Xô xát Trung-Ấn: "Biệt đội Tử thần" của TQ truy sát lính Ấn Độ giữa đêm bằng gậy sắt quấn dây thép gai?

Tất Đạt |

Vụ đụng độ gây chết người ở biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đang gây ra những lo ngại và căng thẳng lớn cho mối quan hệ đối ngoại giữa hai nước.

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo BBC, vụ đụng độ đã diễn ra ở vùng địa hình hiểm trở thuộc Thung lũng Galwan.

Truyền thông Ấn Độ cho biết các binh sĩ xô xát bằng tay không, một số người "bị đánh tới chết". Một báo Ấn Độ đưa tin có những binh sĩ bị ngã xuống vực hoặc bị đẩy xuống sông.

Quân đội Ấn Độ ban đầu cho biết một đại tá và hai lính tử vong, sau đó cho biết thêm rằng "17 lính Ấn Độ bị thương nghiêm trọng khi đang thực hiện nhiệm vụ" đã tử vong do vết thương, nâng tổng số binh sĩ hy sinh lên 20 người.

"Tôi nghĩ rằng có một số binh sĩ Ấn Độ mất tích nữa. Phía Ấn Độ đang cố gắng để họ thoát khỏi sự giam giữ của phía Trung Quốc," nhà phân tích quốc phòng Ajai Shukla nói.

Được biết, số lượng lính Trung Quốc tại khu vực biên giới này nhiều áp đảo so với lính Ấn Độ.

Trả lời BBC, một sĩ quan quân đội cấp cao của Ấn Độ cho biết Ấn Độ chỉ có 55 lính trong khi Trung Quốc có 300 lính. Sĩ quan này - đề nghị giấu tên - mô tả lính của Trung Quốc giống như "Biệt đội Tử thần".

"Họ đánh vào đầu lính Ấn Độ bằng gậy kim loại quấn dây thép gai. Lính Ấn Độ chỉ chống trả bằng tay không," ông nói.

Xô xát Trung-Ấn: Biệt đội Tử thần của TQ truy sát lính Ấn Độ giữa đêm bằng gậy sắt quấn dây thép gai? - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh khu vực thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh, gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Lời kể của sĩ quan trùng khớp với nội dung được đăng tải trên truyền thông Ấn Độ về sự khốc liệt của vụ xô xát. Trang News18 dẫn lời một số người sống sót cho biết "Biệt đội Tử thần" đã truy lùng lính Ấn Độ trong đêm ngày 15/6 và hai bên đã đụng độ trong 8 tiếng liên tục.

"Thậm chí những người không có vũ khí chạy trốn tới sườn đồi cũng bị truy sát và giết hại. Một số binh sĩ đã tử vong khi nhảy xuống sông Galwan để trốn," một sĩ quan khác nói.

Trước đó, mâu thuẫn đã bắt đầu xảy ra khi quân đội Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ một chiếc lều được dựng lên ở địa điểm có tên Điểm Tuần tra 14, gần cửa sông Galwan. Tuy nhiên, vì một số lý do, quân đội Trung Quốc (PLA) từ chối rời khỏi điểm 14, dẫn tới vụ đụng độ lớn và khiến chiếc lều này bị đốt trụi. Trong cuộc đối thoại sau đó, PLA cáo buộc các binh sĩ Ấn Độ phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.

Mâu thuẫn leo thang khiến binh sĩ hai bên xô xát, ném đá vào nhau trong ngày 14/6 và sau đó là vụ truy sát vào đêm ngày 15/6. Theo News18, binh sĩ Ấn Độ hầu như không có sự chuẩn bị nào và chỉ có thể chống trả bằng vũ khí nhặt được từ Trung Quốc. Ngoài ra, quan chức quân đội Ấn Độ cho biết PLA đã trao trả nhiều thi thể lính Ấn Độ vào sáng ngày hôm sau - tức là có khả năng những người lính này đã bị sát hại sau khi bị kéo ra khỏi vụ đụng độ.

Phản ứng từ hai bên

Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc đã có những phát ngôn liên quan tới vụ đụng độ ở khu vực biên giới giữa 2 nước thuộc vùng núi Himalaya, khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ tử vong.

Theo ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, lính Trung Quốc đã cố tình dựng lều trong lãnh thổ của Ấn Độ, trong khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói quân lính Ấn Độ tấn công trước.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Trung Quốc phản đối kịch liệt các cuộc biểu tình ở biên giới và yêu cầu phía Ấn Độ mở cuộc điều tra chặt chẽ để ngăn tất cả các hành động khiêu khích, đề phòng và không cho những tình huống tương tự tái diễn".

"Cả hai bên phải giải quyết mâu thuẫn qua đàm phán, giữ cho khu vực biên giới an toàn và yên bình," ông Vương nói.

Trong một cuộc điện đàm, cả hai phía đều cam kết không làm tình hình gia tăng thêm căng thẳng. Đây là vụ đụng độ chết người đầu tiên trong vòng 45 năm qua ở khu biên giới Trung - Ấn. Binh lính hai bên đã tấn công nhau bằng gậy, chày nhưng không nổ súng.

Trung Quốc tới nay vẫn không công bố số thương vong. Các báo cáo không chính thức trên truyền thông Ấn Độ cho biết ít nhất 40 lính Trung Quốc đã tử nạn. Một số lính Ấn Độ hiện được cho là đã mất tích.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói sự hy sinh của những người lính Ấn Độ "sẽ không phải là vô nghĩa" và Ấn Độ nên tự hào "khi những người lính này hy sinh khi chống lại Trung Quốc" trong cuộc xô xát nghiêm trọng ở vùng Ladakh.

Trở lời trên truyền hình vào ngày 17/6, ông Modi nói: "Ấn Độ muốn hòa bình nhưng một khi bị khiêu khích, chúng tôi đủ khả năng để đáp trả đầy đủ cho dù tình hình là như thế nào đi chăng nữa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại