BBC gọi tên 'thủ phạm' gây mưa lũ ở Trung Quốc và Nhật Bản

Trà My |

Mưa lũ ở Trung Quốc và Nhật Bản thường xảy ra bởi một hệ thống thời tiết tên là "Front Meiyu". Nhưng nó hoạt động thế nào? Hãy cùng xem chuyên gia phân tích.

Trung Quốc đang phải hứng chịu một đợt mưa lũ lịch sử ảnh hưởng hàng chục triệu người. Đến nay khoảng 150 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, 30 nghìn nhà cửa bị sập, thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính hơn 80 tỷ NDT (tương đương hơn 12 tỷ USD). 

Tổng cộng hơn 400 con sông ở Trung Quốc có mực nước vượt mức báo động kể từ đầu tháng 6, trong đó 33 con sông đã phá kỷ lục.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra mưa ở Trung Quốc lần này là dải mây Front. Dải mây này có tên đầy đủ là Front Meiyu, người Trung Quốc gọi nó là Mưa Mận, trong khi người Hàn Quốc gọi đây là Mưa Changma, người Nhật Bản gọi nó là Front Baiu. Tuy nhiên, cho dù xuất hiện ở bất cứ nơi nào, Meiyu cũng gây mưa xối xả.

Trong một bản tin gần đây, nhà khí tượng học Chris Fawkes của đài BBC phân tích lý do tại sao Meiyu lại gây mưa lớn như vậy.

Theo Fawkes, Meiyu là tên gọi của vành đai mưa xuất hiện khi gió mùa hè Đông Á tiến triển trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8.

Trong khi từ từ tiến lên phía bắc, Meiyu gây ra nhiều trận mưa xối xả, hậu quả thường xuyên là ngập lụt và lở đất nghiêm trọng trong mùa mưa ở Đông Á.

Fawkes phân tích ảnh vệ tinh của front Meiyu, trong đó cho thấy một vạt mây khổng lồ che phủ miền trung Trung Quốc với rất nhiều ổ giông lớn, trải dài về phía đông, cuối cùng tiến đến Hàn Quốc và Nhật Bản.

BBC gọi tên thủ phạm gây mưa lũ ở Trung Quốc và Nhật Bản - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh chụp front Meiyu

Tại Trung Quốc, trong thời kỳ Meiyu, lũ lụt dễ xảy ra trên sông Dương Tử do lượng mưa lớn và kéo dài. Trong quá khứ, mưa lớn từ hệ thống Meiyu đã gây lũ lụt nghiêm trọng vào năm 1954, 1991, 1998, 1999, 2003 và 2016 gây thiệt hại kinh tế lớn ở Trung Quốc.

Đầu tháng 7/2020, Nhật Bản cũng hứng chịu mưa lũ lớn. Nhà khí tượng học Fawkes nêu một số điểm mưa lớn ở Nhật như Kanoya: 109 mm chỉ trong một giờ. Còn ở Oita trong 24h, gần 500mmm mưa trút xuống. Để so sánh, ở London, cả năm chỉ có 550 mm mưa. Trong vòng một tuần, ở Kochi có lượng mưa hơn gấp đôi: 1,2m mưa. Và nó đã gây ra lũ lụt kinh hoàng, phá vỡ nhiều kỷ lục địa phương.

Meiyu mạnh lên do đâu?

Theo phân tích của Fawkes, có ba yếu tố chính "tiếp sức" cho Front Meiyu.

Đầu tiên là độ ẩm. Nếu nhìn vào bản đồ ẩm của bầu khí quyển lúc Meiyu xuất hiện, có thể thấy không khí nhiệt đới nóng ẩm từ Thái Bình Dương và Vịnh Bengal di chuyển vào đất liền và hội tụ ở miền trung Trung Quốc.

Tiếp đến, gió trên bầu khí quyển cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng cường sức mạnh của Meiyu, theo Fawkes. Gió thổi từ Cao nguyên Tây Tạng, sau đó uốn cong ở miền trung Trung Quốc, làm cho không khí bị khuấy động từ dưới lên cao. Kết quả là mưa giông lớn hình thành, đôi khi là hệ thống giông khổng lồ: hệ thống đối lưu quy mô trung bình, thậm chí là một vùng áp thấp.

BBC gọi tên thủ phạm gây mưa lũ ở Trung Quốc và Nhật Bản - Ảnh 2.

Gió thổi từ Cao nguyên Tây Tạng, sau đó uốn cong ở miền trung Trung Quốc, làm cho không khí bị khuấy động từ dưới lên cao.

Thỉnh thoảng, còn có dòng tia (jet stream) tầng thấp hình thành ở độ cao 3,2 km. Dòng tia góp phần rất lớn trong việc tạo ra những trận mưa giông nghiêm trọng ở khắp Đông Á mà gây ra lũ lụt thảm khốc.

Tính bền bỉ của Front Meiyu cũng là điều cần chú ý. Sau khi mưa giông đã hình thành suốt Front và di chuyển ra phía đông, bầu khí quyển trở về trạng thái cũ. Nhưng sau đó, độ ẩm lại dồn vào từ phía nam, gió từ phía bắc không đổi hướng. Cứ như vậy, giông tiếp tục hình thành trên Front, ảnh hưởng cùng một khu vực trong nhiều tuần.

Front Meiyu chỉ di chuyển lên phía bắc khi thời tiết đổi mùa. Chính bản chất nhiều ẩm và bền bỉ của Front Meiyu đã gây ra những trận lũ và lở đất nghiêm trọng trong mùa mưa, Fawkes kết luận.

(Tham khảo BBC)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại