Tháng 7 năm 1995, thành phố Chicago nước Mỹ phải chịu đựng một đợt nắng nóng như thiêu đốt kéo dài ba ngày. Số người chết ước tính khoảng 739, theo Tạp chí Chicago. Nạn nhân hầu hết là người cao tuổi, người bệnh, người sinh sống ở khu dân cư nghèo.
Không ai được chuẩn bị trước cho sự kiện thời tiết có cường độ như vậy. Ngay cả những nỗ lực ứng phó với nắng nóng của Tòa thị chính, lính cứu hỏa, nhân viên y tế, cảnh sát cũng được chứng minh là không hiệu quả.
Vào ngày 12/7, một ngày trước khi Chicago biến thành lò thiêu khổng lồ, nhiệt độ cao nhất là 36 độ C.
15h30 ngày hôm đó, văn phòng dịch vụ thời tiết quốc gia ban hành một số khuyến cáo nắng nóng đầu tiên nhưng không kêu gọi hành động khẩn cấp. Vì vậy, các hoạt động thường ngày vẫn diễn ra: trận bóng chày giữa đội White Sox và Milwaukee Brewers; Thị trưởng Richard M. Daley dự lễ cắt băng khánh thành bến tàu hải quân. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nhưng sau đó, đối với nhiều người, sự sống đã dừng lại.
Vậy điều gì khủng khiếp đã xảy ra? Hãy cùng nhìn lại đợt nắng nóng lịch sử năm 1995 ở Chicago qua lời kể của những người tận mắt chứng kiến một trong những thảm kịch lớn nhất thành phố này.
Thứ 5, ngày 13/7
13/7 là ngày có nhiệt độ cao nhất của đợt nắng nóng. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ cao nhất ngày 13/7 ghi nhận ở điểm O’Hare là 40 độ C nhưng cảm giác như 48 độ C. Còn ở Sân bay Quốc tế Chicago Midway, nhiệt độ cảm nhận thực tế như 52 độ.
Do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, các tòa nhà cao tầng và mặt đường nhựa giữ lại hơi nóng và sau đó tỏa ra ngoài. Cộng thêm không khí ẩm ướt, gió và ô nhiễm không khí, sức nóng biến Chicago thành một phòng tắm hơi nhớp nháp, ngay cả vào ban đêm.
* Jerry Taft, Trưởng phòng khí tượng của đài ABC-7: "Chúng tôi đưa ra lời khuyến cáo như sau: "Cái nóng có thể gây tử vong. Nếu bạn có cha mẹ già, nhớ rằng họ cần điều hòa không khí". Về cơ bản chúng tôi đã nói điều cần thiết… Nhưng lúc đó, không ai thực sự thay đổi công việc thường ngày của họ."
Quạt không có nhiều tác dụng. Vì vậy, ở những nơi không có điều hòa, người dân cố gắng giải nhiệt bằng cách đến hồ Michigan hoặc bể bơi công cộng. Tổng đài 911 bắt đầu nhận được nhiều cuộc gọi khẩn cấp. Thông hường trong một ngày mùa hè, họ nhận 10.000-11.000 cuộc gọi. Nhưng trong ngày đầu tiên của đợt nóng này, 911 nhận 16.727 cuộc.
* Mark Cichon, Bác sĩ phòng cấp cứu tại Bệnh viện Osteopathic Chicago: "Một người bạn tại bệnh viện khác nói với tôi rằng: "Chúng ta đang trong trạng thái khủng hoảng". Phòng chờ và khoa cấp cứu của chúng tối chật cứng. Chúng tôi hết gặp ca cấp cứu này đến ca cấp cứu khác. Nặng nhất là những bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn mà chúng tôi không thể cứu sống. Tôi nhớ có một người phụ nữ ở độ tuổi 30. Nhân viên y tế đặt ống thở vào phổi, cố gắng cứu cô ấy nhưng không được."
Cảnh sát di dời thi thể một người đàn ông ở khách sạn Sutherland ngày 18/7/1995. Các quan chức nói rằng cái chết của người đàn ông liên quan đến nắng nóng.
* Cory Franklin, Giám đốc chăm sóc y tế chuyên sâu tại Bệnh viện Hạt Cook: "Khu vực bên ngoài phòng chăm sóc đặc biệt không có điều hòa. Nóng đến mức có ba hoặc bốn người già mắc bệnh tim mạch đã bị sốc nhiệt trong bệnh viện. Khi một vài bệnh nhân tử vong, mọi người bắt đầu sợ hãi và máy điều hòa không khí cầm tay được mang đến."
* Bác sĩ Franklin: "Chúng tôi chỉ đón bệnh nhân nặng. Trường hợp tồi tệ nhất là một công nhân xây dựng. Ông ấy làm việc trên mái nhà. Ông ấy sốt 44 độ C và nhập viện trong trạng thái hôn mê. Trong trường hợp này, bạn ngừng đổ mồ hôi vì cơ thể bỏ qua cơ chế đổ mồ hôi, vì vậy, da bạn rất nóng và khô. Bên trong, bạn có thể bị suy gan, nội tạng và cơ bắp bị tổn hại, và có khả năng ảnh hưởng não bộ. Nhưng rất may, ông ấy đã sống sót."
Thứ 6, ngày 14/7
Nắng nóng bước vào ngày thứ hai với mức nhiệt 39 độ tại Midway. Mặc dù vậy, các quan chức của Tòa thị chính cứ như không biết gì về thảm họa xảy ra xung quanh. Tồi tệ hơn, khoảng 10 phòng cấp cứu còn chuyển sang chế độ "tạm dừng", nghĩa là không nhận bệnh nhân mới.
Ở North Side, có tới 49.000 cư dân chịu cảnh mất điện vì nhiều máy biến áp phát nổ. Hậu quả là nhiều gia đình không thể sử dụng điều hòa.
* Richard M. Daley, Thị trưởng Chicago (tại một cuộc họp báo của Tòa thị chính): "Trời nóng. Trời rất nóng. Hôm qua nhiệt độ phá kỷ lục… Đây là một cuộc khủng hoảng."
* Nhà khí tượng học Skilling: "Trên đường tan làm về nhà, tôi cảm giác như đang sống trong một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba. Mất điện nên mọi thứ tối om. Mọi người đi dạo xung quanh với đèn pin. Tôi đã lái xe trên phố Addison nhiều thập kỷ nhưng hôm đó, tôi không nhận ra con phố này."
* Tom Ryan, Lính cứu hỏa: "Một người đã gọi 911 và nói chưa gặp hàng xóm cao tuổi trong nhiều ngày. Chúng tôi đến để kiểm tra ông ấy. Cửa sổ nhà ông ấy mở và tôi chui vào. Chúng tôi tìm thấy người đàn ông trong bếp. Ông ấy đã chết hơn một ngày."
Cảnh sát viên Charley Henson run rẩy sau khi di dời thi thể của một nạn nhân ngày 17/7/1995
Hai em nhỏ ba tuổi là những nạn nhân trẻ tuổi nhất của đợt nắng nóng. Người trông trẻ Margaret Ortiz đã để lại hai cậu bé ba tuổi Geno Rouse Jr. và Kenneth Brown Jr. trên xe ô tô sau khi dắt các em đi xem phim buổi trưa cùng 8 em nhỏ khác. Hai bé trai được tìm thấy hơn 90 phút sau đó, không phản hồi. Cả hai đều chết vì sốc nhiệt.
Ortiz bị kết tội gây nguy hiểm cho trẻ em và kết án hai năm quản chế.
* Atondra Rouse, Mẹ của một nạn nhân: "Chồng tôi gọi cho tôi và nói họ phải đưa Geno đến bệnh viện. Tôi phát hoảng. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để đến bệnh viện. Nhưng sau đó chồng tôi gọi lại và nói hãy đến nhà bà ngoại. Vì vậy, tôi bắt taxi đến nhà mẹ đẻ nhưng không có ai ở đó. Tôi lại gọi cho chồng, và anh nói: "Anh rất tiếc. Thằng bé đi rồi". Tôi ngã xuống sàn, đập sàn và la hét. Trong tôi có một lỗ hổng lớn, một nỗi đau và tôi khóc cho đến khi không thể khóc nữa."
* Edmund Donoghue, Giám đốc giám định y khoa cho Hạt Cook: "Tôi nhận được một cuộc gọi từ văn phòng khoảng 9h tối. Họ nói có 40 trường hợp khám nghiệm tử thi ngày mai. Trong lịch sử của văn phòng giám định y khoa, chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều trường hợp như vậy. Tôi hỏi điều tra viên: "Nguyên nhân là gì?" và anh ấy nói: "Tôi nghĩ họ chết vì nóng"."
Thứ 7, ngày 15/7
Vào ngày cuối cùng của đợt nắng nóng, nhiệt độ là 37 độ C nhưng độ ẩm vẫn cao. Số người tử vong liên quan đến nắng nóng tiếp tục tăng.
* Roger Kiley, Chánh văn phòng cho Thị trưởng Daley: "Thành thật mà nói, chúng ta chưa có kế hoạch cho bất cứ điều gì như thế này. Chưa từng có hiện tượng nào tương tự xảy ra trước đây."
* Phó Chánh Văn phòng Pang: "Chicago rất thành thạo trong việc xử lý tuyết và thời tiết rét. Chúng tôi hiểu rằng trời cực rét là rất nguy hiểm. Chúng tôi không hoàn toàn hiểu rằng nhiệt độ cực cao cũng nguy hiểm tương tự."
* Người giám định y khoa Donoghue: "Vào thời điểm tôi đến văn phòng, đã có 100 trường hợp cần giám định."
Cảnh sát di dời thi thể của Marie Brown, người tử vong vì nguyên nhân liên quan đến nắng nóng, ngày 17/7/1995
Cuối buổi sáng 15/7, các quan chức y tế tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn thành phố. Chẳng bao lâu sau, toàn bộ 600 nhân viên y tế và 56 xe cứu thương của thành phố được đưa vào hoạt động.
Tại nhà xác hạt Cook, một đoàn xe cảnh sát và xe cứu thương lần lượt đưa thi thể đến. Kể từ khi chuyến bay 191 của hãng hàng không American Airlines rơi tại O’Hare vào tháng 5/1979, nhà xác chưa từng bận rộn như vậy. Đến cuối ngày, số người chết lên tới 269.
* Người giám định y khoa Donoghue: "Một số thi thể đã bị phân hủy, nhưng tất cả đều có thể nhận dạng bằng mắt. Phần khó nhất là thủ tục để làm giấy chứng tử. Và sau đó chúng tôi cần mở rộng để lưu trữ thi thể. Trong phòng lạnh của nhà xác chúng tôi, sức chứa là 200 người."
Chủ nhật, ngày 16/7
Mặc dù nắng nóng chấm dứt vào Chủ nhật, nhiệt giảm còn 34 độ C, tình hình vẫn rất nghiêm trọng khi các cuộc gọi đến 911 tiếp tục dồn dập và nhiều thi thể được phát hiện. Số người chết lên tới gần 400 vào cuối ngày. Nhà xác chật cứng; 15 nhà nghiên cứu bệnh đã phải khám nghiệm tử thi ở bất cứ nơi nào có không gian, kể cả hành lang.
Tòa thị chính vật lộn để ứng phó với cuộc khủng hoảng leo thang và sự phẫn nộ của truyền thông. Các phóng viên đặt nhiều câu hỏi: tại sao thành phố chờ tận hai ngày để tuyên bố tình trạng khẩn cấp; tại sao kế hoạch ứng phó nắng nóng không được thực thi sớm hơn; tại sao cảnh sát không được yêu cầu sớm kiểm tra người già?
* Phó Chánh Văn phòng Pang: "Trong phòng họp có những người quan trọng: chánh văn phòng, tôi, các đại biểu của tôi, đại diện sở cứu hỏa, sở cảnh sát, bộ phận đường phố và vệ sinh, sở nước và sở y tế.
Thị trưởng chỉ huy cuộc họp. Khi nghe tin về các phòng cấp cứu, số nạn nhân và nhận ra ảnh hưởng của đợt nóng, thị trưởng đã thất vọng và xúc động. Đó là một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong thành phố ông ấy không bao giờ có thể tưởng tượng được. Ông ấy buồn vì điều đó xảy ra, vì chúng tôi đã không thể lường trước điều đó."
Xe cảnh sát Chicago nối đuôi chở thi thể đến văn phòng giám định y khoa ngày 17/7/1995
* Cảnh sát viên Cavazos: "Tôi nhớ có một anh chàng ở phố 111. Anh ta nặng khoảng 130 kg. Họ tìm thấy anh ta trên một chiếc ghế gỗ, nhưng anh ta giống như đã tan chảy trên ghế. Ruồi và giòi chui vào người anh ta và ăn mòn cả khuôn mặt… Rất kinh khủng. Chúng tôi ở dưới tầng một và có thể ngửi thấy mùi của anh ấy. Tôi không biết cách mô tả cái mùi đó."
Thứ 2, ngày 17/7
Vào buổi sáng, Thị trưởng Daley tổ chức một cuộc họp để đưa ra kế hoạch tiếp theo. Trong khi đó, theo yêu cầu của Daley, Thống đốc Jim Edgar tuyên bố Hạt Cook là khu vực thảm họa, bước đầu tiên trong việc kích hoạt các quỹ cứu trợ liên bang.
Trong một cuộc họp báo, Daniel Alvarez Sr., ủy viên của Bộ Dịch vụ Nhân sinh Chicago, gọi nạn nhân của đợt nắng nóng là "những người chết vì chủ quan". Alvarez ngay lập tức bị truyền thông và công chúng phản ứng dữ dội. Ông nhanh chóng xin lỗi, nói rằng lời nói này đã bị hiểu sai.
Thứ 3, ngày 18/7
Số người tử vong vào thời điểm này là 436. Nhưng con số này tiếp tục tăng sau khi khám nghiệm tử thi và các nghiên cứu khác được tiến hành.
Mộ tập thể của 68 người không có người thân đến nhận, trong đó 41 người tử vong trong đợt nắng nóng
Lời kết
Ngày 20/7/1995, năm ngày sau khi đợt nắng nóng chính thức kết thúc, số người chết tiếp tục tăng. Khoảng 739 người thiệt mạng vì những nguyên nhân liên quan đến nắng nóng, khiến đây là sự kiện thời tiết chết chóc nhất lịch sử Chicago, theo NOAA. Hầu hết nạn nhân đều là người cao tuổi và sống ở những khu nghèo đói không có điều hòa hoặc không thể chi trả để bật điều hòa.
Ngoài ra, nhiều người tử vong khi đang ngủ với cửa sổ đóng kín.
Theo tờ Chicago Tribune, hàng loạt sai lầm cộng dồn là nguyên nhân khiến số người chết nhiều như vậy: một thành phố chủ quan, sự tách biệt xã hội, lưới điện không đáp ứng đủ nhu cầu và thiếu nhận thức về đợt nóng chết người.
Và Chicago đã có bài học xương máu. Vào ngày 28/7, khi một đợt nóng khác đến gần, thành phố tích cực chủ động ứng phó. Chicago mở cửa các trung tâm có điều hòa nhiệt độ, giao đá đến cho những người buộc phải ở trong nhà do bệnh tật, thiết lập tổng đài chuyên kiểm tra người cao tuổi, phát cảnh báo trên truyền hình và đài phát thanh.
Ngoài ra, bộ phận đường phố và vệ sinh chuyển hơn 1.000 quạt điện cho người già sống một mình. Và thành phố đã sản xuất một tài liệu có tên "Hướng dẫn làm mát" lưu hành bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ba Lan và Việt Nam.
Cuối cùng, sau nhiều năm bị lơ là do ít xảy ra, nắng nóng đã có được sự chú ý cần thiết ở Chicago.
* Tham khảo Chicago Magazine, Chicago Tribune, NOAA