Kịch bản nào cho 'cú sốc' kinh tế Covid-19?

Vi Quang - Đồ họa Việt hóa: Bảo Linh |

Kinh tế thế giới sẽ trải qua 'cú sốc' của đại dịch Covid-19 theo mô hình chữ V, chữ U hay chữ L vẫn là điều rất khó tiên liệu vào lúc này.

Khi coronavirus tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt trên khắp thế giới, chính phủ các nước đã chuyển sang thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng như cách ly hay phong tỏa toàn xã hội để phá vỡ sự lây nhiễm về mặt vật lý.

Tuy nhiên, điều này lại cắt đứt dòng chảy lưu thông của hàng hoá và con người, nền kinh tế trở nên đình trệ và quá trình suy thoái kinh tế toàn cầu đã bắt đầu diễn ra. Sự ảnh hưởng kinh tế hiện đang lây lan nhanh như chính dịch bệnh này.

Mới vài tuần trước đây thôi, điều này thậm chí nghe bất hợp lý. Khi virus bắt đầu lây lan, mặc dù có rất nhiều bài học từ lịch sử, các chính trị gia, các nhà hoạt động chính sách và bản thân thị trường chỉ đứng nhìn mà không thực hiện các biện pháp cách ly xã hội vừa kịp thời, vừa hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Giờ đây, khi bệnh tật càng trầm trọng hơn, tổn thất kinh tế trở nên lớn hơn rất nhiều và việc dự đoán những gì đang ở phía trước là điều gần như không thể, bởi vì nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng chưa hề có tiền lệ.

Trong địa hạt còn quá mới mẻ này, việc cố gắng định nghĩa một cuộc suy thoái toàn cầu không làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng hơn.

Ngoài kỳ vọng tăng trưởng âm, các câu hỏi nhức nhối bao gồm lộ trình suy thoái và phục hồi, các nền kinh tế liệu có thể quay trở lại mức sản lượng và tốc độ tăng trưởng trước cú sốc hay không, và liệu sẽ có bất kỳ di chứng nào đối với cấu trúc kinh tế từ cuộc khủng hoảng coronavirus hay không.

Triển vọng tăm tối, tầm nhìn không rõ ràng

Khoảng thời gian để cách ly xã hội - cách duy nhất trong thời điểm hiện tại có thể giải quyết hiệu quả căn bệnh - là rất ngắn. Tỉnh Hồ Bắc đã bỏ lỡ nhưng phần còn lại của Trung Quốc đã nhanh chóng đảm bảo khung thời gian này. Italy và châu Âu cũng không hành động kịp thời.

Mỹ vẫn bị hạn chế bởi sự chậm chạp và thiếu thốn trong khả năng tiến hành xét nghiệm. Khi số ca bệnh tăng nhanh, các biện pháp cách ly xã hội sẽ phải được ban hành rộng hơn và lâu hơn để đạt được hiệu quả, và như thế quá trình này sẽ bóp nghẹt hoạt động kinh tế.

Kịch bản nào cho cú sốc kinh tế Covid-19? - Ảnh 1.

Ngoài ra, một mối đe doạ lơ lửng khác vẫn tồn tại. Đó là khả năng xuất hiện một làn sóng lây nhiễm khác, có nghĩa là ngay cả những quốc gia, vùng lãnh thổ hành động tương đối nhanh vẫn có thể gặp phải nguy cơ khi họ từ từ thúc đẩy nền kinh tế hoạt động trở lại.

Ví dụ virus đã lại bùng phát lại ở Singapore và Hong Kong. Chỉ rất lâu sau này ta mới biết liệu các phản ứng sớm và tích cực của họ sẽ được đền đáp một cách có hiệu quả hay không.

Hiện tại, triển vọng kinh tế cho các quốc gia hành động chậm trễ có vẻ ảm đạm, vì các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính đã mất cảnh giác. Những gì đã xảy ra trong bốn tuần qua không nằm trong tính toán rủi ro của họ.

Các dự báo kinh tế không có nhiều tác dụng trong trường hợp này. Ví dụ, các chuyên gia nhất trí ước tính số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp ban đầu ở Mỹ là khoảng 5,25 triệu người trong tuần vừa qua, nhưng con số này cuối cùng được tuyên bố lên tới 6,65 triệu - một con số chưa từng có trong lịch sử, cao gấp đôi tuần trước đó và lớn gấp nhiều lần so với mức tăng hàng tuần lớn nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các dự báo số liệu nổi tiếng là không đáng tin cậy, ngay cả vào những thời điểm hoàn toàn thuận lợi. Giờ đây, chúng trở nên đặc biệt mơ hồ, thiếu minh bạch vì đơn giản có quá nhiều khía cạnh chúng ta không thể biết:

- Các đặc tính virus chưa được nắm bắt đầy đủ và có thể liên tục biến đổi.

- Vai trò lây nhiễm của bệnh nhân không có triệu chứng vẫn chưa được hiểu rõ.

- Do đó, tỷ lệ nhiễm bệnh và miễn dịch thực sự là không rõ ràng và chắc chắn, đặc biệt là khi không đủ mẫu xét nghiệm.

- Các chính sách đối phó sẽ không đồng đều, thường bị trì hoãn và sẽ có những bước đi sai lầm.

- Phản ứng của các công ty và hộ gia đình là không dứt khoát.

Có lẽ điều chắc chắn duy nhất vào lúc này là bất kỳ nỗ lực nào để đưa ra một dự báo dứt khoát sẽ thất bại. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng việc đối chiếu các kịch bản khác nhau vẫn sẽ có giá trị trong thời điểm này.

Đi tìm mô hình của cú sốc

Khái niệm suy thoái chỉ có hai hướng, hoặc thế này – hoặc thế kia. Tất cả những gì thuộc về khái niệm này đưa ra là kỳ vọng kinh tế đã chuyển từ tăng trưởng tích cực sang tăng trưởng âm, ít nhất là trong hai quý liên tiếp.

Chúng tôi nghĩ rằng câu hỏi lớn hơn và kịch bản đầy đủ hơn xoay quanh hình dạng của cú sốc - cái mà chúng tôi gọi là “hình học sốc” - và di sản cấu trúc của nó. Điều gì thúc đẩy quỹ đạo tác động kinh tế của một cú sốc, và Covid-19 nằm ở đâu trong đó?

Để minh họa, hãy xem xét cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây sốc như thế nào, dẫn đến suy thoái rồi những tiến bộ và sự phục hồi khác nhau ở ba quốc gia.

Kịch bản nào cho cú sốc kinh tế Covid-19? - Ảnh 2.

Hình chữ V

Năm 2008, Canada đã tránh được một cuộc khủng hoảng ngân hàng: Tín dụng tiếp tục lưu thông và việc hình thành vốn không bị gián đoạn đáng kể. Việc tránh được sự sụp đổ sâu hơn giúp giữ lao động tại chỗ và ngăn ngừa hao mòn tay nghề.

GDP giảm nhưng về cơ bản đã vượt lên trở lại theo hướng trước khủng hoảng. Đây là điển hình của một cú sốc hình chữ V cổ điển, trong đó đầu ra bị dịch chuyển nhưng cuối cùng sự tăng trưởng trở lại con đường cũ.

Hình chữ U

Mỹ lại khác biệt rõ rệt. Tăng trưởng giảm nhanh chóng và không bao giờ hồi phục trở lại mức trước khủng hoảng. Ở đây, chúng ta lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng được phục hồi (độ dốc là như nhau), nhưng khoảng cách giữa đường cũ và đường mới vẫn còn lớn, thể hiện thiệt hại chỉ xảy ra một một lần đối với nguồn cung, và tổn thất sản lượng vô thời hạn.

Điều này được thúc đẩy bởi một cuộc khủng hoảng ngân hàng sâu sắc phá vỡ trung gian tín dụng. Khi suy thoái kéo dài, nó đã gây thiệt hại nhiều hơn cho nguồn cung lao động và năng suất. Mỹ năm 2008 là một hình chữ U cổ điển - một phiên bản tai hại, hao tiền tốn của hơn nhiều so với hình chữ V của Canada.

Hình chữ L

Hy Lạp là ví dụ thứ ba và cho đến nay là hình dạng tồi tệ nhất. Quốc gia này không những chưa bao giờ phục hồi quay trở lại mức trước khủng hoảng, mà tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục giảm. Khoảng cách giữa đường hướng cũ và mới đang mở rộng, tổn thất sản lượng liên tục tăng lên.

Điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng đã để lại thiệt hại cơ cấu lâu dài cho nguồn cung. Đầu vào vốn, đầu vào lao động và năng suất liên tục bị tổn hại. Hy Lạp có thể được coi là một ví dụ về hình chữ L, cho đến nay là hình dạng nguy hiểm nhất.

Vậy những yếu tố nào gây ra các “hình học sốc” như đã nêu ở trên? Yếu tố quyết định chính là việc cú sốc có khả năng gây tổn thương một bên nguồn cung của nền kinh tế, và cụ thể hơn là hình thành vốn.

Khi trung gian tín dụng bị gián đoạn và vốn cổ phần không tăng, phục hồi chậm, công nhân bị buộc rời khỏi lực lượng lao động, kỹ năng bị mất, năng suất giảm. Cú sốc trở thành cấu trúc kinh tế.

Các cú sốc V, U, L có thể xuất hiện ở các cường độ khác nhau. Một con đường hình chữ V có thể nông hoặc sâu. Một hình chữ U có thể đi sâu vào làm suy giảm một hướng tăng trưởng mới.

Cú sốc do coronavirus gây nên thì sao? Cường độ của cú sốc này sẽ được xác định bởi các đặc tính virus tiềm ẩn, chính sách phản ứng, cũng như hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp khi đối mặt với nghịch cảnh.

Nhưng hình dạng của cú sốc được xác định bởi khả năng gây thiệt hại cho nguồn cung cấp, đặc biệt là sự hình thành vốn. Tại thời điểm này, cả hình chữ V sâu và chữ U đều hợp lý. Trận chiến phía trước sẽ là để ngăn chặn một quỹ đạo U rõ ràng.

Hiểu các cơ chế thiệt hại

Hãy giữ cơ chế “hình học sốc” nêu trên trong đầu, nó sẽ dẫn đến hai câu hỏi về cú sốc Covid-19:

- Cơ chế thiệt hại cho phía cung cấp là gì?

- Các chính sách phản ứng nào để ngăn chặn thiệt hại như vậy?

Theo lối cổ điển, khủng hoảng tài chính làm tê liệt một bên cung cấp của nền kinh tế. Trong lịch sử có rất nhiều cuộc khủng hoảng như vậy và các nhà hoạch định chính sách đã học được nhiều điều về cách đối phó với chúng.

Nhưng coronavirus mở rộng vấn đề thanh khoản và vốn cho nền kinh tế thực và ở quy mô chưa từng có. Mặc dù rủi ro đi đôi giữa cú sốc thanh khoản tài chính và thanh khoản thực sự chưa đủ đạt tới tầm, nhưng chúng cũng liên quan đến nhau, làm tăng nguy cơ rủi ro.

Hãy cùng xem chi tiết hơn về hai đường dẫn mà Covid-19 có thể tạo ra thiệt hại cấu trúc trong kịch bản hình chữ U:

Rủi ro hệ thống tài chính. Cú sốc Covid-19 chưa từng có đã tạo ra căng thẳng trên thị trường vốn, gây phản ứng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương. Nếu vấn đề thanh khoản vẫn tồn tại và các vấn đề kinh tế thực sự dẫn đến việc bút toán giảm xuống, vấn đề về vốn có thể phát sinh. Mặc dù từ góc độ chính sách, chúng ta có một số các giải pháp.

Tuy nhiên, việc cứu trợ và tái cấp vốn của các ngân hàng đang gây tranh cãi về mặt chính trị. Trong trường hợp khủng hoảng tài chính, việc hình thành vốn sẽ gây ảnh hưởng lớn, dẫn đến sự sụt giảm kéo dài với thiệt hại về lao động và năng suất.

Sự “đóng băng” nền kinh tế bị mở rộng. Khả năng này thực sự chưa từng xảy ra. Thời gian dài của cách ly xã hội có thể phá vỡ sự hình thành vốn và cuối cùng là sự tham gia sản xuất của lực lượng lao động và tăng trưởng năng suất.

Không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính, sự đóng băng kéo dài với cường độ này sẽ gây tổn hại cho bên cung và sẽ là thử thách mới cho các nhà hoạch định chính sách.

Kịch bản nào cho cú sốc kinh tế Covid-19? - Ảnh 3.

Rủi ro kinh tế tài chính và kinh tế thực sự có liên quan đến nhau theo hai cách: Thứ nhất, một cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài có thể thúc đẩy số vụ phá sản trong nền kinh tế thực sự, khiến hệ thống tài chính càng khó quản lý. Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ làm "chết đói" nền tín dụng.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 có những rủi ro và mối đe doạ đặc biệt. Mặc dù có những công thức về chính sách để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng không phải để áp dụng cho một nền kinh tế thực sự bị đóng băng quy mô lớn. Không có cách chữa trị nào cho các vấn đề thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế thực.

Kích thích sáng tạo đổi mới từ cú sốc

Điều quan trọng cần nhận ra là không có kịch bản sốc nào được nêu ở trên sẽ diễn ra theo cách không thể tránh khỏi, theo một trật tự nào đó hoặc đồng nhất giữa các nước và khu vực.

Các quốc gia sẽ có những trải nghiệm khác nhau đáng kể vì hai lý do: Khả năng phục hồi cấu trúc của các nền kinh tế để thích ứng với những cú sốc như vậy và năng lực của các nhà nghiên cứu y tế và các nhà hoạch định chính sách để đối phó với những thách thức mới chưa từng có.

Họ có thể tạo ra những biện pháp can thiệp mới lạ, với tốc độ chưa từng thấy, sẽ phá vỡ sự lựa chọn đánh đổi giữa mạng sống con người và khốn khổ kinh tế?

Về mặt y tế: Rõ ràng là một loại vắc-xin sẽ làm thuyên giảm việc phải tiến hành cách ly xã hội và tiếp đó làm giảm bớt sự bế tắc của chính sách kinh tế toàn cầu. Nhưng các mốc thời gian cho việc này có thể kéo dài, và do đó, phải đặt trọng tâm vào sự đổi mới gia tăng từ từ, chậm rãi trong giới hạn của các giải pháp hiện có.

Có thể rõ ràng nhìn thấy được các ví dụ về sự đổi mới như vậy trong toàn bộ lĩnh vực y tế: về mặt điều trị, các phương pháp điều trị hiện tại có thể chứng minh hiệu quả trong việc chống lại căn bệnh này.

Vài chục phương pháp điều trị khác đang được kiểm nghiệm, đánh giá. Mặt khác, sự đổi mới về tổ chức sẽ rất cần thiết để giải phóng năng lực và đáp ứng nhu cầu về nguồn lực, huy động tối đa các chuyên gia y tế, tái sử dụng không gian để điều trị và thay đổi cách xử lý chăm sóc y tế để ưu tiên cho khủng hoảng Covid- 19.

Về mặt kinh tế: Tại Mỹ, các chính trị gia đã thông qua gói kích thích trị giá 2.000 tỷ đôla để làm dịu cú đánh giáng xuống nền kinh tế của cuộc khủng hoảng coronavirus.

Nhưng đổi mới chính sách cũng vô cùng cần thiết. Ví dụ, các ngân hàng trung ương nên vận hành cái gọi là “khoảng thời gian giảm giá” để cung cấp nguồn tài chính ngắn hạn và không giới hạn, để đảm bảo các vấn đề thanh khoản không thể phá vỡ hệ thống ngân hàng.

Những gì cần thiết bây giờ, ngay hôm nay, là một khoảng thời gian giảm giá kinh tế thực tế, có thể cung cấp thanh khoản không giới hạn cho các hộ gia đình và công ty một cách tốt nhất.

Nhiều ý tưởng mới rất đáng giá đang nổi lên trong bối cảnh chính sách hiện nay. Trong số đó có các khoản cho vay bắc cầu ngắn hạn, cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các hộ gia đình và các công ty trong suốt thời gian khủng hoảng và thời gian trả nợ rộng rãi.

Hay một lệnh hoãn trả nợ cho các cá nhân trong thị trường nhà đất và và mặt bằng thương mại. Hoặc sử dụng các cơ quan quản lý ngân hàng để chống đỡ giúp các ngân hàng cung cấp tài chính và chỉnh sửa các điều khoản về các khoản vay hiện có.

Đổi mới chính sách như vậy có thể mang lại những tác động có ý nghĩa trong việc làm giảm bớt thiệt hại của virus đối với nguồn cung của nền kinh tế. Tuy nhiên, những biện pháp này cần phải được thực hiện nhanh nhẹn và hiệu quả.

Chúng tôi nghĩ rằng có cơ hội cho sự đổi mới để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế phình to thành hình chữ U, giữ cho đường dẫn sốc gần với hình chữ V sâu hơn so với những gì có thể. Trận chiến vẫn đang diễn ra, và nếu không có sự đổi mới này, không ai sẽ dám đặt cược vào kịch bản hình chữ V ít gây tổn hại hơn.

Kịch bản nào cho cú sốc kinh tế Covid-19? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại