Tranh cãi 'điểm mù' của tình báo Hàn Quốc sau nghi vấn về sức khỏe Chủ tịch Triều Tiên

Minh Đức |

Sự vắng mặt bất thường của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã làm dấy lên những tin đồn về tình hình sức khỏe của ông, cũng như việc nó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tương lai của quốc gia châu Á.

Tuy nhiên, theo AP, có một câu hỏi cơ bản mà cả truyền thông và các cơ quan tình báo quốc gia vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời thuyết phục là, liệu những tin đồn trên có đúng sự thật hay không?

Thông tin chính xác về sức khỏe ông Kim có ý nghĩa quan trọng bởi nó có thể quyết định sự ổn định của chính quyền Bình Nhưỡng, cũng như đảm bảo an ninh cho kho vũ khí hạt nhân mà đất nước này không ít lần từng đem ra đe dọa các láng giềng và cả Mỹ.

Đây cũng là một vấn đề mà các quốc gia bên ngoài đang phải đối mặt trong nhiều thập kỷ. Thu thập thông tin tình báo về đất nước bí ẩn và tách biệt bậc nhất thế giới như Triều Tiên, luôn là một thách thức. Và trong số những thông tin mà Triều Tiên quyết tâm giữ kín nhất hiện giờ, chắc chắn bao gồm sức khỏe của Chủ tịch Kim Jong-un.

Tranh cãi điểm mù của tình báo Hàn Quốc sau nghi vấn về sức khỏe Chủ tịch Triều Tiên - Ảnh 1.

Chủ tịch Kim Jong-un tham dự một buổi hòa nhạc chào mừng Tết Nguyên đán 2020 (ảnh: KCNA)

Mặc dù nguyên nhân chủ chốt cho tình trạng thiếu thông tin tình báo về Triều Tiên là do đất nước này cực kỳ "kín đáo"; tuy nhiên, cùng lúc, những nỗ lực tìm kiếm thông tin của Hàn Quốc cũng vấp phải không ít chỉ trích.

Theo những người ủng hộ chính sách tăng cường kết nối hai miền Triều Tiên của chính phủ hiện tại Hàn Quốc, dưới thời các chính quyền bảo thủ trước đây, hoạt động trao đổi ngoại giao, chính phủ và doanh nghiệp giữa hai miền Triều Tiên bị ngưng trệ. Điều này đã tác động lớn tới khả năng Hàn Quốc có được những nguồn tin tình báo giá trị từ về Triều Tiên.

Tuy nhiên, những người theo trường phái bảo thủ lại chỉ trích phe tự do cố tình thu hẹp quy mô các chiến dịch tình báo khi theo đuổi mục tiêu hàn gắn hai miền. Họ cho rằng, sẽ rất khó khăn để tái xây dựng những mạng lưới tình báo như vậy.

Cho tới thời điểm hiện tại, chính phủ Hàn Quốc liên tục bày tỏ sự nghi ngờ trước thông tin ông Kim đang trong tình trạng nguy kịch sau một cuộc phẫu thuật tim mạch. Seoul khẳng định không phát hiện ra hoạt động bất thường nào hay động thái chuẩn bị gì từ Đảng Lao động cầm quyền, quân đội hay nội các tại Triều Tiên. "Lập trường của chính phủ chúng tôi rất chắc chắn", ông Moon Chung-in, một cố vấn đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với CNN hôm chủ nhật (26/4). "Ông Kim Jong-un vẫn sống và khỏe mạnh. Ông ấy ở khu vực Wonsan từ ngày 13/4".

Mặc dù vậy, một số chuyên gia nhận định, Hàn Quốc cũng như các láng giềng và đồng minh của Washington trong khu vực, cần phải chuẩn bị cho tình huống bất ổn cao có thể diễn ra trong trường hợp sức khỏe ông Kim có chuyển biến xấu.

Các kịch bản xấu nhất bao gồm làn sóng người tị nạn tràn sang Hàn Quốc hoặc Trung Quốc; hay vũ khí hạt nhân không được kiểm soát… Tuy nhiên, theo ông Nam Sung-wook, một chuyên gia về Triều Tiên tại Seoul, chuẩn bị và lên kế hoạch trước đóng vai trò quan trọng bởi vì không ai biết điều gì đang thực sự xảy ra tại Triều Tiên. Ông cũng miêu tả tình huống hiện tại là "gót chân Achilles của chính trị quốc tế ở Đông bắc Á".

"Thay vì chỉ nói là ông ấy khỏe… chính phủ Hàn Quốc nên chuẩn bị cho nhiều kịch bản hỗn loạn khác nhau", ông Nam, cựu giám đốc của một tổ chức tư vấn từng làm việc với cơ quan tình báo Hàn Quốc chỉ ra. "Ông ấy có thể rất ổn và sẽ tái xuất trên truyền thông Triều Tiên, nhưng nhìn vào cân nặng và hình thể của ông ấy, nguy cơ đối với sức khỏe sẽ ngày càng gia tăng khi ông ấy già đi". Chủ tịch Kim Jong-un được cho là bị quá cân, hút nhiều thuốc và cũng có một số vấn đề về sức khỏe.

Những đồn đoán về sức khỏe của ông Kim bùng phát sau khi ông vắng mặt trong buổi lễ kỷ niệm ngày sinh nhất cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Il-sung hôm 15/4. Lần gần đây nhất ông xuất hiện trước công chúng là vào ngày 11/3 khi chủ trì một cuộc họp về phòng chống COVID-19 và bầu em gái, bà Kim Yo-jong vào Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên. Kể từ đó, truyền thông chính thống Triều Tiên vẫn đưa tin về một số hoạt động của ông Kim như ngỏ lời cám ơn công nhân, gửi điện chúc mừng tới các tổng thống Syria, Cuba và Nam Phi; tuy nhiên, hầu như không có hình ảnh mới nào của ông được đăng tải.

Theo ông Du Heyogn Cha, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan tại Seoul, nguồn tin tình báo Hàn Quốc kết hợp với thông tin trên báo giới Triều Tiên cho thấy, Chủ tịch Kim có thể gặp vấn đề nào đó về sức khỏe nhưng gần như chắc chắn là không ảnh hưởng tới tính mạng.

Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ lại có thể đến từ tính chất của tình báo Hàn Quốc. "Thậm chí sau nhiều thập kỷ hoạt động, Hàn Quốc vẫn chưa xây dựng được một mạng lưới tình báo đáng tin cậy để thu thập thông tin về Triều Tiên", ông Cha, một cựu cố vấn tình báo dưới thời Tổng thống Lee Myung-back đánh giá. "Rõ ràng chính phủ có một số mức độ thông tin về Triều Tiên nhưng không đủ để đưa ra một tuyên bố tự tin về nơi ở hiện tại của ông Kim và liệu ông ấy có hoàn toàn khỏe mạnh hay không".

Việc tìm ra điều gì đang xảy đến với Chủ tịch Kim là rất quan trọng bởi tình huống xấu có thể dẫn tới một quá trình đưa ra quyết định phức tạp, thậm chí nhiều khả năng khiến những người theo phe cứng rắn trỗi dậy.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho hay, họ không thể xác nhận có phải ông Kim đã phẫu thuật hay không. Nếu ông Kim vẫn khỏe mạnh, sau đó tái xuất trên truyền thông tham gia giám sát một cuộc thử nghiệm vũ khí hoặc một lễ kỷ niệm nào đó, thì ông cũng sẽ giống như một số nhà lãnh đạo Triều Tiên khác từng bị truyền thông bên ngoài đưa tin sai lệch.

"Ông Kim Il-sung bị bắn chết" có lẽ là tiêu đề báo nổi tiếng nhất của lịch sử Hàn Quốc trong 3 thập kỷ trở lại đây. Câu chuyện đăng tải trên tờ Chosun Ilbo vào năm 1986 thậm chí còn nhận được sự hậu thuẫn từ một thông cáo của quân đội Hàn Quốc rằng, Triều Tiên đã công bố di chúc của nhà sáng lập đất nước trên hệ thống loa phát dọc biên giới. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi bài báo xuất bản, ông Kim Il-sung lại xuất hiện tại sân bay Bình Nhưỡng để đón chào một phái đoàn đến từ Mông Cổ.

Còn theo một cựu thư ký tổng thống Hàn Quốc, ông Cheon Seong Whun, một vấn đề lớn nữa là, trong nhiều thập kỷ qua Hàn Quốc vẫn chưa thực sự nắm được các thông tin về nơi ở và sức khỏe giới lãnh đạo Triều Tiên. "Bất kỳ ai nói rằng họ biết chắc chắn về điều gì đó, hóa ra cũng chỉ là đang viết tiểu thuyết mà thôi", ông Cheon kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại