EuroCham: Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050

H.A |

Chủ tịch EuroCham nhận định: nhu cầu trong nước tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và xuất khẩu mạnh nhờ vào dòng vốn FDI là những yếu tố sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050.

Phát biểu tại hội nghị "Cải cách quy định hành chính: Chìa khóa thực thi thành công EVFTA", diễn ra sáng 30/6, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, một trong những yếu tố hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ tích cực trong cải cách hành chính, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý.

Trong đó, cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, EU và các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện những giải pháp để bảo đảm tính hiệu quả thực thi, trong đó có việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp của EVFTA để xem xét các thách thức trong quá trình triển khai và phối hợp giải quyết.

Chủ tịch EuroCham cho hay, trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới còn đang phải chật vật với tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam có "cơ hội vàng" để tận dụng EVFTA và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ những doanh nghiệp EU đang tìm kiếm thị trường mở, cạnh tranh và thân thiện.

Đại diện EuroCham đánh giá: Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh , đầu tư trong nước, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh. Việt Nam hiện đứng thứ 70 trong số 190 quốc gia trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng Mức độ Dễ dàng Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới 2020, giảm một bậc so với năm 2019. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 5 nhưng khoảng cách còn khá xa so với Thái Lan, Malaysia.

Chủ tịch Nicolas Audier nhận định, trong vài thập kỷ tới, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm ước tính là 5% trong giai đoạn 2014 đến 2050. Nhu cầu trong nước tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và xuất khẩu mạnh nhờ vào dòng vốn FDI là những yếu tố sẽ đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới và thứ 10 châu Á vào năm 2050.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại