Bắc Bộ và Trung Bộ hứng chịu nắng nóng kéo dài 9 ngày: Cần làm gì khi chỉ số tia UV ở mức cảnh báo đỏ?

Trang Ly |

Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ trải qua đợt nắng nóng kéo dài.

Theo tin tức dự báo thời tiết mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, bắt đầu từ ngày 1/62020, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ trải qua đợt nắng nóng kéo dài, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Riêng thủ đô Hà Nội có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ.

Trong bản tin "Việt Nam thức giấc" phát sóng ngày 1/6, Đài truyền hình Việt Nam VTV cho biết đợt nắng nóng này có khả năng sẽ kéo dài 9 ngày liên tục.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn, nên các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ trải qua đợt nắng nóng kéo dài này.

Theo số liệu Chỉ số tia UV (UV Index) cập nhật hàng ngày của WeatherOnline/UK, trong 4 ngày từ 1/6 đến 4/6, chỉ số tia cực tím (UV Index) liên tục ở mức cảnh báo nguy hiểm. Riêng ngày thứ Tư ngày 3/6, chỉ số tia cực tím sẽ đạt mức cảnh báo ĐỎ ở mức 10 - Mức nguy hiểm theo thang đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các ngày còn lại đều ở mức cao từ 8 đến 9 (cũng thuộc cảnh báo Đỏ). Điều này có nghĩa là UV Index 8-9-10 có nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, đặc biệt là da và mắt.

Bắc Bộ và Trung Bộ hứng chịu nắng nóng kéo dài 9 ngày: Cần làm gì khi chỉ số tia UV ở mức cảnh báo đỏ? - Ảnh 1.

Thang đo ứng với màu sắc của Chỉ số UV. Nguồn: WHO/EPA - Chú thích tiếng Việt: Alobacsi

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo người dân NÊN ở trong nhà vào những giờ nắng nóng cao điểm từ 10 giờ sáng và 4 giờ chiều. Nếu có việc quan trọng ra ngoài, mỗi người cần phải trang bị vật dụng che chắn như mũ, kính râm, quần áo dài, bôi kem chống nắng, đi vào chỗ có bóng mát...

Theo tài liệu của WHO, bức xạ tia UV có tác hại rất lớn đến sức khỏe con người. Các loại bức xạ UVA và UVB nếu để chúng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với da và mắt có thể gây nên các bệnh như: Cháy nắng, làm đen da, gây lão hóa da; Nếu tiếp xúc lâu/thường xuyên dưới ánh nắng, có thể gây ung thư da; Gây các bệnh ở mắt: Viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng, gây thoái hóa hoàng điểm ở mắt; Gây ức chế hệ thống miễn dịch...

Thông tin về Chỉ số UV sẽ được chúng tôi cập nhật liên tục trong đợt nắng nóng kéo dài này trong các bản tin Dự báo thời tiết hàng ngày, độc giả theo dõi thường xuyên để có biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình thời gian tới.

UV là từ tiếng Anh viết tắt của Ultraviolet, có nghĩa là tia cực tím hoặc tia tử ngoại. Bức xạ UV chỉ là một dạng của bức xạ và nó được đo trên thang đo khoa học gọi là phổ điện từ (EM). 

Mặt Trời tạo ra 3 loại tia bức xạ UV chính, gồm: UVA, UVB, UVC, trong đó bức xạ UVA: Có bước sóng dài nhất, dao động từ 315 - 400 nm. Không bị tầng Ozone hấp thụ, truyền qua khí quyển Trái Đất. UVA có bước sóng dài nhất nên có thể xuyên qua lớp giữa của da (lớp hạ bì). 99% tia UV đến được mặt đất, tiếp xúc với cơ thể người thuộc dạng bức xạ UVA, với một lượng nhỏ bức xạ UVB.

Bài viết sử dụng nguồn: NCHMF, WeatherOnline/UK

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại