'Đại hồng thủy' khốc liệt nhất lịch sử Trung Quốc khiến hàng triệu người thiệt mạng

Trà My |

Lũ lụt tàn khốc khiến nhiều người chết đuối nhưng số người tử vong vì nạn đói và dịch bệnh mới thực sự đáng sợ.

Năm 1931, miền trung Trung Quốc hứng chịu một loạt hiện tượng thời tiết bất thường cực đoan, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Mưa xối xả làm nước lũ dâng cao kỷ lục, nhấn chìm một khu vực rộng lớn 180.000 km2, tương đương diện tích nước Anh và một nửa Scotland.

Mưa lớn và lũ dữ ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 50 triệu người, theo China Daily. Ủy ban Cứu trợ Lũ lụt nói rằng 140.000 người chết đuối trong những tháng đầu tiên của thảm họa chưa từng có này. Nhưng tổng số người thiệt mạng do các nguyên nhân liên quan đến lũ có thể lên tới 3,7 triệu người, chủ yếu do nạn đói và dịch bệnh, theo bài viết trên chuyên trang về lịch sử History.com.

Tám tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Hà Nam và Sơn Đông. Ngoài vùng tâm lũ, các khu vực ở phía nam như Quảng Đông, phía bắc như Mãn Châu và phía tây như Tứ Xuyên cũng bị ngập.

"Đại hồng thủy" trong lịch sử Trung Quốc đã xảy ra như thế nào?

Dương Tử là con sông dài nhất châu Á và dài thứ ba trên thế giới, chỉ sau sông Nile và Amazon. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Dương Tử chảy 6.300 km từ tây sang đông. Con sông dài thứ hai ở Trung Quốc là sông Hoàng Hà, ước tính dài 5.464 km. Nằm giữa hai con sông này là sông Hoài dài khoảng 1.110 km.

Ba con sông này thường xuyên gây lũ lụt. Nhưng vào mùa hè năm 1931, lũ trên ba con sông dâng cao phá kỷ lục CÙNG LÚC.

Từ năm 1928 đến 1930, Trung Quốc hứng chịu hạn hán nặng nề và sau đó là mùa đông khắc nghiệt. Băng tuyết tích tụ trên núi và tan chảy khi mùa xuân đến. Băng tan làm nước sông dâng cao. Quá trình này diễn ra hằng năm nhưng vào năm 1931, tuyết tan trùng đúng lúc thiên tai xảy ra.

Mùa hè đến, một đợt mưa lớn khủng khiếp tấn công Trung Quốc. Thông thường, lưu vực sông Dương Tử đón hai cơn bão/năm nhưng vào tháng 7 năm 1931, có tới bảy cơn bão. Thời tiết bất thường, lượng mưa trút xuống khu vực này trong một tháng tương đương 18 tháng.

Đại hồng thủy khốc liệt nhất lịch sử Trung Quốc khiến hàng triệu người thiệt mạng - Ảnh 2.

Lượng mưa trong một tháng tương đương 18 tháng, đã trực tiếp gây ra thảm họa. Ảnh: Chris Courtney

Mưa dồn dập từ trên trời rơi xuống, nước sông dâng cao là điều khó tránh khỏi. Thực vậy, mực nước lũ trên sông Dương Tử đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu được ghi chép vào giữa thế kỷ XIX.

Cuối tháng 7, đê bao quanh Vũ Hán vỡ khiến nước đổ tràn vào thành phố với tốc độ kinh hoàng. Lũ dữ tạo thành sóng, quét sạch đường phố. Hàng ngàn người chết đuối hoặc chôn sống. Những người sống sót cố gắng trục vớt những gì họ có thể - thức ăn, đồ dùng - và bắt đầu tìm kiếm nơi trú ẩn.

Lời kể ám ảnh

Phi công nổi tiếng người Mỹ Charles Lindbergh và vợ, Anne Morrow Lindbergh, vô tình bay qua Trung Quốc đúng lúc lũ lụt xảy ra. Lúc đó, họ đang thực hiện một chuyến bay khảo sát từ New York đến Tokyo. Trên máy bay, họ có cái nhìn tổng quan nhất về thiên tai lúc đó.

Anne viết về trải nghiệm của cô trong cuốn sách có tên Từ phương bắc đến phương Đông: "Lúc đầu, chúng tôi chỉ chú ý đến những cánh đồng ngập nước dọc theo bờ sông. Dần dần chúng tôi nhìn thấy nhiều "hồ nước". Cuối cùng, chúng tôi giật mình khi thấy cả một "hồ nước" lớn, trải dài hết tầm nhìn. Tôi sốc khi nhận ra đây không phải là hồ, tất cả đều là nước lũ".

Trong quốc sách của mình, Anne nói cô chỉ thấy vài ngọn cây và mái nhà. "Không ai dám nghĩ đến việc bao nhiều người thiệt mạng ở đây. Không còn chút dấu vết nào", Anne viết.

Đại hồng thủy khốc liệt nhất lịch sử Trung Quốc khiến hàng triệu người thiệt mạng - Ảnh 3.

Anne nói cô chỉ thấy vài ngọn cây và mái nhà. Ảnh: Chris Courtney

Khi ở trên máy bay, Anne và chồng không nhìn thấy bất cứ mảnh đất khô ráo nào trong vòng nhiều km. Bay xa hơn, họ bắt đầu thấy hàng nghìn người sống sót đang dựng nơi trú ẩn tạm thời trên đê. "Bám víu trên đê hoặc lênh đênh trên những cánh đồng ngập nước, những người tị nạn này rõ ràng chỉ sống bằng những con cá họ bắt được hoặc những cọng lúa nổi lên", theo Anne.

Mặc dù không gian trong máy bay rất chật hẹp, vợ chồng Lindbergh cố gắng giúp đỡ người dân địa phương bằng cách đưa hai bác sĩ và một số vật tư y tế đến. Tuy nhiên, khi hạ cánh, thủy phi cơ của họ nhanh chóng bị bao vây bởi những người tuyệt vọng. Họ đòi thức ăn và chen chúc đến mức Lindbergh và một bác sĩ buộc phải rút súng ra để giữ mọi người bình tĩnh.

Hậu quả tang thương

Theo trang Disaster History, ước tính 140.000 người chết đuối trong giai đoạn đầu của thiên tai. Những người sống sót đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh kế nghiêm trọng. Lũ cuốn trôi vụ mùa sắp đến kỳ thu hoạch và làm hỏng lượng lớn ngũ cốc dự trữ. 

Ở nhiều khu vực, ngập lụt tiếp diễn cho đến mùa thu, nghĩa là không thể trồng trọt kịp cho mùa đông. Sau lũ, nạn đói và suy dinh dưỡng tiếp tục tàn phá cuộc sống người dân.

Đại hồng thủy khốc liệt nhất lịch sử Trung Quốc khiến hàng triệu người thiệt mạng - Ảnh 4.

Mưa lũ khiến nhà cửa đổ sập. Người dân phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: Chris Courtney

Ước tính 40% dân số ở khu vực bị ảnh hưởng buộc phải rời bỏ nhà cửa. Với hệ thống vệ sinh bị phá hủy và người tị nạn chen chúc vào khu vực khô ráo chật chội, những căn bệnh chết người bắt đầu lây lan, tạo nên một cuộc khủng hoảng y tế. Bệnh kiết lỵ, thương hàn và tả lây trực tiếp qua nước thải hoặc côn trùng. Các bệnh khác như sởi và đậu mùa cũng gia tăng một cách đáng sợ. 

Lũ cũng tạo nên môi trường sống hoàn hảo cho muỗi, dẫn đến dịch sốt rét khiến khoảng 300.000 người thiệt mạng. Ốc nước ngọt ngày càng nhiều, dẫn tới sự gia tăng của một căn bệnh đất ngập nước đặc hữu gọi là bệnh sán máng. 

Tổng cộng, các bệnh liên quan đến lũ là nguyên nhân của 87% trường hợp tử vong ở trại tị nạn và 70% trường hợp tử vong trong các gia đình nông thôn. Như vậy, chúng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số số các ca tử vong liên quan đến lũ.

Đại hồng thủy khốc liệt nhất lịch sử Trung Quốc khiến hàng triệu người thiệt mạng - Ảnh 5.

Một trại tị nạn bên bờ sông. Ảnh: Chris Courtney

Một điều phối viên tham gia cứu trợ trong thảm họa lũ lụt năm 1931 từng viết về trại tị nạn trong một bức thư.

"Tôi không thể mô tả được cảnh tượng bẩn thỉu, bệnh tật và hoang tàn khắp mọi nơi….", điều phối viên, Giám mục Galvin, thuộc Hội truyền giáo Columban Fathers, viết trong thư. 

"Mọi người lặng lẽ chết đói; và trong một thời gian ngắn, bệnh sốt rét, bệnh lỵ, thương hàn, bệnh tả và bệnh đậu mùa lan truyền như một đám cháy rừng, từ trại này sang trại khác và gây ra thiệt hại khủng khiếp. Tất nhiên, những đứa trẻ bế ngửa và những đứa trẻ dưới 4 tuổi là nạn nhân đầu tiên".

Nguyên nhân chủ quan

Nhiều năm sau "đại hồng thủy", các nhà khoa học nhận định thời tiết bất thường không phải "thủ phạm" duy nhất đằng sau thảm họa.

Lý do khác là tác động của con người với sông, ví dụ như khai hoang vùng đất ngập nước và đầm lầy, biến chúng thành đồng lúa, làng mạc và thậm chí cả thành phố. Thêm nữa, rừng bị đốn hạ và những dòng sông được "thuần hóa" bởi một hệ thống đê điều phức tạp. Vấn đề của sự can thiệp này là nó cần được bảo trì liên tục, nhưng điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện.

Đại hồng thủy khốc liệt nhất lịch sử Trung Quốc khiến hàng triệu người thiệt mạng - Ảnh 6.

Đường đi tạm thời xây dựng bởi Ủy ban Cứu trợ Lũ lụt thành phố Vũ Hán

Tác giả Chris Courtney viết trong cuốn Bản chất của thiên tai ở Trung Quốc: Lũ lụt sông Dương Tử năm 1931: "Lũ kinh hoàng đã không xảy ra nếu như chỉ có tác động của thiên nhiên. Mưa trút xuống nơi mà đã bị can thiệp hàng nghìn năm trước bởi con người… Nước chảy qua những vùng đất ngập nước bị khai hoang. Lực nước bị khuếch đại bởi kiến trúc đê điều".

Theo tờ China Daily, lũ lụt năm 1931 ở Trung Quốc được cho là thảm họa lũ tồi tệ nhất của thế kỷ 20. Phần lớn thảm họa có thể đã được ngăn chặn nếu các biện pháp kiểm soát lũ được theo dõi chặt chẽ, trang History.com nhận định. 

Sông Dương Tử chứa một lượng lớn trầm tích, tích tụ ở một số khu vực nhất định của dòng sông và phải được dọn sạch thường xuyên. Tuy nhiên, khi phần lớn nguồn lực của khu vực này được dồn vào cuộc nội chiến thời điểm đó, dòng sông đã bị lãng quên.

(Tham khảo History, China Daily, Great Disasters, Disaster History)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại