Một nghiên cứu mới cho thấy, nhiệt độ và độ ẩm vượt quá những gì cơ thể con người có thể chịu đựng được đang dần xuất hiện trong bối cảnh Trái Đất nóng dần lên do biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.
Trong một bài báo trên tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu trình bày dữ liệu quan sát cho thấy nhiệt độ nhiệt kế ướt ở một số nơi đã vượt quá 35 độ C - điểm mà con người không còn có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Ngưỡng chịu đựng của cơ thể người hiện được xác định là dưới 35 độ C (mức nhiệt đo được từ nhiệt độ nhiệt kế ướt).
Nhà khoa học nghiên cứu sau tiến sĩ Colin Raymond và các đồng nghiệp cho biết các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng ngay cả những người khỏe nhất, có khả năng thích nghi tốt nhất cũng không thể thực hiện các hoạt động ngoài trời bình thường khi nhiệt độ nhiệt kế ướt chạm 32 độ C. Chỉ số 35 độ C - mức cao nhất đạt được trong một số thành phố ở Vịnh Ba Tư - là giới hạn khả năng sống sót về mặt lý thuyết.
Con người làm mát cơ thể bằng cách đổ mồ hôi; nước thoát ra ngoài da sẽ loại bỏ nhiệt độ cơ thể dư thừa, và khi nó bay hơi, nó mang theo hơi nóng đó. Quá trình này hoạt động độc đáo trong các sa mạc, nhưng kém hơn ở các khu vực ẩm ướt, nơi không khí đã quá tải với độ ẩm.
Ước tính khoảng 30% dân số trong khu vực Nam Á nói riêng sẽ phải sống trong điều kiện môi trường nguy hiểm. Ảnh minh họa: Scientificamerican
(Nhiệt độ nhiệt kế ướt, còn gọi là bầu ướt (Wet-bulb temperature - WBT), là một chỉ số kết hợp giữa nhiệt độ, độ ẩm và khả năng làm mát của cơ thể để phản ứng với sự thay đổi của môi trường).
Các nghiên cứu trước đây dự đoán rằng điều này sẽ xảy ra trong nhiều thập kỷ tới, tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, tốc độ nóng lên toàn cầu đang ngày gia tăng đã tăng tốc cho quá trình này. Kết quả là, bầu ướt ở nhiều khu vực trên thế giới sẽ vượt ngưỡng chịu đựng của con người, tác giả chính Colin Raymond từ Đại học Columbia, Mỹ cho hay.
Phân tích dữ liệu hàng giờ từ 7.877 trạm thời tiết riêng lẻ trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sự kết hợp nhiệt độ / độ ẩm cực cao đã tăng gấp đôi từ năm 1979 đến 2017. Các sự cố lặp đi lặp lại xuất hiện ở phần lớn Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan; tây bắc Australia; và dọc theo bờ biển của Biển Đỏ và Vịnh California của Mexico.
Như vậy, giới khoa học ước tính khoảng 30% dân số trong khu vực Nam Á nói riêng sẽ phải sống trong điều kiện môi trường nguy hiểm. Dự báo trong vài thập kỷ tới, các đợt sóng nhiệt/nắng nóng chết người sẽ bắt đầu tấn công Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, tại các lưu vực sông Indus và sông Hằng.
01. Biến đổi khí hậu 'châm ngòi' cho dạng thời tiết khắc nghiệt mới
Hầu hết các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt tập trung vào việc các mối nguy thời tiết hiện tại như sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán có thể trở nên thường xuyên và dữ dội hơn. Nhưng biến đổi khí hậu cũng có thể châm ngòi cho sự xuất hiện của các dạng thời tiết khắc nghiệt mới đặc biệt khó chuẩn bị vì chúng ta chưa từng thấy chúng trước đây.
Giả sử, ví dụ, một cơn bão nhiệt đới mạnh gây ra sự cố mất điện trên diện rộng và sau đó, trước khi lưới điện có thể được sửa chữa, một đợt sóng nhiệt (thời tiết nóng một cách quá mức) ập đến. Việc thiếu năng lượng cho điều hòa không khí để giảm nhiệt có thể khiến nhiều người gặp nguy hiểm.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập hồ sơ của 121 cơn bão nhiệt đới lớn đã đổ bộ vào lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, Nam Ấn Độ và Bắc Đại Tây Dương từ năm 1979 đến 2017. Họ đã tính toán xác suất của một cơn bão ảnh hưởng đến vị trí trên đất liền mỗi ngày trong năm.
Họ cũng sử dụng các bản ghi nhiệt độ để tính xác suất các vị trí có chỉ số nhiệt là 40,6 ° C cho mỗi ngày trong năm. Điều này cho phép họ mô hình hóa khả năng xảy ra sóng nhiệt trong 30 ngày sau khi bão đổ bộ. Và khi biến đổi khí hậu diễn ra, những cơn bão như vậy sẽ ngày càng có nhiều khả năng bị theo sau bởi sóng nhiệt.
Một bản đồ dân số toàn cầu năm 2015 đã bổ sung phần câu hỏi cuối cùng: Có bao nhiêu người có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện nhiệt đới do bão nhiệt đới này? Các nhà nghiên cứu tính toán những sự kiện như vậy có thể xảy ra khoảng 10 năm một lần, và ảnh hưởng đến khoảng 400.000 người.
Ảnh: Rsndetre / Getty Images
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, các đợt sóng nhiệt chết người có xu hướng xuất hiện dọc theo vùng biển hạn chế, vịnh và eo biển, nơi nước biển bốc hơi cung cấp độ ẩm dồi dào nhưng lại nhanh chóng bị "khóa" bởi không khí nóng. Cách đây 4 năm, Cosmos Magazine đã chỉ ra rằng, độ ẩm thực sự có thể là kẻ giết người trong bối cảnh biến đổi khí hậu vì nó làm xấu đi ảnh hưởng của nhiệt.
Nghiên cứu cho thấy trên toàn thế giới, số lần nhiệt độ nhiệt kế ướt tiếp cận hoặc vượt quá 30 độ C đã tăng gấp đôi kể từ năm 1979.
Kristina Dahl, một nhà khí hậu học thuộc Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (UCS), nói rằng một số khu vực trên thế giới đã cảm nhận điều kiện môi trường nguy hiểm này khi các đợt sóng nhiệt/nắng nóng diễn ra liên tục.
Năm 2015, Ấn Độ và Pakistan đã từng trải qua đợt sóng nhiệt nguy hiểm thứ 5 trong lịch sử hiện đại, cướp đi sinh mạng của khoảng 3.500 người, Moitruong.com cho hay.
02. Nhiệt cực đoan: Kịch bản tồi tệ trong tương lai?
Theo công trình nghiên cứu mới nhất của 2 nhà khoa học là Michael Grose - Nhà khoa học dự báo khí hậu thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO); và Phó giáo sư Julie Arblaster về môi trường, Trái Đất thuộc Đại học Monash, Melbourne, Australia thì họ đã tìm ra mô hình mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện đại, đó là: Độ nhạy khí hậu - Climate sensitivity.
Sử dụng các mô hình toán học để dự đoán tương lai của Trái Đất trong một thế giới nóng lên, nhóm các nhà khoa học cho biết: Độ nhạy khí hậu đề cập đến mối quan hệ giữa những thay đổi về Carbon dioxide (CO2) trong khí quyển và sự nóng lên.
Bề mặt Trái Đất nóng lên do hậu quả trực tiếp của việc tăng CO2 trong khí quyển, cũng như các loại khí nhà kính khác như hơi nước, CO₂, CH₄, N₂O, O₃, các khí CFC.
Mô hình khí hậu sẽ được đệ trình và thông qua đánh giá cẩn thận bởi cộng đồng nghiên cứu và bởi các nhà khoa học trong Báo cáo đánh giá của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) sắp tới.
Độ nhạy khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch thích ứng và giảm thiểu khí thải nhà kính của chúng ta.
Đó là một thước đo tiêu chuẩn về mức độ khí hậu phản ứng khi nồng độ Carbon dioxide trong khí quyển tăng gấp đôi.
Các giá trị độ nhạy khí hậu cao hơn có nghĩa là khí hậu trong tương lai nóng hơn dự kiến trước đây, đồng nghĩa với việc gia tăng nhiệt cực đoan. Hệ quả của nó là con người đối mặt với hàng loạt đặc điểm khí hậu cực đoan khác như mưa lũ cực đoan, nước biển dâng, sóng nhiệt/nắng nóng cực đoan và hơn thế nữa, làm giảm khả năng thích ứng của chúng ta (như đã đề cập ở phần trên).
Bài viết sử dụng nguồn: Cosmos Magazine, Science Magazine, Anthropocene Magazine
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.