Chạy sang châu Âu trốn nợ, người đàn ông Trung Quốc bỗng "vụt sáng" thành võ sư nổi tiếng

Nara |

Nhờ vào danh tiếng của võ thuật Trung Quốc, người đàn ông này đã kiếm được số tiền rất đáng kể tại châu Âu.

Năm 2001, cậu sinh viên Mã Hiểu Dương từ Trung Quốc sang Anh học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Chi phí học tập tại Anh vô cùng đắt đỏ, để trang trải cho Mã Hiểu Dương, cha của anh đã phải đi vay mượn bạn bè. Lãi mẹ đẻ lãi con, cuối cùng gia đình họ Mã phá sản.

Để thoát khỏi cảnh nợ nần, cha của Mã Hiểu Dương đã tìm ra một phương thức vô cùng đặc biệt: Dạy võ công cho người phương Tây trong thời gian rời Trung Quốc nhằm tránh mặt các chủ nợ. Kể từ đó, cái tên Mã Bảo Quốc xuất hiện trong làng võ với tư cách võ sư Thái Cực quyền.

Hiệp hội Hỗn Nguyên Thái Cực quyền tại Anh được thành lập. Nhờ những ngôi sao điện ảnh như Lý Tiểu Long, Thành Long, võ thuật Trung Quốc có sức hấp dẫn rất lớn. Một "đại sư Thái Cực quyền" như Mã Bảo Quốc dĩ nhiên không mất nhiều thời gian để thu hút hàng loạt đệ tử đăng ký theo học ở thành phố Newcastle.

Chạy sang châu Âu trốn nợ, người đàn ông Trung Quốc bỗng vụt sáng thành võ sư nổi tiếng - Ảnh 1.

Mã Bảo Quốc dạy võ tại Anh

Mỗi buổi dạy võ, vị Hỗn Nguyên Thái Cực kiếm được tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng). Ông còn xuất bản được cả ấn phẩm võ thuật bằng tiếng Anh để bán cho môn sinh thông qua sự giúp sức của con trai.

Theo thông tin từ trang Baidu, những khoản lợi nhuận trên đã giúp Mã Bảo Quốc thanh toán được nợ nần và đủ cho Mã Hiểu Dương theo học trọn vẹn chương trình, đường hoàng trở về Trung Quốc.

Năm 2015, 2 cha con mở Công ty Hỗn Nguyên Thể thao Thượng Hải. Mã Hiểu Dương phụ trách điều hành và còn đăng ký bản quyền thương hiệu "Hỗn Nguyên công phu" cùng rất nhiều cái tên khác. Họ mở cả một lớp dạy võ thuật tại trung tâm thành phố Thượng Hải, nơi nổi tiếng đắt đỏ (trung tâm sau đó đóng cửa vào năm 2018).

Chạy sang châu Âu trốn nợ, người đàn ông Trung Quốc bỗng vụt sáng thành võ sư nổi tiếng - Ảnh 2.

Mã Hiểu Dương cũng học võ công như cha

Hành trình của Mã Bảo Quốc đã có thể coi là kết thúc "có hậu", nếu như vị võ sư này không liên tục dính vào những scandal.

Peter Irving, võ sĩ MMA bị cho là thất bại dưới tay Mã Bảo Quốc, đăng đàn tiết lộ sự thật rằng 2 bên vốn không hề giao đấu thật sự. Đoạn phim Mã Bảo Quốc đánh bại Peter Irving vốn được dàn dựng và cắt ghép. Và Peter Irving còn tuyên bố rằng nếu đấu thật, anh sẽ đánh bại Mã Bảo Quốc dễ dàng. Nhưng anh không làm thế vì đối thủ đã nhiều tuổi rồi.

Mới đây, vị Hỗn Nguyên Thái Cực bị đánh tơi tả trong cuộc đấu với Vương Khánh Dân, một võ sĩ nghiệp dư mới lần đầu thượng đài. Hình ảnh Mã Bảo Quốc càng xấu đi khi ông lên mạng viện đủ lý do khá vô lý cho thất bại và còn chỉ trích, gây áp lực làm Vương Khánh Dân phải tuyên bố giải nghệ.

Mã Bảo Quốc thua knock-out trước võ sĩ Vương Khánh Dân

Mã Bảo Quốc thường tự giới thiệu bản thân là người có công giới thiệu, truyền bá võ thuật truyền thống Trung Quốc ra thế giới. Nhưng truyền thông và nhiều võ sư Trung Quốc khác đã phản đối khá mạnh mẽ.

Trang 163.com viết: "Càng ngày, chúng ta càng hiểu rằng danh tiếng võ sư mà Mã Bảo Quốc đạt được đến từ những hành động gian trá. Thực tế, ông ta không hề luyện võ công thực sự và không xứng được gọi là sư phụ.

Mã Bảo Quốc không phải và không thể là đại diện cho Thái Cực quyền hay bất cứ môn võ cổ truyền nào ở Trung Quốc. Ông ta vốn từ đầu đã chỉ dùng võ thuật làm công cụ để mưu đồ lợi ích cá nhân. Giờ đây, khi danh tiếng đã bị phá hủy, Mã Bảo Quốc sẽ không thể dùng những trò lừa đảo trên giang hồ được nữa".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại