'Lương tâm các người để ở đâu?': Dân Mỹ tức giận khi chứng kiến nhiều người tụ tập biểu tình, hội họp bất chấp dịch bệnh ngày càng trầm trọng

J.D |

"Những kẻ nghĩ họ không thể nhiễm virus chính là nguyên nhân khiến nhiều người phải chết," - Delaney Kalea phẫn nộ.

Chủ nhật ngày 3/5, Kevin Rusch trong một buổi tối rảnh rỗi hiếm hoi nằm dài tại nhà lướt Facebook, để rồi nhìn thấy một hình ảnh khiến anh sốc toàn tập. 

Đó là cảnh người đàn ông đầu quấn cờ Mỹ, dẫn đầu một đám đông đang biểu tình yêu cầu bang Wisconsin gỡ bỏ lệnh đóng cửa trường học và doanh nghiệp tại tiểu bang này.

Người đàn ông ấy tên David Murdock, là một bác sĩ tim mạch tại Wausau (Wisconsin). 

Và cũng giống như hàng trăm người tham gia biểu tình hôm ấy, bác sĩ Murdock không đeo khẩu trang, cũng không có thực hiện bất kỳ quy tắc giãn cách xã hội nào. 

Trong một tấm ảnh khác, Murdock khác lên vai một người khác, cả hai cùng nâng cao tấm biểu ngữ với dòng chữ: "Chúng tôi là ngành thiết yếu."

"Hình ảnh của gã đó hiện ra, và tôi cảm thấy tức giận," - Rusch chia sẻ. "Tôi đã nghĩ, gã này đi ra đó ôm ấp, va chạm với mọi người mà không có bất kỳ trang bị bảo hộ cá nhân nào. Mà quan trọng hơn, ngày nào hắn cũng tiếp bệnh nhân."

Rusch chia sẻ tấm hình của Murdock lên trang cá nhân của mình, kèm theo lời cảnh báo: "Đi về bệnh viện của mình mà tự chịu rủi ro." 

Tấm hình nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng, bình luận tăng lên, và có hàng chục người liên hệ tới bệnh viện của bác sĩ Murdock - trong đó có cả Rusch. 

Ngay chiều hôm sau, Murdock - vị bác sĩ 68 tuổi đã làm việc tại trung tâm y tế phía bắc Wisconsin 33 năm qua - bị đình chỉ công tác trong 1 tuần.

Lương tâm các người để ở đâu?: Dân Mỹ tức giận khi chứng kiến nhiều người tụ tập biểu tình, hội họp bất chấp dịch bệnh ngày càng trầm trọng - Ảnh 2.

Kevin Rusch - người đăng tải hình ảnh của bác sĩ Murdock.

Sự phẫn nộ dành cho những người Mỹ coi thường lệnh giãn cách

Bác sĩ Murdock đã trở thành một trong những mục tiêu nổi tiếng nhất của cộng đồng "gìn giữ giãn cách xã hội" (social distancing vigilantes). 

Đây là cộng đồng những người Mỹ đang hết sức ức chế khi chứng kiến các công dân vi phạm, từ chối làm theo yêu cầu của chính phủ, bao gồm đeo khẩu trang, đóng cửa ngành dịch vụ không thiết yếu, và hạn chế tụ tập đám đông.

Việc phải hạn chế ra đường, lo ngại sự lây lan của virus corona đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh đã khiến một bộ phận người Mỹ trở thành lực lượng... tình báo. 

Họ sẽ gọi cho cảnh sát, thông báo cho nhà chức trách và các chủ doanh nghiệp nếu thấy bất kỳ ai bị nghi vi phạm lệnh cách ly xã hội.

Trên phạm vi khắp cả nước, những báo cáo tương tự đã khiến nhiều cơ sở massage, làm đẹp và chăm sóc thú cưng phải đóng cửa. 

Cảnh sát ập đến, giải tán các nhà hàng, quán bar... đang cố tình để khách hàng tụ tập đông và ngồi quá gần nhau. Với bản thân bác sĩ Murdock, ông đã phải trả giá bằng sự nghiệp. 

Ông cho biết bản thân đang tận hưởng kỳ nghỉ sau khi hết đình chỉ, và đang đợi các đánh giá từ lãnh đạo để có thể quay lại làm việc.

Lực lượng "tình báo" này còn hoạt động rất mạnh ở quy mô địa phương. Một số trang web vốn đóng vai trò là bảng tin đăng tìm chó mèo lạc, nay trở thành nơi cư dân mạng lên tố cáo bất kỳ ai vi phạm lệnh cách ly. 

Một số thậm chí còn chỉ trích rất gay gắt, khiến ai nhìn vào cũng thấy... xấu hổ thay cho những người bị đưa lên.

Lương tâm các người để ở đâu?: Dân Mỹ tức giận khi chứng kiến nhiều người tụ tập biểu tình, hội họp bất chấp dịch bệnh ngày càng trầm trọng - Ảnh 4.

Dân Mỹ tụ tập trong công viên tại Brooklyn hôm 2/5.

Tại Wisconsin, sau khi thông tin bác sĩ Murdock bị đình chỉ được đăng tải trên sóng truyền hình, các hội nhóm ủng hộ lệnh giãn cách xã hội cùng nhau lan tỏa thông điệp ăn mừng. "Chúng ta đã làm được rồi mọi người ơi!!!!" - trích bình luận của một người dùng.

Bác sĩ Murdock cho biết ông không có suy nghĩ tiêu cực gì về lãnh đạo bệnh viện. 

Tuy nhiên, ông khá ngạc nhiên về làn sóng phản đối, thậm chí là kỳ thị mà bản thân gặp phải, chẳng hạn như việc ai đó đã ném một túi phân ngay trước cửa nhà ông, khiến cảnh sát phải cử thêm vài xe tuần tra ở khu phố.

Ở một số thành phố khác, hoạt động giám sát được đẩy mạnh sau khi chính quyền địa phương lập ra đường dây nóng, ứng dụng hoặc các hệ thống tương tự để báo cáo trường hợp vi phạm. Và đôi khi nó được đẩy mạnh đến mức phản tác dụng. 

Như tại hạt Dane, sở y tế đã phải xóa một website chỉ sau 1 tuần, khi có rất nhiều báo cáo ẩn danh về việc vi phạm giãn cách xã hội. Số lượng báo cáo là quá nhiều, khiến họ không thể xử lý kịp.

"Kỳ nghỉ của các người không đáng để chúng tôi mạo hiểm tính mạng"

Tại thành phố Long Beach (Washington), nhiều bãi biển đóng cửa. Một chiếc ô tô đậu bên lề đường, kính chắn gió có treo biểu ngữ: "Kỳ nghỉ của các người không đáng để chúng tôi hy sinh."

Và quả thực, nhiều người xem việc báo cáo vi phạm giãn cách thực sự là vấn đề sinh tử. 

Như Delaney Kalea, cô tình cơ bắt gặp một nhóm thanh thiếu niên tụ tập chơi bowling bên ngoài đường. "Tôi quyết định mình phải có trách nhiệm, bèn tấp vào lề đường và gọi cho cảnh sát."

Kalea là một thợ trang điểm, gần như mất toàn bộ thu nhập chỉ vì đại dịch. Bản thân cô mắc tiểu đường, trong khi anh trai và mẹ gặp vấn đề về hệ miễn dịch. 

Nói cách khác, họ là những người có bệnh lý nền, sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu không may nhiễm bệnh.

"Những kẻ nghĩ họ không thể nhiễm virus chính là nguyên nhân khiến nhiều người phải chết," - cô phẫn nộ. "Huyết quản tôi sôi lên mỗi ngày khi nghĩ về điều đó. Lương tâm các người để ở đâu."

Dẫu vậy, không phải báo cáo nào cũng đúng. Một số quan chức cho biết dù nhiều người dân có thể mang ý tốt, nhưng họ thường tiếp nhận thiếu thông tin về quy định giãn cách thực sự của từng địa phương. 

Chẳng hạn, một số trung tâm thương mại có thể mở cửa, nhưng nhà hàng, khu vui chơi... thì không. Các nhà hàng tại nông thôn có thể hoạt động, nhưng chỉ được phép chứa 50% công suất tối đa, trong khi tại đô thị là 25%.

Lương tâm các người để ở đâu?: Dân Mỹ tức giận khi chứng kiến nhiều người tụ tập biểu tình, hội họp bất chấp dịch bệnh ngày càng trầm trọng - Ảnh 6.

Giữa tháng 4, cảnh sát tại Laredo, Texas đã ập vào một cơ sở làm móng, bắt giữ chủ cửa hàng sau khi một đặc vụ ngầm báo cáo về việc vẫn có thể đặt lịch dùng dịch vụ tại đây. Chủ tiệm có thể bị phạt tù, kèm 2000 USD tiền phạt. 

Tương tự, hạt Salt Lake (Utah) đã cho đóng cửa một loạt tiệm xăm và salon làm đẹp, sau khi có đến 500 báo cáo về vi phạm giãn cách chỉ sau vài ngày.

Ron Lund, điều phối của sở y tế tại hạt Salt Lake cho biết một số cuộc gọi đến từ chính các chủ doanh nghiệp, tỏ vẻ phẫn nộ vì các đối thủ cạnh tranh không tuân thủ yêu cầu đóng cửa. 

Một số khác đến từ những người không nắm được thông tin về ngành nào được phép hoạt động.

"Một người phụ nữ đã gọi đến, rất căng thẳng vì một người bạn của cô làm việc trong cửa hàng phần mềm vi tính vẫn đang hoạt động, đồng thời cho rằng đáng lẽ nó phải đóng cửa," - Lund cho biết. 

Tuy nhiên, các cửa hàng phần mềm được phép mở cửa vì là dịch vụ thiết yếu, miễn là tuân thủ các quy định an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại