Bác bỏ yêu sách biển của TQ: Mỹ đảo ngược chính sách "chủ nghĩa biệt lập" với Biển Đông

Thạc sỹ Hoàng Việt - Đại học Luật TP Hồ Chí Minh |

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không chỉ là một sự thể hiện ý chí chính trị to lớn của Mỹ là sát cánh với các đồng minh, mà còn là một sự củng cố trên tiền tuyến ở Biển Đông.

Sự khác biệt trong chính sách với Biển Đông trước đây

Ngày 14/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố hàng loạt thông tin chi tiết quan trọng liên quan đến chính sách của Mỹ về Biển Đông. Các quan điểm chính sách mới của Mỹ giải thích chi tiết hơn những diễn giải pháp lý của chính phủ Mỹ về những yêu sách biển quá đáng ở Biển Đông, với mục đích bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.

Chính sách của Mỹ trước đây "mơ hồ" ở chỗ nó kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế, song Washington không thể hiện quan điểm về tính hợp pháp trong yêu sách chủ quyền của bên nào.

Bác bỏ yêu sách biển của TQ: Mỹ đảo ngược chính sách chủ nghĩa biệt lập với Biển Đông - Ảnh 1.

Bằng cách gọi những yêu sách biển của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi Biển Đông là bất hợp pháp và ủng hộ một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Mỹ đã đảo ngược chính sách được cho là theo "chủ nghĩa biệt lập" của mình và đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ với các đối tác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Australia.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo không chỉ là một sự thể hiện ý chí chính trị to lớn của Mỹ là sát cánh với các đồng minh của mình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn là một sự củng cố trên tiền tuyến ở Biển Đông.

Một nhà quan sát về vấn đề Trung Quốc nhận định: "Tuyên bố này đã thay đổi quan niệm rằng chính quyền Trump chỉ hướng nội và có chủ trương biệt lập. Bằng cách công khai lập trường rõ ràng về Biển Đông, đây là một lời tái khẳng định học thuyết của Mỹ đối với khu vực này.

Nó chỉ ra rằng Mỹ vẫn kiên định sát cánh cùng với các đồng minh của mình như Philippines…, cũng như công nhận các tuyên bố chủ quyền của Indonesia và Malaysia chống lại sự chèn ép của Trung Quốc trong khu vực này".

Tuyên bố của Mỹ đã làm sống lại phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye ngày 12/7/2016, theo đó phản đối các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Bác bỏ yêu sách biển của TQ: Mỹ đảo ngược chính sách chủ nghĩa biệt lập với Biển Đông - Ảnh 2.

Để nhắc nhở Trung Quốc về sự ngông cuồng xấc xược của nước này, Ngoại trưởng Pompeo đã lặp lại một tuyên bố hồi năm 2010 của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì - người đã tuyên bố với những người đồng cấp ASEAN rằng trên thực tế, Trung Quốc là một nước lớn còn các nước khác chỉ là những nước nhỏ. Ông Pompeo nhấn mạnh, quan điểm này không có chỗ trong thế kỷ 21.

Thời điểm ý nghĩa

Có nhiều ý nghĩa quan trọng trong thời điểm mà Hoa Kỳ ra tuyên bố này. Đây là dịp kỷ niệm 4 năm sau Phán quyết ngày 12/7/2016. Nhưng trên hết đây là phản ứng của Hoa Kỳ trước các hành động đe doạ và bắt nạt các quốc gia khác trên khu vực Biển Đông của Trung Quốc.

Tuyên bố này của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được đưa ra vào thời điểm hai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ là Nimitz và Ronald Reagan, cùng với 120 máy bay chiến đấu, đang thao diễn trên Biển Đông.

Hai siêu tàu sân bay này đang công khai thách thức sức mạnh chưa được kiểm chứng của Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bằng cách diễn tập gần khu vực Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam, phía Bắc của căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc trên Hải Nam.

Trung Quốc không dễ gì "xuống nước"

Với tình hình, này COC thì khó có thể đẩy được nhanh, bởi vì bên quan trọng và sẽ không chịu tiếp tục đàm phán COC theo tin thần chung chính là Trung Quốc. Trung Quốc chỉ muốn có một COC theo mục đích của mình, đó là đẩy Hoa Kỳ ra ngoài Biển Đông, dùng COC để ngăn chặn các quốc gia ASEAN khác cải thiện điều kiện trên các thực thể, trong khi Trung Quốc đã hoàn tất quân sự hoá tại các thực thể mà Trung Quốc đã chiếm đóng.

Bác bỏ yêu sách biển của TQ: Mỹ đảo ngược chính sách chủ nghĩa biệt lập với Biển Đông - Ảnh 3.

Với sự can thiệp của Hoa Kỳ như vậy, không dễ gì để Trung Quốc xuống nước và chấp nhận COC theo ý của các quốc gia ASEAN ngay. Mà có khi Trung Quốc sẽ lấy lý do Hoa Kỳ can thiệp để tiếp tục "câu giờ" đối với COC như Trung Quốc đã và đang làm.

Có thể Trung Quốc sẽ có những hành động hung hăng hơn vừa để đe doạ tất cả các quốc gia liên quan, vừa để thể hiện sức mạnh và thăm dò quyết tâm của Hoa Kỳ trong vấn đề này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần giải toả dư luận trong nước, khi họ đang có nhiều vấn đề nội bộ bộc phát, cho nên rất có khả năng, Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang trong các hành động quấy rối của họ tại Biển Đông, và tình hình Biển Đông sẽ không dễ dàng chút nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại