Israel thành lập chính phủ khó khăn nhất trong lịch sử: Dù bị chỉ trích, ông Netanyahu vẫn thắng

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chính phủ mới thành lập nhằm chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài tại Israel, nhưng lại gây chia rẽ sâu sắc trên chính trường và không giải quyết được các vấn đề của đất nước.

"Chính phủ khẩn cấp"

Ngày 17/5/2020, với 73 phiếu thuận và 46 phiếu chống, Quốc hội (Knesset) Israel đã phê chuẩn thành phần của chính phủ thứ 35 của nước này. Đây là chính phủ được thành lập khó khăn nhất trong lịch sử Israel sau ba cuộc bầu cử Quốc hội và các cuộc đàm phán kéo dài giữa các đảng phái.

Cuối tháng 4/2020 vừa qua, hai khối giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử tháng 3/2020 là đảng Likud của đương kim Thủ tướng B. Netanyahu và khối "Xanh-Trắng" hay còn gọi là Kachol Lavan của cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz đã đi đến thoả hiệp thành lập một "Chính phủ đoàn kết dân tộc". Đây còn được gọi là "Chính phủ khẩn cấp-Emergency Government" nhằm tập trung vào nhiệm vụ chống đại dịch Covid-19.

Israel thành lập chính phủ khó khăn nhất trong lịch sử: Dù bị chỉ trích, ông Netanyahu vẫn thắng - Ảnh 2.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Thủ tướng B. Netanyahu nói: "Chúng tôi quyết định thành lập một chính phủ đoàn kết để chấm dứt sự chia rẽ và tránh lãng phí được khoảng 565 triệu USD do phải tổ chức lại cuộc bầu cừ lần thứ tư."

Theo thỏa thuận, chính phủ này sẽ kéo dài 36 tháng. B. Netanyahu sẽ là Thủ tướng trong 18 tháng đầu tiên và B. Gantz sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó sẽ tự động đảm nhiệm chức Thủ tướng trong 18 tháng tiếp theo sau khi kết thúc thời hạn của B. Netanyahu.

Theo báo "Times of Israel", chính phủ mới của Israel sẽ có 32 Bộ trưởng và sau 6 tháng khi dịch Covid-19 bớt căng thẳng hơn, số Bộ trưởng sẽ tăng lên 36. Số Bộ trưởng sẽ được chia đều cho hai khối của B. Netanyahu và B. Gantz. Tham gia chính phủ mới Israel có đại diện của 5 đảng phái chính trị, chủ yếu là các đảng cánh hữu và tôn giáo gồm Shas, Do Thái giáo, Judaism, Lao động và Ghesher.

Nhiều đảng phái chính trị Israel chỉ trích chính phủ Netanyahu-Gantz

Trong khi Toà án tối cao đang xem xét việc đưa ông B. Netanyahu ra toà, ngăn chặn ông lên làm Thủ tướng do bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ và lừa đảo, đồng thời cuộc tranh giành quyền lực hiện nay tại Israel đang lên đến đỉnh cao, việc thành lập được chính phủ là một thắng lợi đối với ông B. Netanyahu.

Với việc thành lập được chính phủ này, ông trở thành người giữ chức vụ Thủ tướng lâu nhất của Israel với 4,5 nhiệm kỳ tổng cộng gần 15 năm, chỉ đứng sau Ben Gurion, ngưới thành lập Quốc gia Israel năm 1948.

B. Netanyahu từ lâu đã tìm cách thoả hiệp chia sẻ quyền lực với các phe phái khác, mục tiêu chính là giữ bằng được chức vị Thủ tướng trong chính phủ mới để được hưởng quyền miễn trừ, tránh được khả năng phải ra toà xét xử vể tội tham nhũng, nhận hối lộ và lừa đảo dự kiến được mở vào cuối tháng 5/2020.

Và ngay cả sau khi Netanyahu kế thúc nhiệm kỳ Thủ tướng vào tháng 11/2021 để nhường vị trí này cho B. Gantz thì ông vẫn có thể nắm quyền. Với chức vụ Phó Thủ tướng, ông vẫn được hưởng tất cả các quyền lợi dành cho Thủ tướng, đặc biệt là vẫn được tại vị và được hưởng quyền miễn trừ.

Israel thành lập chính phủ khó khăn nhất trong lịch sử: Dù bị chỉ trích, ông Netanyahu vẫn thắng - Ảnh 4.

Tuy chính phủ mới chưa bắt đầu hoạt động, phe đối lập đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Nhà báo Ben Dror Yamini đã viết trên tờ Yedioth Ahronoth rằng, chính phủ này là "khổng lồ". Họ cho rằng, Israel là một quốc gia nhỏ, nhưng lại có chính phủ lớn nhất thế giới với 32-36 bộ trưởng và 2 Thủ tướng. Bộ máy cồng kềnh thế này không phải để điều hành đất nước, đặc biệt khi Israel đang phải gồng mình giải quyết những hậu quả nặng nề về kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, mà mục đích chủ yếu là để chia ghế giữa các phe nhóm, làm tăng thêm chi phí cho ngân sách.

Thậm chí trong nội bộ đảng Likud cũng không có sự nhất trí. Hai thành viên cao cấp trong Hội đồng chính trị của đảng, Avi Dichter và Tsakhi Hanegby đã tẩy chay lễ tuyên thệ của chính phủ mới vì họ không được mời làm bộ trưởng.

Khối Xanh-Trắng cũng vậy, không phải ai cũng hài lòng với thoả thuận thành lập chính phủ Netanyahu-Gantz. Nhiều thành viên trong ban lãnh đạo khối Xanh-Trắng đã nhắc lại cam kết của B. Gantz không bao giờ hợp tác với Netanyahu. Họ chỉ trích Cựu tham mưu trưởng quân đội "đã thề trung thành với một người bị cáo buộc ba tội danh hình sự nghiêm trọng và sắp phải ra toà". Như vậy, nội bộ khối Xanh-Trắng cũng chia rẽ, Yair Lapid, người từng ủng hộ Gantz nay tuyên bố sẽ lãnh đạo phe đối lập Israel.

Mâu thuẫn giữa Netanyahu với Avigdor Liberman, thủ lĩnh đảng Yisrael-Beiteinu (Israel-Ngôi nhà của chúng ta) của những người Do Thái nói tiếng Nga đã có từ lâu, nay càng trở nên sâu sắc hơn. Không ai trong Yisrael-Beiteinu tham gia vào chính phủ Netanyahu-Gantz.

Đảng Yamina trước đây là đồng minh của Likud cũng tuyên bố không tham gia chính phủ và chuyển sang phe đối lập.

Khối "Danh sách chung Ả Rập", đã chỉ trích thoả thuận thành lập chính phủ B. Netanyahu-Gantz. Đảng Meretz cánh tả cho rằng, chính phủ này "không phải là một chính phủ đoàn kết hay khẩn cấp, mà là một chính phủ tham nhũng." Đảng Meretz tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng chống lại "các bộ luật sẽ được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ cho chính phủ tham nhũng và sẽ đưa ra một giải pháp thay thế cho chính phủ đáng xấu hổ này."

Ông Merav Michali thuộc đảng Lao động cho rằng, chính phủ Netanyahu-Gantz "là một chính phủ thôn tính lãnh thổ nguy hiểm và tham nhũng, cho một Thủ tướng bị cáo buộc tham nhũng được quyền phủ quyết việc bổ nhiệm các thẩm phán" đã từng là trở ngại chính trong các cuộc thương lượng giữa Netanyahu và Gantz, trước khi đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ. M. Michali nói, hội nghị đảng Lao động sẽ bỏ phiếu không tham gia chính phủ này.

Ông Ofer Shelah thuộc đảng "Có một tương lai", đại biểu Quốc hội cho rằng, chính phủ này cho Netanyahu toàn quyền kiểm soát việc bổ nhiệm thẩm phán, uỷ ban luật pháp và ủy ban thôn tính của Quốc hội. Đây là một sự xấu hổ đối với Gantz.

Ayman Odeh, thủ lĩnh khối Danh sách chung (Liên minh gồm 4 đảng Ả Rập), cho đây là "chính phủ đầu hàng" do Gantz và Netanyahu thành lập và là một cú tát vào mặt đa số xà hội dân sự và một lần nữa sẽ sử dụng hòm phiếu để lật đổ Netanyahu. Ông tuyên bố thêm rằng, Danh sách chung sẽ "phản đối mạnh mẽ chính phủ Netanyahu-Gantz và các chính sách thôn tính lãnh thổ và phân biệt chủng tộc của nó".

Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) nói rằng, khối Netanyahu-Gantz trong một chính phủ đoàn kết quốc gia với một chương trình nghị sự cực đoan "sẽ không làm người Palestine sợ hãi, ngược lại nó tạo nên một động lực cho tất cả người Palestine đẩy nhanh việc xây dựng chiến lược quốc gia nhằm tăng cường cuộc kháng chiến.

Thách thức với chính phủ Netanyahu-Gantz

Israel đã lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc trong một năm rưỡi qua. Quốc hội đã phải bầu đi bầu lại 3 lần, nhưng không đảng phái nào giành được đủ số phiếu để thành lập chính phủ. Cuộc bầu cử cuối cùng được tổ chức vào tháng 3/2020, đảng Likud của Thủ tướng B. Netanyahu cũng không giành được đủ phiếu, buộc ông phải thỏa thuận với đối thủ của mình là khối Xanh-Trắng của H. Gantz để thành lập chính phủ.

Thoả thuận giữa hai đối thủ B. Netanyahu và B. Gantz thành lập chính phủ mới là một bước chấm dứt được bế tắc chính trị kéo dài không có chính phủ 18 tháng qua. Tuy nhiên, một cơ cấu quyền lực như vậy khó có thể mang lại sự ổn ổn định và đồng thuận cho chính trường Israel.

Israel thành lập chính phủ khó khăn nhất trong lịch sử: Dù bị chỉ trích, ông Netanyahu vẫn thắng - Ảnh 6.

Thách thức to lớn nhất chính phủ mới phải đối phó là sự chia rẽ trong xã hội Israel. Một nước dân số chỉ có 7,5 triệu người, nhưng có đến hơn 20 đảng phái chính trị. trong mỗi đảng phái lại có rất nhiều phe cánh khác nhau. Việc thoả thuận thành lập chính phủ hiện nay được gọi là chính phủ khẩn cấp với sự tham gia chủ yếu của các đảng cực hữu và tôn giáo chỉ là một giải pháp tình thế, không phản ảnh thực chất tương quan lực lượng trên chính trường Israel. Trong tình hình nhiều đảng phái có ảnh hưởng lớn ở Israel không được tham gia và sự phản đối mạnh mẽ của các tầng lớp xã hội Israel, chính phủ Netanyahu-Gantz rất khó có thể hoạt động và không loại trừ khả năng sụp đổ

Đại dịch Covid-19 đang gây hậu quả nặng nề cho Israel. Đến nay đã có hơn 17.000 ca lây nhiễm, 271 trường hợp tử vong, 70% các công ty phải ngừng hoạt động, tỷ lệ thất nghiệp 25%, thiệt hại của nền kinh tế lên tới hơn 13 tỷ USD. Đây là thách thức hết sức to lớn, chính phủ mới với cơ cấu quyền lực và quan điểm khác biệt hiện nay không dễ gì khắc phục được.

Israel thành lập chính phủ khó khăn nhất trong lịch sử: Dù bị chỉ trích, ông Netanyahu vẫn thắng - Ảnh 7.

Việc ông B. Netanyahu tuyên bố sáp nhập thung lũng Jordan thuộc Bở Tây bắt đầu từ 1/7/2020 tới chắc chắn sẽ gây sự phản đối mạnh mẽ không những của người Palestine mà còn của Jordan, các nước Ả Rập và cộng đồng quốc tế. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đe dọa sẽ hủy bỏ các thỏa thuận đã ký với Israel và Mỹ.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell coi động thái này sẽ làm cạn kiệt "tất cả các cố gắng ngoại giao" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Nếu chính phủ mới của Israel quyết tâm sáp nhập Bở Tây, một cuộc xung đột sẽ bùng nổ với những hậu quả không lường trước được đối với chính Israel.

Không loại trừ khả năng đối đầu căng thẳng trong quan hệ với Iran. Không phải ngẫu nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có mặt tại Jerusalem trước khi chính phủ Netanyahu-Gantz làm lễ tuyên thệ và một trong những chủ đề được đề cập đến trong các cuộc thảo luận với các quan chức Israel là các biện pháp nhằm chống lại mối đe doạ Iran. Căng thẳng trong quan hệ giữa Tel-Aviv và Tehran là mối nguy cơ tiềm tàng chính phủ mới phải đương đầu.

Cuối cùng là mặc dù được quyền miễn trừ, ông B. Netanyahu vẫn đứng trước khả năng phải ra toà vì Toà án tối cao Israel vẫn quyết tâm tìm mọi cách xét xử ông vì những vi phạm nghiêm trọng về luật pháp và đạo đức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại