Triều Tiên cắt liên lạc với Hàn Quốc: Vai trò của em gái Chủ tịch Kim và 'nước cờ' không còn tác dụng?

Minh Đức |

Bình Nhưỡng muốn thể hiện một lập trường cứng rắn hơn trước Seoul sau những bế tắc trong quan hệ song phương.

CNN đăng tải, Triều Tiên đã cắt đứt tất cả các kênh liên lạc với "kẻ thù" Hàn Quốc – một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang hướng tới một lập trường cứng rắn hơn trước Seoul sau hai năm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương cũng như những thất bại trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Vai trò của em gái Chủ tịch Kim Jong-un

Theo truyền thông Triều Tiên, một loạt các đường dây nóng sẽ dừng hoạt động, bao gồm cả điện đàm giữa quân đội hai bên và một đường dây khác kết nối trực tiếp Chủ tịch Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Những đường dây này được đánh giá là quan trọng bởi vì chúng giúp ngăn ngừa một cuộc đối đầu quân sự ngoài dự kiến có thể xảy ra từ những hiểu lầm giữa hai nước.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho hay, lần đầu tiên kể từ khi đường dây quân sự được thiết lập vào năm 2018, Triều Tiên đã không trả lời các cuộc gọi vào sáng thứ 3 (9/6). Một cuộc gọi khác tới đường dây nóng của văn phòng liên lạc chung cũng không có người nhấc máy.

Triều Tiên cắt liên lạc với Hàn Quốc: Vai trò của em gái Chủ tịch Kim và nước cờ không còn tác dụng? - Ảnh 1.

Một nhân viên của chính phủ Hàn Quốc đang liên lạc với phía Triều Tiên thông qua đường dây liên lạc ở Panmunjom (ảnh: Yonhap)

"Các đường dây liên lạc liên Triều phải được duy trì theo hiệp định bởi vì đó là các phương tiện cơ bản để liên lạc", một thông cáo từ Bộ Thống nhất của Hàn Quốc nhấn mạnh. "Chính phủ [Hàn Quốc] sẽ tiếp tục làm việc hướng về hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên trong khi tuân thủ hiệp định liên Triều".

Bình Nhưỡng nói, họ thay đổi thái độ với Seoul bởi vì những kẻ đào ngũ từ Triều Tiên sang Hàn Quốc đã thả bóng bay về quê nhà mang theo các tờ rơi và thẻ nhớ trong đó chứa thông tin về thế giới bên ngoài. Tại Triều Tiên, người dân bình thường không được phép theo dõi các thông tin chưa được bộ máy tuyên truyền của đất nước thông qua.

Giới chuyên gia cho rằng, chính quyền Kim Jong-un đang sử dụng vấn đề trên như một cái cớ để tạo ra một cuộc khủng hoảng. Đây cũng chính là một chiến thuật quan hệ quốc tế thường được Bình Nhưỡng "viện tới" nhằm gia tăng áp lực trong các cuộc đàm phán.

"Chúng ta không bao giờ đánh đổi lòng tự trọng của nhà lãnh đạo tối cao vì bất kỳ điều gì mà sẽ bảo vệ nó bằng mọi giá", một thông cáo được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải ngày 9/6 khẳng định. "Không cần phải ngồi xuống mặt đối mặt với chính quyền Hàn Quốc và không cần phải thảo luận vấn đề gì với họ bởi vì họ chỉ làm chúng ta mất tinh thần".

Thông cáo cũng chỉ ra, động thái hôm thứ 3 chỉ là "bước đầu tiên trong quyết tâm cắt đứt hoàn toàn tất cả biện pháp liên lạc với Hàn Quốc và từ bỏ những thứ không cần thiết".

Em gái của Chủ tịch Kim, bà Kim Yo-jong dường như đóng một vai trò quan trọng trong quyết định mới nhất của Triều Tiên. Bà và Ngoại trưởng Kim Yong-chol đều được đề cập tới trong thông cáo trên. Thứ 6 (5/6) tuần trước, bà Kim cũng có một bài viết trên tờ KCNA trong đó bà chỉ trích những người đào ngũ và có những lời đe dọa Hàn Quốc.

"Các chiến binh vì một Triều Tiên tự do" – tổ chức phi chính phủ tự nhận là bên thả các bóng bay tiết lộ, họ đã gửi kèm 500.000 tờ rơi, 2.000 tờ 1 đô la và 1.000 thẻ nhớ qua biên giới. Nhóm không tiết lộ nội dung chứa trong các thẻ nhớ, nhưng trong quá khứ, chúng thường bao gồm các bộ phim và chương trình truyền hình do Hàn Quốc hay phương tây sản xuất.

Triều Tiên cắt liên lạc với Hàn Quốc: Vai trò của em gái Chủ tịch Kim và nước cờ không còn tác dụng? - Ảnh 2.

Một bản đồ khu vực phi quân sự (DMZ) phân cách 2 miền Triều Tiên (ảnh: Yonhap)

Một "mánh khóe" chính trị

Theo các nhà phân tích, động thái gia tăng đối đầu giữa hai miền Triều Tiên có thể là một "mánh khóe" chính trị nhằm châm ngòi nhanh chóng các cuộc đàm phán liên Triều vẫn đang bị bế tắc trong nhiều tháng qua.

"Các liên lạc liên Triều hiện vốn đã ngừng hoạt động nhưng Bình Nhưỡng đang cố gắng để khiến việc cắt đứt các đường dây trở thành một vấn đề lớn hơn tính chất của nó", bà Duyeon Kim, một cố vấn cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định.

Đường dây nóng liên Triều đầu tiên ra đời vào năm 1971. Kể từ đó, Triều Tiên từng ít nhất 5 lần tạm dừng đường dây liên lạc giữa hai miền.

"Tình huống này không phải là lý tưởng, nhưng hai miền Triều Tiên đã quen với những thời kỳ các kênh đối thoại ngưng hoạt động", bà Duyeon nói.

Những cuộc đối thoại hướng tới các mục tiêu chủ chốt từng được đề ra tại hội nghị thượng đỉnh tháng 4/2018, bao gồm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và tái thiết lập các dự án kinh tế liên Triều – cho tới nay hầu như không có tiến triển.

Một trong những điểm mấu chốt nhất chính là các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Mỹ đưa ra. Bình Nhưỡng cần nguồn tiền nhưng các lệnh trừng phạt khiến họ không thể bán được những thứ có giá trị hoặc tham gia vào các dự án có lợi nhuận với Hàn Quốc.

Ông Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin phân tích, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in gần như chắc chắn sẽ không làm gì vi phạm các lệnh trừng phạt do e ngại áp lực từ phía Mỹ - cụ thể là Tổng thống Donald Trump.

Triều Tiên giờ đây đang cố gắng dồn Hàn Quốc "vào góc tường" trong khi vẫn cố gắng kiểm soát quan hệ với Mỹ. Bình Nhưỡng hy vọng khiến Seoul lo lắng từ đó thúc ép Tổng thống Moon Jea-in đồng ý với các yêu cầu từ phía chính quyền Kim Jong-un.

"Hàn Quốc không muốn chính phủ Moon Jae-in được thoải mái. Họ muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng có chủ đích và được kiểm soát", ông Lankov chỉ ra. "Triều Tiên cần một cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Hàn Quốc, nhưng là loại khủng hoảng không trực tiếp kéo Mỹ vào cuộc".

Tuy nhiên, vấn đề là ông Moon đang nhận được nhiều sự ủng hộ chính trị sau các kết quả bầu cử tích cực hơn kỳ vọng vào đầu năm nay. Và các cử tri của ông không đặc biệt quan tâm về những leo thang căng thẳng với Triều Tiên – điều mà Hàn Quốc đang dần quen thuộc. Cắt đứt các đường dây liên lạc liên Triều nhiều khả năng sẽ không trở thành một vấn đề lớn cho Seoul nhất là trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 và nguy cơ nền kinh tế sụt giảm.

Ông Lankov nhận xét, các nỗ lực của Triều Tiên nhằm châm ngòi khủng hoảng tại Hàn Quốc "đã không thành công".

"Tuy vậy, đó cũng không phải là một dấu hiệu tốt", ông cảnh báo. "Thiếu hồi đáp đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ bắt đầu gia tăng quy mô và mức độ các hoạt động khiêu khích".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại