Trận lũ tàn khốc khiến gần 300.000 người chết: Chỉ vì tri phủ Khai Phong phá đê hòng 'giết giặc'!

Trà My |

Trong lịch sử mưa lũ ở Trung Quốc, hầu hết do yếu tố tự nhiên. Nhưng trong số đó, có một trận lũ "nhân tạo" với sức tàn phá không kém, khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng.

Đó chính là trận lũ năm 1642 trên sông Hoàng Hà, nhấn chìm thành cổ Khai Phong, Trung Quốc, theo đúng nghĩa đen. Nước tràn vào trong tường thành và không thoát ra được, chôn vùi hàng trăm nghìn người bên trong.

Trong một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học xem xét bằng chứng địa chất và khảo cổ cho thấy trận lũ "phá hủy nội thành Khai Phong, chôn vùi người dân trong hàng mét phù sa và đất sét".

Nhóm nghiên cứu được dẫn đầu bởi Michael Storozum, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học khảo cổ, Đại học Fudan, Trung Quốc. Storozum và các đồng nghiệp tìm thấy nhiều hài cốt vỡ vụn, bằng chứng cho thấy sự tàn khốc của trận lũ.

Trận lũ "nhân tạo" đầy sức hủy diệt

Sông Hoàng Hà được mệnh danh là "nỗi buồn của Trung Quốc" vì nhiều lần gây ra lũ lụt tàn khốc. Tài liệu lịch sử cho thấy Hoàng Hà, con sông dài thứ hai nước này, đã gây ra lũ lụt hơn một nghìn lần trong 2.000 năm qua, dẫn đến cái chết của hàng triệu người.

Trận lũ tàn khốc khiến gần 300.000 người chết: Chỉ vì tri phủ Khai Phong phá đê hòng giết giặc! - Ảnh 1.

Sông Hoàng Hà được mệnh danh là "nỗi buồn của Trung Quốc" vì nhiều lần gây ra lũ lụt tàn khốc. Ảnh: CGTN

Thành cổ Khai Phong nằm ở bờ nam của sông Hoàng Hà, trong khu vực thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay. Trước đây, Khai Phong là một trong những thành phố lớn nhất thế giới và từng là kinh đô của một số triều đại Trung Quốc. Nơi đây cũng thường xuyên là "nạn nhân" của lũ sông Hoàng Hà. 

Trong 3.000 năm qua, dòng sông này làm ngập Khai Phong khoảng 40 lần. Lũ thường xuyên để lại hàng mét phù sa trộn lẫn với các mảnh vỡ, tạo ra một lớp khảo cổ dày 20 m.

Trong khi lũ lụt thường do thiên nhiên trực tiếp gây ra, trận lũ năm 1642 do con người. Khi đó, Khai Phong bị bao vây bởi quân nổi dậy trong suốt 6 tháng. Lúc tòa thành không thể cầm cự được nữa, viên quan giữ thành đã đưa ra một hành động quyết liệt. Và điều này vô tình khiến hàng ngàn người dân trả giá.

Theo đó, vào năm 1642, một đội quân lớn đã phá đê dọc sông Hoàng Hà để cố tình làm ngập Khai Phong.

"Tri phủ Khai Phong ra lệnh xả lũ sông Hoàng Hà với hy vọng tiêu diệt quân nổi dậy", Xin Xu và Rivka Gonen, tác giả cuốn sách The Jews of Kaifeng, China: History, Culture, and Religion, viết. "Đê bị vỡ, nhưng thay vì tiêu diệt quân nổi dậy, nước lũ tấn công dữ dội thành cổ trũng thấp, nhấn chìm khu dân cư hoàn toàn không được chuẩn bị trước. Từ dân số 378.000 người, chỉ còn vài nghìn người sống sót."

Theo nghiên cứu của Storozum, tường thành Khai Phong đã sụp đổ một phần, khiến nước lũ tràn vào mà không thể thoát ra. "Dòng nước lũ tràn vào Khai Phong tạo ra một hỗn hợp chết người bao gồm bùn và mảnh vỡ, khuếch đại đáng kể sức mạnh hủy diệt của lũ sông Hoàng Hà", Storozum và các đồng nghiệp viết.

Bằng chứng khảo cổ rùng rợn

Tại các công trình khảo cổ gần đây ở Khai Phong, các nhà khoa học khai quật được nhiều bằng chứng giúp chứng thực các ghi chép lịch sử về trận lụt sông Hoàng Hà năm 1642.

Storozum và các đồng nghiệp thu thập bằng chứng khảo cổ về trận lụt năm 1642 từ 5 khu vực khảo cổ: Xinzhengmen, Yongning Wangfu, Dichen Xiyuan, Xinjiekou, and Yulongwan.

Tại Yongning Wangfu, nhóm nghiên cứu tìm thấy 15 hài cốt đã chết trước hoặc trong trận lụt năm 1642, hầu hết đều rất rời rạc. Hai hài cốt được tìm thấy trong quan tài bằng gỗ và được cho là đã chết trước trận lụt năm 1642. Những hài cốt còn lại dường như đã chết một cách đau đớn trong trận lụt, bị tấn công bởi các mảnh vỡ và sau đó bị chôn vùi trong bùn từ nước lũ, theo nghiên cứu. Có một người bị thanh gỗ xuyên đầu và một mảng đất sét lớn được tìm thấy trong bụng một người khác.

Trận lũ tàn khốc khiến gần 300.000 người chết: Chỉ vì tri phủ Khai Phong phá đê hòng giết giặc! - Ảnh 3.

Hài cốt rời rạc được tìm thấy tại Yongning Wangfu.

Trận lũ tàn khốc khiến gần 300.000 người chết: Chỉ vì tri phủ Khai Phong phá đê hòng giết giặc! - Ảnh 4.

Những hài cốt này dường như đã chết một cách đau đớn trong trận lụt.

Cũng tại Yongning Wangfu, trận lũ năm 1642 để lại lớp bùn đất dày khoảng 3 m, chủ yếu là phù sa. Điều này cho thấy nước lũ cực kỳ đặc và có sức tàn phá lớn.

Tại Yulongwan, trong khu vực khai quật rộng 970 m2, nhóm nghiên cứu tìm thấy 11 hài cốt, bốn trong số đó rất rời rạc, có thể là hậu quả của một cái chết dữ dội trong trận lụt. Trong số những người này, hai người được tìm thấy nằm trên giường gỗ.

Trận lũ tàn khốc khiến gần 300.000 người chết: Chỉ vì tri phủ Khai Phong phá đê hòng giết giặc! - Ảnh 5.

Hai hài cốt được tìm thấy nằm trên giường gỗ

Nghiên cứu của Storozum cũng phát hiện bằng chứng cho thấy tường thành của Khai Phong bị trận lũ "nhân tạo" tàn phá một phần, vô tình khuếch đại sức tàn phá của lũ.

Tường thành được xây dựng để bảo vệ thành cổ trước quân xâm lược và lũ lụt. Năm 1841, một trận lũ sông Hoàng Hà làm ngập khu vực xung quanh Khai Phong, nhưng bằng chứng trầm tích cho thấy tường thành đã ngăn hầu hết nước lũ. 

Tuy nhiên, vào năm 1642, tường thành sụp đổ trước cơn lũ dữ từ Hoàng Hà. Sau khi sụp đổ một phần, tường thành dường như đã ngăn nước lũ thoát ra ngoài. Do đó, chúng vô tình khuếch đại sức tàn phá của trận lụt sông Hoàng Hà năm 1642. Cuối cùng, nước lũ thoát khỏi thành cổ ở phía đông nam, để lại một con kênh có thể nhìn thấy trong địa hình hiện đại.

Theo ghi chép lịch sử, phần đê bị phá vỡ ở vị trí làng Majiakou ngày nay, cách Khai Phong khoảng 10 km về phía bắc. Sau khi đê vỡ, mực nước sông Hoàng Hà có thể giảm từ 10 - 15 m, các nhà khoa học ước tính. Nhóm của Storozum cũng tính toán rằng lưu lượng đỉnh lũ là 360 m3/s hoặc 725 m3/s, tương ứng với mực nước giảm 10 m hoặc 15 m.

Trận lũ tàn khốc khiến gần 300.000 người chết: Chỉ vì tri phủ Khai Phong phá đê hòng giết giặc! - Ảnh 6.

Du khách chụp ảnh tại thác Hukou, một phần sông Hoàng Hà. Ảnh: Tân Hoa Xã

Với mực nước giảm ước tính 10-15 m, lượng nước sông tràn ra là khoảng 32% hoặc 64% tổng lưu lượng sông. Điều này có nghĩa là một tỷ lệ đáng kể lưu lượng sông Hoàng Hà quét vào thành cổ gần như ngay lập tức sau khi vỡ đê. 

Giả sử chiều dài của đoạn đê vỡ là khoảng 20 m, ước tính sơ bộ về vận tốc dòng chảy trong lưu lượng đỉnh lũ là khoảng 3,6 m/s hoặc 5,9 m/s. Đây là vận tốc dòng chảy tương đối nhanh so với một dòng sông vùng trũng thấp, cho phép sông Hoàng Hà có thể cuốn các vật thể có đường kính lớn tới 1 m. Với nước di chuyển nhanh kèm theo các vật thể lớn, lũ sông dễ dàng quấn trôi một phần tường và cổng thành Khai Phong.

Theo các nhà khoa học, những nghiên cứu kiểu này có thể giúp chúng ta hiểu hơn về các sự kiện tương tự ngày nay, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu dự kiến làm gia tăng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu.

"Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng và làm tăng tần suất của các hiện tượng cực đoan, hồ sơ khảo cổ của các trận lũ đặc biệt, như trận lũ sông Hoàng Hà năm 1642, có thể đưa ra một lời nhắc nhở quan trọng rằng những sự kiện bất ngờ đã xảy ra trong quá khứ và có khả năng sẽ xảy ra lần nữa. Trong trường hợp cực đoan, cơ sở hạ tầng được xây dựng để ngăn chặn thảm họa cũng có thể thất bại thảm hại", nhóm nghiên cứu viết.

(Dịch từ Scientific Reports, Newsweek)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại