Lập đường dây nóng tiếp nhận tố giác sai phạm trong chi tiền hỗ trợ người dân

Văn Kiên |

Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn yêu cầu công khai niêm yết danh sách các trường hợp được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát. Đồng thời, công khai số điện thoại, hòm thư để tiếp nhận tố giác các vi phạm.

Tại cuộc họp chiều 27/4 về triển khai giám sát gói hỗ trợ an sinh xã hội, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng.

“Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh”, ông Mẫn nói và nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định.

Từ đó, ông Mẫn lưu ý, khi triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội phải chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ.

Đồng thời công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.

“Ở Mặt trận Trung ương, tôi yêu cầu công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân”, ông Mẫn nói và yêu cầu không để sảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện.

Lập đường dây nóng tiếp nhận tố giác sai phạm trong chi tiền hỗ trợ người dân - Ảnh 1.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Theo dự thảo hướng dẫn việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đối với lao động tự do, tập trung giám sát việc lập danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ và việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.

Hồ sơ giám sát gồm: Bản khai hoặc đơn xin trợ cấp (theo mẫu) của người lao động xin trợ cấp; Danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ do Thôn trưởng, Trưởng khu phố lập, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn và được niêm yết công khai trong 5 ngày làm việc tại các Nhà văn hóa thôn, khu phố và trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn...

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định quy định thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Đây là cơ sở cho việc thực hiện hỗ trợ cho hơn 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng do dịch. Theo quyết định, thời gian thực hiện quyết hỗ trợ cho nhóm đối tượng chỉ kéo dài tối đa 10 ngày.

Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (gọi tắt là lao động tự do), làm một trong những công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động…, mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/ tháng.

Đối với nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Nhóm hỗ trợ hộ kinh doanh là 1 triệu đồng/hộ/tháng.

Nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hỗ trợ theo quy định là 1 triệu đồng/người/tháng.

Lập đường dây nóng tiếp nhận tố giác sai phạm trong chi tiền hỗ trợ người dân - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại