Từ lệnh cấm đánh cá ngang ngược, lộ ra mưu đồ của Trung Quốc

Phạm Nghĩa |

Giới chuyên gia nhận ra các hoạt động gần đây của Trung Quốc, bao gồm cấm đánh cá, thực chất là ngang ngược mở rộng các công cụ thực thi pháp luật của họ ra các khu vực trên biển Đông.

Theo bài viết của South China Morning Post, những hành động trên của Bắc Kinh ngày càng gây khó chịu vì chúng đã vượt khỏi khuôn khổ xây dựng đảo và quân sự hóa trái phép trên biển Đông. Hướng đi này không chỉ đẩy Trung Quốc lún sâu vào cuộc đối đầu với Mỹ mà còn xung đột trực tiếp với các nước trong khu vực.

Tham vọng kiểm soát biển Đông của Trung Quốc thể hiện ở hai lĩnh vực đánh bắt cá và khai thác năng lượng. Mới nhất, hôm 1-5, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cấm đánh cá mùa hè nhiều vùng biển, gồm biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và toàn bộ vùng biển kéo dài đến 12 độ vĩ Bắc của biển Đông.

Trước đó, hôm 1-4, lực lượng tuần duyên Trung Quốc còn phát động chiến dịch mang tên "Biển Xanh 2020" kéo dài 8 tháng, với mục đích "trấn áp các sai phạm trong thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi" cũng như hoạt động xây dựng hàng hải và ven biển.

Ngoài lực lượng tuần duyên, các bộ giao thông và tài nguyên môi trường của Trung Quốc cũng tham gia. Bắc Kinh cho đến nay chỉ trấn áp ở phạm vi trong nước nhưng các nhà ngoại giao và chuyên gia trong khu vực tin rằng động thái mới nhất hôm 1-4 có thể được mở rộng ở biển Đông.

Những hành động lấn lướt của Trung Quốc được một nhà ngoại giao châu Á tiết lộ là gây quan ngại cho quốc gia ông, nhất là khi nhiều quốc gia khác (bao gồm Mỹ) đang chật vật chiến đấu với Covid-19.

Một nhà ngoại giao thuộc khối ASEAN cũng nhận định: "Có quá ít thông tin về chiến dịch Biển Xanh 2020 của Trung Quốc, chúng tôi đang theo dõi sát sao để xem biển Đông bị ảnh hưởng như thế nào".

Mục tiêu sâu xa của Trung Quốc, theo giới quan sát, không gì ngoài áp đặt yêu sách chủ quyền của họ ở biển Đông. Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Singapore), bình luận: "Trung Quốc dường như đã vượt ra khỏi trọng tâm chính là xây dựng các thực thể trên biển và hiện thúc đẩy các hoạt động liên ngành với sự tham gia của nhiều cơ quan trong nước. Đây là khía cạnh mà các nước ASEAN khác vẫn còn yếu".

Bị Trung Quốc chĩa mũi dùi trong những tháng vừa qua là Malaysia, sau khi Malaysia nỗ lực thăm dò năng lượng trong khu vực. Trung Quốc phản ứng bằng cách triển khai tàu nghiên cứu Hải Dương Địa chất 8 cùng tàu tuần duyên bám đuổi tàu thăm dò Malaysia ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình song nhấn mạnh Kuala Lumpur kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại