Malala Yousafzai: Câu chuyện cuộc đời về nhà nữ quyền trẻ tuổi nhất đạt giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng toàn cầu về giáo dục nữ giới

Z. |

Malala Yousafzai trở thành một biểu tượng toàn cầu về sức mạnh và sức đề kháng khi ở tuổi 15, cô đã sống sót một cách kỳ diệu khi bị Taliban bắn vào đầu.

Malala Yousafzai, người Pakistan, là người trẻ nhất trên thế giới đạt giải Nobel Hòa bình từ năm 1901 đến nay. 

Malala là một nhà hoạt động nữ quyền và là một biểu tượng toàn cầu cho giáo dục nữ giới. Cô nổi tiếng sau khi bị tay súng của lực lượng Hồi giáo Taliban bắn vào đầu khi mới 15 tuổi.

Tuổi thơ của Malala

Vào ngày 12/7/1997, Malala Yousafzai được sinh ra tại Mingora, một thành phố thuộc Thung lũng Swat của Pakistan. Ngay từ khi sinh ra, Malala đã rất thích việc học, cô yêu sách và quyết định muốn trở thành bác sĩ.

Malala Yousafzai: Câu chuyện cuộc đời về nhà nữ quyền trẻ tuổi nhất đạt giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng toàn cầu về giáo dục nữ giới - Ảnh 1.

Cha cô là ông Ziauddin Yousafzai, một giáo viên tận tâm với nền giáo dục. Ông thành lập trường của riêng mình và để con gái theo học ở đó. Thế nhưng, trường học của Ziauddin trở thành mục tiêu đặc biệt của Taliban. 

Lực lượng Hồi giáo này đã ban hành một sắc lệnh không cho các bé gái được đến trường và đưa ra những mối đe dọa đến với gia đình ông Ziauddin. 

Trường học của ông bị buộc phải đóng cửa một thời gian dài và đã mở lại ngay trước thời điểm Malala bị bắn.

Cha của Malala sớm nhìn thấy một điều đặc biệt từ con gái mình. Ông khuyến khích cô suy nghĩ cởi mở và bày tỏ ý kiến chính trị của mình một cách tự do. 

Sau khi hai em trai của Malala đi ngủ, Malala và cha thường sẽ ngồi lại thảo luận về chính trị đến tận đêm khuya.

Khi mới 11 tuổi, Malala đã là một nhà hoạt động hăng hái. Cô viết blog về những áp bức trong cuộc sống dưới thời Tabilan.

Cô thường xuyên lên tiếng về việc Taliban tước đi quyền giáo dục của mình. Một năm trước khi bị bắn, Malala đã giành được Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế và Giải Hòa bình Thanh niên đầu tiên của Pakistan.

Bị bắn khi đang trên đường đi học về

Năm 2007, khi Malala chỉ mới 10 tuổi, quê hương yêu dấu của cô bắt đầu thay đổi khi các chiến binh Taliban bắt đầu xuất hiện khắp nơi. Bạo lực nhanh chóng lan khắp Thung lũng Swat và các mối đe dọa đổ xuống các trường chỉ dành cho nữ.

Câu chuyện về Malala đã được cả thế giới biết đến khi cô bị bắn khi đang trên đường từ trường về nhà vào năm 2012, khi mới chỉ 15 tuổi, tại khu vực Thung lũng Swat của Pakistan. 

Cô đã thu hút sự chú ý của các chiến binh vì đã lên tiếng ủng hộ và đấu tranh giành quyền đi học cho nữ giới.

Malala Yousafzai: Câu chuyện cuộc đời về nhà nữ quyền trẻ tuổi nhất đạt giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng toàn cầu về giáo dục nữ giới - Ảnh 2.

Một tay súng đã bước lên xe buýt và hỏi "Ai là Malala?". Sau đó, hắn bắn vào đầu Malala 3 viên đạn, đồng thời khiến cả hai người bạn cùng lớp của cô bị thương nặng.

Xe cứu thương đến và đưa Malala vào một bệnh viện quân đội trong tình trạng nguy kịch. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài năm giờ, viên đạn đã được gỡ bỏ, nhưng tình trạng của cô vẫn không ổn định. Cô bị hôn mê và nhiễm trùng. 

Ngay sau đó, có rất nhiều lời đề nghị điều trị cho Malala đến từ khắp nơi trên thế giới.

Chính vì thế, gia đình nữ sinh 15 tuổi này đã đưa cô đến Birmingham, Anh để điều trị phục hồi chức năng vì những vết thương đe dọa đến tính mạng. May mắn rằng Malala đã thoát chết và hồi phục nhanh chóng.

Những hoạt động sau khi bị Taliban bắn

Vào tháng 1/2013, Malala Yousafzai cuối cùng đã được xuất viện sau khi được tái tạo hộp sọ và được cấy ốc tai điện tử để khôi phục thính giác. 

Cuộc sống của cô sau vụ nổ súng rất khác. Malala nhận thấy mình phải đối mặt với hai sự lựa chọn: rút lui để an toàn, hoặc tiếp tục cuộc chiến vì nhân quyền. 

Cô tự nhủ với mình rằng: "Tôi đã đối mặt với cái chết. Đây là cuộc sống thứ hai của tôi. Đừng sợ - nếu sợ, tôi không thể tiến về phía trước."

Malala Yousafzai: Câu chuyện cuộc đời về nhà nữ quyền trẻ tuổi nhất đạt giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng toàn cầu về giáo dục nữ giới - Ảnh 3.

Vì vậy, thay vì rút lui và ở ẩn, Malala bước lên vai trò là đại sứ toàn cầu cho giáo dục nữ. Sau khi hồi phục, Malala cùng cha mình thành lập Quỹ Malala, một tổ chức phi lợi nhuận với nhiệm vụ tạo ra một thế giới mà mọi cô gái trẻ đều có quyền kiểm soát tương lai của mình.

Tháng 7/2013, Malala được mời đến phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cô tuyên bố mình sẽ không im lặng và sẽ đứng lên giành nữ quyền. 

Một năm sau đó, nữ sinh này đoạt giải thưởng về nhân quyền Sakharov danh giá của Liên minh châu Âu (EU).

Năm 2014, Malala Yousafzai trở thành người trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng Nobel Hòa bình. Ngoài Quỹ Malala, nhà hoạt động này còn là một nhà viết sách và là Sứ giả Hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Malala Yousafzai: Câu chuyện cuộc đời về nhà nữ quyền trẻ tuổi nhất đạt giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng toàn cầu về giáo dục nữ giới - Ảnh 4.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Davos năm 2018, Malala từng nói rằng: "Tôi đã bắt đầu lên tiếng khi tôi 11 tuổi và tôi không biết tiếng nói của mình có gây ảnh hưởng đến người khác hay không. 

Tuy nhiên, ngay sau đó tôi nhận ra rằng mọi người đang lắng nghe tôi và giọng nói của tôi truyền đến mọi người trên khắp thế giới. 

Vì vậy, thay đổi là có thể và đừng giới hạn bản thân, đừng dừng lại, chỉ vì bạn còn trẻ."

Tám năm sau khi bị Taliban bắn, người ủng hộ giáo dục nữ giới đã chia sẻ một bức ảnh ăn mừng tốt nghiệp bằng Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Đại học Oxford ở Anh. 

Trên trang cá nhân có hơn 3 triệu người theo dõi, cô bày tỏ cảm xúc rằng: "Thật khó để bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn của tôi ngay bây giờ."

22 tuổi, Malala Yousafzai đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho giáo dục nữ giới và đã đi khắp thế giới, từ Nhà Trắng đến trại tị nạn để bảo vệ và vận động cho quyền lợi của nữ giới.

Trong khoảng thời gian này, Malala đã viết 2 cuốn sách. Cuốn đầu tiên có tên là "Tôi là Malala", được xuất bản với sự giúp đỡ của nhà văn Christina Lamb. 

Cuốn sách kể về cuộc sống của cô những ngày còn ở Pakistan và sự kiện đã đưa cô đến với cuộc sống mới.

Cuốn sách thứ hai xuất bản năm 2017 có tên là "Bút chì ma thuật của Malala". Cuốn sách được viết dành riêng cho trẻ em. 

Cuốn sách kể về Malala ngày còn nhỏ đã từng khao khát có một cây bút chì đặc biệt cho phép cô làm mọi thứ như vẽ một chiếc khóa trên cửa để anh chị em không làm phiền mình. 

Malala nói: "Tôi nghĩ mọi đứa trẻ đều muốn có một cái khóa như vậy. Và nếu tôi có một cây bút chì như vậy, tôi sẽ sử dụng nó để vẽ nên một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới hòa bình."

Malala Yousafzai: Câu chuyện cuộc đời về nhà nữ quyền trẻ tuổi nhất đạt giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng toàn cầu về giáo dục nữ giới - Ảnh 5.

Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của mình, Malala đã thể hiện sức mạnh và sự can đảm đặc biệt khi đối mặt với khủng bố. 

Nỗ lực trong cuộc sống của Malala đã củng cố niềm tin của cô về một thế giới tốt đẹp hơn, bình đẳng hơn. Tiếng nói của cô đã mang lại nền giáo dục cho hàng ngàn trẻ em và đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác. 

Malala Yousafzai là bằng chứng cho thấy tuổi tác không có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh cho những gì đúng đắn, rằng bất cứ ai cũng có thể và nên lên tiếng để cải thiện thế giới xung quanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại