tương đối giống nhau.

Trong một động thái công khai hiếm hoi thể hiện sự phối hợp, 4 thành viên nhóm Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand) đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố chung lên án Trung Quốc thông qua đạo luật.

Vương quốc Anh xác nhận sẽ mở cơ hội cho khoảng 3 triệu người dân Hồng Kông có hộ chiếu ở nước ngoài của Anh trở thành công dân nước này. Chính phủ Australia đã quyết định gia hạn thị thực cho người Hồng Kông đang cư trú tại đây, đồng thời mở đường cho nhập tịch cho các công dân đặc khu. Cùng lúc đó, Canada đang tìm cách để "thúc đẩy" hoạt động di cư khỏi Hồng Kông.

Australia và Canada đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, trong khi Mỹ, Anh và New Zealand đều đang xem xét lại các hiệp ước này.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng cảnh báo hôm 13/7 về việc EU đang cân nhắc các phản ứng, nhưng chưa công bố quyết định cụ thể nào.

Nhóm Five Eyes trong nhiều năm qua có thể đã thảo luận về chiến lược đối phó Trung Quốc, nhưng hành động phối hợp công khai như những gì vừa diễn ra thực sự hiếm có - theo CNN.

Đầu tháng này đã chứng kiến sự ra đời của một liên minh mới của các nghị sĩ từ 16 quốc gia và Liên minh châu Âu, với tên gọi Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). IPAC sẽ tiến hành các hành động đối phó Trung Quốc tại các nước thành viên. Các thành viên của liên minh bao gồm các thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Bob Menendez, cũng như các nhà lập pháp từ Anh, Australia, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Cộng hòa Séc và Uganda.

Một trong những chiến dịch hiện tại của IPAC kêu gọi các nước thành viên ngừng thực hiện các hiệp định dẫn độ với Hồng Kông. Một quốc gia khác kêu gọi các thành viên cấp visa cho người Hồng Kông với mục đích định cư.

"Tôi chưa bao giờ chứng kiến một việc nào tương tự như việc các quốc gia đang vượt ra khỏi phạm vi Liên hợp quốc và các nghị sĩ vượt ra khỏi biên giới quốc gia để lập nên một mặt trận chống lại Trung Quốc. Điều này rất đáng chú ý," CNN dẫn lời bà Yuka Kobayashi, trợ lý giáo sư về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại Đại học SOAS London, nhà cố vấn cho các chính phủ và tổ chức về Trung Quốc.

"Rất nhiều quốc gia trước đây đã muốn 'lấy lòng' Bắc Kinh nhưng bây giờ không còn như thế nữa," bà nói, chỉ ra thực tế một số nước bắt đầu có biện pháp ngăn chặn hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia vào xây dựng hạ tầng internet tốc độ cao.

"Nếu những động thái này được phối hợp với nhau thì Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng."

Hôm 14/7, Anh đã ban hành lệnh cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng hệ thống mạng 5G.

Các quyết định cấm này có thể không nhất thiết được bàn bạc trước với nhau nhưng sự thực là các nước đang theo dõi chặt chẽ các quyết định của nhau và trong một số trường hợp, họ học hỏi lẫn nhau.

Tập đoàn Huawei đã cố gắng hết sức để chứng minh rằng họ không phải là một cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc, tuyên bố sẽ không bao giờ giao nộp dữ liệu cá nhân người dừng cho Bắc Kinh. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng tập đoàn này về mặt pháp lý có thể bị bắt buộc làm như vậy trong một số trường hợp nhất định.

Các đồng minh Mỹ phối hợp với nhau theo cách chưa từng thấy: Trung Quốc gặp thách thức lớn - Ảnh 3.

Việc Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông đã vấp phải nhiều phản ứng đồng thời từ các nước phương Tây (Ảnh: AP)

Trung Quốc và trật tự thế giới

Cùng với sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc, Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo tại một số tổ chức tạo ra các nền tảng của trật tự thế giới. Tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ tại Trung Quốc có quan hệ mật thiết với quá trình toàn cầu hóa, do vậy, việc nước này tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhóm G20 là những nền tảng quan trọng. Việc ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng tăng thêm mức tín nhiệm của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ rút khỏi hiệp định này.

Tuy nhiên, một số một số quyết định quan trọng của Bắc Kinh trong năm nay cho thấy những hạn chế trong cam kết với các chuẩn mực toàn cầu.

Cuộc đụng độ hồi giữa tháng 6 giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy Himalaya đã khiến hơn 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Các tàu hải quân Trung Quốc cũng đã đối đầu với các tàu từ các quốc gia châu Á khác ở biển Hoa Đông và biển đông, trong khi cáo buộc của Mỹ và Australia về các cuộc tấn công tin tặc do Trung Quốc hậu thuẫn làm xói mòn mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước.

Trung Quốc thường xuyên phủ nhận việc nước này có liên quan tới các cuộc tấn công mạng như vậy. Những cáo buộc của Bộ An ninh nội địa Mỹ và FBI về các cuộc tấn công gần đây, nhằm vào các tổ chức nghiên cứu và dược phẩm có bước tiến trong hoạt động điều chế vaccine COVID-19 của nước này, là ví dụ điển hình về những thách thức nhằm vào Trung Quốc.

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đến mức bất cứ khi nào xuất hiện những lời chỉ trích về Bắc Kinh thì hầu như luôn luôn đi đôi với việc thừa nhận tầm quan trọng của họ với thế giới.

Giám đốc FBI Christopher Wray, người cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm cho các cuộc tấn công mạng gần đây, nhận định Bắc Kinh là "mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với thông tin, sở hữu trí tuệ và sức mạnh kinh tế của nước Mỹ". Tuy vậy, chính ông thừa nhận rằng việc duy trì mối quan hệ với Trung Quốc là vô cùng quan trọng.

Các đồng minh Mỹ phối hợp với nhau theo cách chưa từng thấy: Trung Quốc gặp thách thức lớn - Ảnh 5.

Ông Tập Cận Bình và ông Trump cùng phái đoàn Mỹ-Trung Quốc dự bữa tối công tác sau hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina, tháng 12/2018 (Ảnh: Reuters)

Không dễ để các nước thay đổi lập trường với Trung Quốc

Theo CNN, Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu nên nước này sở hữu lợi thế đáng ghen tị trong các cuộc tranh chấp, cho dù đó là về thương mại, lãnh thổ, chủ quyền hay ý thức hệ.

Điều này này chưa bao giờ trở nên rõ ràng như thời điểm hiện tại.

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho thế giới nhận ra rằng các nước đều đang phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc cho mọi thứ, từ những chiếc xe ô tô, các loại dược phẩm hay điện thoại. Nó cũng dẫn đến sự phụ thuộc thị trường xuất khẩu vào Trung Quốc của mỗi quốc gia.

Sự gián đoạn do dịch bệnh đã buộc nhiều quốc gia trên thế giới phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu. Australia đang làm việc này khá hiệu quả. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Trong năm 2018-19, thương mại hai chiều trị giá 235 tỷ USD, gấp hơn 2.5 lần so với Nhật Bản, đối tác lớn thứ 2 của xứ chuột túi. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Australia của Trung Quốc có giá trị lên tới 153.2 tỷ USD, chiếm 32.5% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Nhưng sau khi Australia dẫn đầu việc kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc của dịch COVID-19, Bắc Kinh đã quyết định áp dụng ngay một mức thuế nhập khẩu lên tới 80.5% đối với sản phẩm lúa mạch Australia. Quyết định này thực sự gây sốc khi Trung Quốc thường mua khoảng 1/2 sản lượng lúa mạch xuất khẩu từ xứ sở chuột túi. Bắc Kinh cũng đã áp dụng hàng rào thuế quan đối với một số sản phẩm thịt bò Australia. Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Tài chính Australia, Đại sứ Trung Quốc tại Australia, ông Thành Cạnh Nghiệp, đã khuyến nghị người dân Trung Quốc tẩy chay rượu vang, du lịch và du học tại các trường đại học Australia.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Australia Scott Morrison về việc mở cuộc điều tra nguồn gốc của dịch COVID-19 là một hành động hiếm hoi thể hiện khả năng dẫn dắt đối với các vấn đề toàn cầu của xứ sở chuột túi. Điều này cũng khá ngạc nhiên, bởi vì sự gần gũi về địa lý giữa Australia với Trung Quốc khiến cho rủi ro căng thẳng leo thang là khá rõ ràng.

Thủ tướng Morrison gần đây cũng tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng của Australia.

"Chúng tôi mong muốn xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và không chịu sự đe dọa và kiềm tỏa của một nước nào. Chúng tôi mong muốn thiết lập một khu vực mà tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều có các mối quan hệ ngoại giao bình đẳng dựa trên các quy định và nguyên tắc quốc tế," ông Morrison nói.

EU có thể đang phối hợp với nhau để đáp trả việc Trung Quốc ban hành Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, nhưng liên minh này đã hành động chậm chạp.

Về vấn đề Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như chưa tìm được sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bà đã được một số lãnh đạo doanh nghiệp khen ngợi vì cách tiếp cận thực tế và khuyến khích sự phát triển của mối quan hệ thương mại song phương. Nhưng bà cũng hứng chịu những lời chỉ trích vì thái độ quá mềm mỏng và quá gần gũi với Bắc Kinh.

Hôm 13/7, bà Merkel vừa ủng hộ cam kết của EU về phản ứng thống nhất nhưng bà cũng nói rằng "không có lý do gì để không tiếp tục đối thoại với Trung Quốc" - theo Reuters.

Tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của nguyên thủ Đức không có gì là khó hiểu. Kể cả bỏ qua vấn đề thương mại, các nước đều có nhiều lý để không đoạn tuyệt được với Trung Quốc.

Thế giới cần sự hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề môi trường. Nước này là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới và đang sẵn lòng tham gia vào nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu.

Chỉ có Trung Quốc mới có thể cung cấp câu trả lời cho một số câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, câu trả lời sẽ giúp các chuyên gia y tế ngăn chặn sự bùng phát của một đại dịch khác trong tương lai. Và nếu Trung Quốc điều chế thành công vaccine ngừa COVID-19, các nước tất nhiên là muốn tiếp cận loại vaccine này.

Việc gạt Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi không phải là lựa chọn thực tế. Tuy vậy, các nước trên thế giới đang cho thấy sự quyết tâm để định hình lại mối quan hệ với Bắc Kinh thông qua việc hợp tác với nhau.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại