Chuyện 'bây giờ mới kể' những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch

Ngô Tùng |

Nhận tin người thân ra đi, con gái sinh nở… nhưng không thể kề cận bên gia đình để lo liệu, chia sớt. Cả niềm vui ngày sinh nhật cũng chỉ gói gọn cùng đồng nghiệp ngay tại khu điều trị cách ly. Người “chiến sỹ” áo trắng đau lắm, nhưng chấp nhận ở lại tuyến đầu để tiếp tục hành trình “chống dịch như chống giặc”.

Buồn vui ngày xuất viện

Gần một tháng qua, tất cả các y bác sỹ khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đều túc trực tại khu vực giới hạn của bệnh viện để điều trị, chăm sóc các ca nhiễm COVID-19. 

Đó cũng là quãng thời gian các thầy thuốc này đương đầu với những rủi ro, cực nhọc khi từng ngày từng giờ nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân.

Và rồi những tín hiệu tốt đẹp lần lượt đến với các y bác sỹ khi 7 bệnh nhân ở đây đã cho kết quả âm tính lần 3 với virus SARS-CoV-2.

Sáng ngày 3/4 là thời khắc vui mừng khi 7 bệnh nhân này đã đủ điều kiện sức khỏe theo tiêu chuẩn Bộ Y tế để ra viện, dù còn phải tiếp tục theo dõi cách ly thêm 14 nữa theo quy định.

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Trong ngày xuất viện, bệnh nhân 34 tặng hoa tri ân đội ngũ thầy thuốc ở khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận đã hết lòng chữa trị các bệnh nhân những ngày qua - Ảnh: BS. Dương Thị Lợi

Đêm trước ngày các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và xuất viện, bác sỹ CK1 Dương Thị Lợi, Trưởng khoa Truyền nhiễm - bộc bạch: “Cả khoa không ai ngủ được, chỉ mong trời mau sáng để nhìn thấy các bệnh nhân xuất viện. Không những họ mong được xuất viện mà những thầy thuốc chúng tôi cũng mong ngóng điều này”.

Sáng 3/4, bác sỹ Lợi vào khám bệnh đánh giá lại sức khoẻ các bệnh nhân lần cuối. Các bệnh nhân lúc này vui mừng hớn hở khiến BS. Lợi cũng hân hoan theo, bởi vị bác sỹ trưởng khoa biết công sức chống dịch của đội ngũ thầy thuốc nơi tuyến đầu đã được đền đáp xứng đáng, sau biết bao nỗ lực, căng thẳng, buồn vui trải qua suốt hơn 20 ngày trời... Đó còn là nỗ lực, công sức của cả tỉnh Bình Thuận.

“Nhưng rồi cũng thấy thương các bệnh nhân còn lại chưa được xuất viện, nhất là một người tuổi cao có bệnh nền tăng huyết áp, lại một mình ở lại khu dương tính. Anh chị em chúng tôi cố gắng gần gũi an ủi mãi bà mới yên tâm”, BS. Dương Thị Lợi nói.

Ngày ra viện, tại chính nơi điều trị cách ly của bệnh viện, nữ bệnh nhân 34 (nguồn lây lan cho 8 bệnh nhân khác) tặng lẵng hoa, gửi lời cám ơn đến tập thể y bác sỹ đã trực tiếp cứu chữa, chăm sóc cho các bệnh nhân.

Lúc này, những nụ cười có lẽ đã tươi tắn, ấm áp nhất với cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân, dù chỉ ẩn đằng sau lớp khẩu trang y tế.

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Suốt những ngày chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, tập thể y bác sỹ khoa Truyền nhiễm BVĐK Bình Thuận đều ở lại khoa để giữ an toàn cho người nhà và cộng đồng - Ảnh: Ngô Tùng

Thổn thức những hy sinh…

Ngày các bệnh nhân ra viện (một trường hợp có nguyện vọng ở lại để chăm sóc con trai cũng đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện) cũng là lúc BS. Dương Thị Lợi chia sẻ một câu chuyện chị đã kìm nén những ngày trước.

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Liên vui buồn lẫn lộn ngày các bệnh nhân mắc COVID-19 xuất viện

Trước đó ít ngày, chưa vui mừng bao lâu với kết quả âm tính lần đầu của 7 bệnh nhân COVID-19, BS. Lợi lặng người khi nghe đồng nghiệp trong khoa cho hay mẹ của một điều dưỡng vừa mất. Người điều dưỡng vừa mất mẹ là chị Nguyễn Thị Liên.

“Tôi choàng tay qua vai Liên, người tôi đông cứng. Biết nói gì đây bây giờ. Lau nước mắt cho Liên mà cổ họng tôi đắng ngắt”, bác sỹ Lợi chia sẻ. Đau lòng khôn xiết nhưng chị cũng động viên đồng nghiệp: “Bình tĩnh đi Liên, để mẹ ra đi thanh thản”.

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 4.

Chị Liên những ngày cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ chống dịch ở khoa - Ảnh: BS. Dương Thị Lợi

Kể từ ngày đón bệnh nhân đầu tiên vào điều trị COVID-19 (ngày 9/3), tập thể mười mấy con người ở khoa Truyền nhiễm xác định mình thuộc diện nguy cơ cao với dịch bệnh nên luôn sát cánh “tự cách ly” cùng nhau ở lại khoa để làm nhiệm vụ. Chuyện con cái, gia đình phải đành chịu xa vắng một thời gian.

Trong nỗi đau xót vì không thể nhìn mặt mẹ lần cuối, điều dưỡng Nguyễn Thị Liên nuốt nước mắt vào trong quyết định tiếp tục ở lại bệnh viện. Hơn ai hết, chị biết rõ tình trạng của mình và trách nhiệm đối với những người thân yêu và cả cộng đồng. Ở nhà, gia đình đã chuẩn bị cho chị vành khăn tang để chị về chịu tang mẹ sau.

Chia sẻ trong bài viết trên trang cá nhân mình, BS. Lợi cho hay, hơn 5 năm điều hành khoa Truyền nhiễm đủ để chị biết về hoàn cảnh từng nhân viên của mình. Trong đó, ba chị Liên qua đời khi mẹ chị đang mang thai đứa con trai út. Một mình mẹ chị Liên dầm mưa dãi nắng nuôi nấng 5 đứa con ăn học nên người…

Mẹ chị Liên nằm liệt giường hơn 5 năm nay sau một cơn bạo bệnh. Từ đó, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Liên tất bật hơn.

việc hay tan ca là chị vội vã về để chăm lo cho mẹ. “Ở khoa ai cũng thương mến Liên. Tôi còn quý Liên bởi ở Liên lòng yêu nghề như không bao giờ cạn. Chị sống chất phác, lắm lúc chất phác đến ngây ngô”, bác sỹ Lợi chia sẻ.

Trong những ngày đội ngũ y tế tỉnh Bình Thuận còn đang căng thẳng với 9 ca mắc COVID-19, Bác sỹ trưởng khoa Truyền nhiễm Dương Thị Lợi không khỏi lo lắng khi thấy hai điều dưỡng dìu nhân viên hộ lý tên Ngãi vào phòng nghỉ trong tâm trạng hốt hoảng. Nữ hộ lý khóc nghẹn với bác sỹ Lợi: “Con em đang chuyển dạ bác ơi...”.

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 6.

Chị Ngãi trong lúc làm việc tại khoa Truyền nhiễm - Ảnh: BS. Dương Thị Lợi

BS. Lợi lau nước mắt và ôm chặt chị Ngãi vào lòng, khoé mắt cay cay. Bằng trách nhiệm của mình, BS. Lợi an ủi đồng nghiệp và gửi gắm để các thầy thuốc ở khoa Sản hỗ trợ thêm.

Theo BS. Lợi, chồng chị Ngãi qua đời nhiều năm nay, một thân một mình chị Ngãi dành dụm đồng lương ít ỏi để nuôi hai con ăn học. Đến lúc con gái vượt cạn thì lại không có mẹ kề cận chăm lo vì chị đang phải cùng đồng nghiệp làm nhiệm vụ chống dịch.

“Sau đó đồng nghiệp báo tin chúc mừng mẹ tròn con vuông. Ai nấy đều vỡ oà, vui mừng không tả xiết. Bà ngoại trẻ rạng ngời trong niềm hân hoan chung vui của đồng nghiệp”, BS. Lợi chia sẻ.

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 7.

Tập thể khoa chung vui trong ngày sinh nhật của một điều dưỡng - Ảnh: BS. Dương Thị Lợi

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 8.

Cán bộ, nhân viên khoa tập luyện thể dục những ngày căng mình chống dịch - Ảnh: BS. Dương Thị Lợi

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 9.

Dù nguy nan, khó khăn, các thầy thuốc vẫn kiên cường, quyết tâm sát cánh cùng nhau để chiến thắng dịch bệnh

Vinh danh những người tuyến đầu chống dịch

Ngày 3/4, ngay trong ngày Bình Thuận vui mừng công bố 7 ca bệnh COVID-19 đủ điều kiện xuất viện, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã đến thăm, tặng Bằng khen cho 30 tập thể và cá nhân đã có đóng góp tiêu biểu trong những ngày tỉnh nhà căng mình chống dịch COVID-19. Đây là những y bác sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Bình tỉnh…

Chuyện bây giờ mới kể những hy sinh thầm lặng của thầy thuốc tuyến đầu chống dịch - Ảnh 12.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại