Đại diện CGV: 'Đóng cửa rạp giống như sập nguồn hoàn toàn'

Châu Cao |

Tính đến thời điểm 25/3, đã có 185 cụm rạp đóng cửa trên cả nước (gần 90% so với tổng số rạp hiện có là 210 rạp), số cụm rạp đã đóng ước tính chiếm khoảng 91% doanh thu phòng vé. Con số này tương đương đã có gần 1.000 màn chiếu đóng trên cả nước.

Ngày 24-3, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi các sở, ngành và 24 quận, huyện về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn TP.

Theo đó, tạm dừng mọi hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP HCM kể từ 18 giờ ngày 24-3 đến hết ngày 31-3.

Một số nhà hàng, quán café có thể chuyển sang kinh doanh online, ship hàng tại nhà để gỡ doanh thu, tuy nhiên với một số loại hình kinh doanh khác, như rạp chiếu phim, quyết định của UBND TP.HCM sẽ đồng nghĩa với việc không có doanh thu nhưng chi phí vận hành vẫn phải trả.

Theo số liệu của Trí thức trẻ thu thập được, tổng doanh thu phòng vé trên cả nước (T3/2020 – tính đến ngày 25/3) chỉ bằng 20% so với cùng kì năm ngoái.

Cụ thể tháng 3/2020 doanh thu đạt 76 tỷ trong khi tháng 3/2019 doanh thu phòng vé cả nước đạt hơn 350 tỷ. Số lượng vé bán ra tháng 3/2020 cả nước (tính đến ngày 25/3) là 1 triệu lượt vé trong khi số lượng vé bán ra tháng 3 năm 2019 cả nước đạt gần 5 triệu lượt vé.

Tính đến thời điểm 25/3, đã có 185 cụm rạp đóng cửa trên cả nước (gần 90% so với tổng số rạp hiện có là 210 rạp).

Số cụm rạp đã đóng ước tính chiếm khoảng 91% doanh thu phòng vé cả nước. Con số này tương đương đã có gần 1.000 màn chiếu đóng trên cả nước (chiếm hơn 90% so với tổng màn chiếu cả nước là 1.096 màn).

Theo tính toán của một người trong ngành, dự đoán tháng 4, số lượng vé bán ra chỉ bằng 30% so với tháng 3 thậm chí bằng 0, do không có film chiếu, rạp đóng cửa do tâm lý e sợ đám đông và những quyết sách chiến lược của Chính phủ để cách ly cộng đồng nhằm hạn chế lây lan COVID-19.

Đại diện CGV: Đóng cửa rạp giống như sập nguồn hoàn toàn - Ảnh 1.

Trước thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện truyền thông của CGV về tình hình kinh doanh của các cụm rạp trên cả nước.

Theo ông Khánh, ở thời điểm hiện tại CGV đã phải dừng và đóng cửa 90% cụm rạp trên cả nước. Đối với các nhân viên partime làm bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu, còn với các nhân viên fulltime sẽ được chia ca luân phiên để vệ sinh cụm rạp (dù không có khách), xịt khử khuẩn, kiểm tra và sắp xếp lại hàng hóa..nói chung là những công việc hậu cần.

Điều này có nghĩa là ở thời điểm hiện tại CGV gần như không có doanh thu nhưng chi phí cố định vẫn phải chi. CGV vẫn còn khoảng dưới 10% cụm rạp còn hoạt động tại các tỉnh, nơi chưa bùng phát dịch như Yên Bái, Tiền Giang, Sóc Trăng nhưng tỷ trọng phân bổ doanh thu của các khu vực này rất thấp.

"HCM và Hà Nội chiếm 60-70% doanh thu của cả nước rồi", ông Khánh tiêt lộ.

Khi được hỏi tại sao CGV không thực hiện việc bán các phim trên online và thu phí hàng tháng hoặc thu phí từng phim như Netflix, ông Khánh cho biết việc này liên quan đến độc quyền của các studio.

CGV nhập phim từ các hãng như Paramount Pictures, Warner Bros., Walt Disney Pictures, 20th Century Fox... Các studio này không muốn chiếu các bộ phim do họ sản xuất, các bộ phim bom tấn lên online nên kể cả CGV muốn cũng không dịch chuyển được do ngành kinh doanh đặc thù. Với các bộ phim đã mua bản quyền và sắp chiếu như Fast&Furious 9 bắt buộc phải dời lại.

Nhận định về tình hình kinh doanh hiện tại ông Khánh cho biết ở thời điểm này gần như "sập nguồn hoàn toàn". Và nếu CGV không bán vé được thì sẽ không có doanh thu chi trả cho nhà sản xuất, kéo theo rất nhiều ekip sản xuất phim phía sau như đạo diễn, diễn viên…không nhận được thù lao.

Ngoài việc nhập phim từ nước ngoài và mua bản quyền một số phim trong nước, CGV cũng là nhà sản xuất một số bộ phim như Chị chị em em, Lật Mặt…

Chia sẻ về các đối tác, đại diện CGV cho biết, thời điểm này công ty nhận được sự hỗ trợ từ Vincom như miễn tiền thuê mặt bằng trong thời gian rạp đóng cửa (nhưng vẫn phải nộp tiền phí dịch vụ), với một số TTTM khác được giảm tiền thuê mặt bằng 20-30% trong tháng 2 và 3.

CGV mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ trong việc giãn thời gian nộp thuế VAT.

Ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký Tờ trình Chính phủ số 3540 về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Lãnh đạo Bộ cũng đã ký công văn số 3530 xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Trong Dự thảo hoàn thiện trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Trong đó có ngành "Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim".

Dự thảo Nghị định quy định các doanh nghiệp trong diện hỗ trợ sẽ được gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2020 (đối với trường hợp kê khai theo quý).

Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đồng thời, gia hạn 5 tháng thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN còn phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào Ngân sách Nhà nước và số thuế tạm nộp của quý 1, quý 2 năm 2020.

Từ những thay đổi về đối tượng tác động đã nâng gói hỗ trợ từ hơn 30.000 tỷ đồng lên hơn 80.000 tỷ đồng tiền hoãn, giãn nộp thuế.

Đại diện CGV: Đóng cửa rạp giống như sập nguồn hoàn toàn - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại