Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá "can đảm nhất" bị hãm hiếp và sát hại

Ngô Trà |

Eudy Simelane không phải là ngôi sao bóng đá nổi tiếng nhất Nam Phi, nhưng cô là người dũng cảm nhất khi liều lĩnh công khai giới tính. Để rồi rốt cuộc nhận cái kết thảm...

"Mẹ, đừng sang đây! Là Eudy thật rồi. Chúng giết chị ấy rồi!"


Một buổi sáng tháng Tư của 12 năm về trước, bà Mally Simelane rời căn nhà nằm ở thị trấn KwaThema thuộc ngoại ô Johannesburg (Nam Phi). Bà vẫn nghe văng vẳng tiếng TV vọng ra từ phòng của cô con gái Eudy. "Tốt rồi, vậy là con bé đang ở nhà", bà Mally nhủ thầm. Bà rảo bước qua được vài khu phố thì tiếng chuông điện thoại reo lên...

Là cú điện thoại của một người hàng xóm, bảo cần gặp bà để xin vài lời khuyên về việc thuốc thang.

Họ nói dối. Sự thật là cảnh sát đến nhà ngay sau khi bà rời khỏi, nhờ những người hàng xóm gọi cho bà để đưa bà lên đồn cảnh sát mà không hề nói lý do.

Bà Mally chẳng mấy ưa việc phải lên đồn cảnh sát, nhưng khi người hàng xóm nói rằng con trai bà đang gặp rắc rối, bà tất tả lên đồn với họ. Đích thân cảnh sát trưởng tiếp bà, và thông báo với vẻ mặt khá nghiêm trọng: "Cảm ơn bà đã tới. Tôi sợ là có tin dữ cho bà".

Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá can đảm nhất bị hãm hiếp và sát hại - Ảnh 1.

Bà Mally chả hiểu gì cả. Eudy thì đang ở nhà, và bà biết chính xác giờ này chồng và con trai mình đang ở đâu. Có thể là tin xấu gì được chứ?

Eudy Simelane chỉ vừa mới bước qua tuổi 31, và cô vừa có một kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ. Ngày thứ Hai, cô sẽ bắt đầu một công việc thực sự, lần đầu tiên trong đời. Cô được nhận vào làm chính thức cho một hãng luật ở Pretoria, với mức lương tháng đáng kể.

Sự thực là cô vẫn đã luôn làm việc, dù chỉ là công việc tình nguyện không lương để hỗ trợ những người nhiễm HIV, làm HLV, trọng tài bóng đá, và trên tất thảy là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Với công việc vừa nhận được, giờ đây cô có thể giúp đỡ gia đình mình. Tuần trước, bà Mally còn đưa con gái đến tận Pretoria để tận mắt chiêm ngưỡng văn phòng mới của cô.

"Cô ấy gọi điện cho tôi với giọng cực kỳ phấn khích", Balise - bạn của Eudy, kể lại. "Đấy là một thắng lợi lịch sử của tất cả chúng tôi - những người đồng tính. Một phụ nữ Nam Phi công khai mình là lesbian kiếm được cho mình một công việc thực sự. Điều đấy chưa từng có ở đất nước này".

Eudy Simelane là người phụ nữ đồng tính nổi tiếng nhất ở Nam Phi. Cô nổi tiếng vì là ngôi sao trong đội tuyển quốc gia bóng đá nữ Nam Phi. Cô cũng là người phụ nữ đầu tiên ở quốc gia này công khai việc mình thuộc về giới tính thứ ba. Cô là ngôi sao tầm quốc gia, và là niềm tự hào của hầu hết người dân KwaThema. Nhưng đáng tiếc, không phải là tất cả...

Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá can đảm nhất bị hãm hiếp và sát hại - Ảnh 2.

Ở một đất nước mà phụ nữ mặc định phải mặc váy, và nhiệm vụ chính của họ là nghe lời, thỏa mãn như cầu tình dục của chồng và sinh con, thì phong cách ngang tàng, thường xuyên mặc quần jeans và soóc, hút thuốc, uống bia và nói chuyện cao giọng của Eudy Simelane và bạn bè cô được coi là "cái gai" lớn trong mắt không ít gã đàn ông.

Trở lại với câu chuyện ở đồn cảnh sát, bà Mally bắt đầu cảm thấy bực mình, nhưng cũng đầy thấp thỏm:

"Đừng dền dứ vòng vo nữa. Nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra đi ông cảnh sát", bà cáu với ông cảnh sát trưởng.

"Con gái bà chết rồi", ông trả lời. "Nó tên là Judy có phải không?"

"Nó tên là Eudy, đánh vần là E-u-d-y, không phải là J-u-d-y".

"Đúng rồi. Là cô ấy. Eudy Simelane, cầu thủ đội tuyển quốc gia"

"Không thể là nó được", bà Mally khăng khăng. "Nó đang ở đâu? Đưa tôi tới chỗ nó".

Chiếc xe cảnh sát đưa bà Mally đến cánh đồng hoang ở trung tâm KwaThema. Đây là nơi rất nhiều xác chết được phát hiện ra, cũng là nơi tụ tập của các băng nhóm địa phương. Bà Mally ôm đầu không tin vào những gì người ta nói. Eudy thậm chí chưa bao giờ đến đây, cô ấy không hề thích lui tới những chốn như thế này. Cánh đồng đông nghẹt người. Cảnh sát trưởng quát lớn để rẽ đám đông ra: "Lùi lại. Mẹ của Eudy đến đây".

Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá can đảm nhất bị hãm hiếp và sát hại - Ảnh 3.

Bà Mally không thể đi thẳng đến chỗ xác con gái. Thay vào đó bà gặp con trai, cũng được gọi đến hiện trường trước đó. Trên tay cậu dính đầy máu. "Mẹ, đừng sang đây. Đúng là chị Eudy rồi. Chúng giết chị ấy rồi!".

Máu vương vãi khắp nơi. Bà Mally đổ sụp xuống. Bà sốc, giận dữ, nóng bừng bừng xong rồi lại lạnh toát cả người. Bà chẳng còn nhớ những gì diễn ra sau đấy nữa. Mọi người đưa bà về nhà, cố gắng giúp bà trấn tĩnh lại. Chuông điện thoại reo lên. Là mẹ của bà Mally, bà ngoại của Eudy, đang ở Cape Town.

"Chuyện gì xảy ra vậy? Người ta nói gì trên TV vậy?", bà hét qua điện thoại. "Cháu ngoại của mẹ bị người ta giết thật rồi ư?"

"Nó luôn biết nó là ai. Nó nói thẳng với chúng tôi khi mới có 12 tuổi: 'Mẹ, con đồng tính. Mẹ vẫn yêu con chứ?'. Dĩ nhiên là tôi vẫn yêu nó rồi. Khi nó lớn lên và trở thành cầu thủ nổi tiếng, cả đất nước này yêu nó", bà Mally nói trong nước mắt.

Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá can đảm nhất bị hãm hiếp và sát hại - Ảnh 4.

Cái đêm định mệnh ấy, Eudy Simelane cùng vài người bạn của mình rời quán bar Tavern lúc 1g30 sáng. Eudy mặc một chiếc quần jeans, khoác áo khoác da và đi bốt. Cô ấy cao lớn, vạm vỡ và mạnh mẽ. Cô luôn biết phải là thế nào khi buộc phải đánh nhau, và cô luôn thắng.

Eudy cùng các bạn gặp phải một nhóm đàn ông dáng vẻ cực kỳ hung hăng khi băng qua một bãi đất trống. Lần lượt từng người bạn của cô bỏ chạy. Không ai biết chuyện gì xảy ra đêm ấy, nhưng cuối cùng, Eudy bị bỏ lại dưới một con mương nhỏ giữa cánh đồng. Cô ấy bị đánh đập, hãm hiếp và bị giết. Có cả thảy 28 nhát dao được tìm thấy trên mặt, lưng và chân cô. Thậm chí còn có những nhát dao chém ngang lòng bàn chân.

Xung quanh cánh đồng là rất nhiều nhà. Một vài người nghe được những tiếng gào thét, nhưng chẳng ai làm gì cả. Họ biết đây là nơi từng được vứt rất nhiều xác. Họ sợ nếu can thiệp sẽ vạ lây. Rạng sáng hôm sau, họ tìm được xác Eudy trong tình trạng bán khỏa thân. Áo khoác và quần áo của cô bị lấy đi. Cảnh sát tìm thấy quần áo, cũng như bắt được nghi phạm chỉ chưa đầy 24 giờ sau đó.

Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá can đảm nhất bị hãm hiếp và sát hại - Ảnh 5.

Bốn gã đàn ông bị cáo cuộc hiếp dâm và giết người. Trước tòa, chúng khai mình chỉ cướp, và vô tình "vồ được" Eudy đi ngang qua, chứ không hề nhận ra Eudy.


Chỉ có hiếp dâm mới chữa được "bệnh dịch" đồng tính


"Eudy là người nổi tiếng ở KwaThema này. Chẳng ai mà không biết cô ấy cả", cô bạn thân Balise nghẹn ngào. "Bọn chúng không ngẫu nhiên hiếp dâm và đâm chết cô ấy. Là bởi cô ấy công khai mình là lesbian".

Ở phiên xử cuối, hai trong số 4 gã đàn ông sát hại Eudy phải nhận án tù nặng, một gã bị tuyên án chung thân. Trước tòa, không như lần xử trước, thủ phạm chính sát hại Eudy ngẩng cao đầu khẳng định việc mình làm, đồng thời tự hào bao biện rằng mình chỉ là những điều đúng với đạo lý, rằng đấy là liệu pháp "chữa bệnh" từ bao bao đời nay của đất nước này, để đối phó với "dịch bệnh" đồng tính.

Theo quan niệm của rất nhiều người dân châu Phi, hiếp dâm là cách hiệu quả nhất để khơi dậy thiên chức nữ tính, biến một phụ nữ đồng tính trở lại thành một cô gái đích thực.

Gần 30 vết chém trên người Eudy, theo kẻ thủ ác, đó là cái giá phải trả cho việc công khai tuyên bố mình đồng tính của cô, đồng thời là "lời răn đe" mạnh mẽ cho những "con bệnh" như Eudy ở quốc gia này.

Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá can đảm nhất bị hãm hiếp và sát hại - Ảnh 6.

Cái chết của Eudy làm rúng động cả Nam Phi. Người ta khóc than cho một tài năng bạc mệnh. Eudy Simelane nằm xuống, nhưng rất nhiều người như cô có cơ hội được đứng lên. Sau cái chết của Eudy, những phụ nữ đồng tính bắt đầu dám công khai giới tính thực của mình.

Ở Johannesburg, lần đầu tiên có một CLB bóng đá dành cho các nữ cầu thủ lesbian. Đây chính là đội bóng giang tay đón nhận những người như Tumi Mkhuma - nữ cầu thủ đã từng 2 lần phải tự tử sau nhiều lần bị hãm hiếp và mang thai.

Sau cái chết bi thảm của Eudy Simelane, người dân Nam Phi có cái nhìn khác hơn với người đồng tính, nhất là phụ nữ đồng tính, cũng như mạnh mẽ lên án liệu pháp "chữa bệnh bằng hiếp dâm" mà trước khi Eudy nằm xuống, Triangle - tổ chức hàng đầu Nam Phi về quyền của người đồng tính, khẳng định ghi nhận đến hàng chục vụ hiếp dâm "để chữa bệnh đồng tính nữ" mỗi tuần.

Song đau lòng, là chính trong bóng đá, những người như Eudy Simelane vẫn bị kỳ thị trực diện. Ba năm sau ngày Eudy Simelane nằm xuống, ở World Cup bóng đá nữ 2011, HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Nigeria - Eucharia Ngozi Uche, thẳng tay loại tất cả các trường hợp lesbian trong đội tuyển, bất chấp những đóng góp lớn lao của họ.

Dám công khai giới tính, ngôi sao bóng đá can đảm nhất bị hãm hiếp và sát hại - Ảnh 7.

Đau đớn hơn, vị nữ HLV này tuyên bố thẳng thừng: "Đây là những cầu thủ dơ bẩn, lệch lạc về tinh thần và đạo đức. Tôi loại họ hoàn toàn không phải vì vấn đề chuyên môn, mà vì sự lệch lạc về mặt giới tính". Đau đớn hơn, Liên đoàn bóng đá Nigeria hoàn toàn đồng ý với nhà cầm quân này.

Người ta có thể tặc lưỡi rằng đấy là câu chuyện ở châu Phi xa xôi và mông muội, nhưng ở giữa châu Âu, chính HLV trưởng ĐTQG nữ Hà Lan - Vera Pauw cũng từng thẳng tay loại hai cầu thủ kỳ cựu Dyanne và Claudia van den Heiligenberg ngay sau khi họ công khai quan hệ yêu đương.

World Cup bóng đá nữ 2019, 11 năm sau cái chết bi thương của Eudy Simelane, có tới 40 cầu thủ tham gia giải đấu này công khai việc mình đồng tính. Cả hai đội trưởng đội tuyển Mỹ - vô địch World Cup 2019 và 2015, đều công khai mình là người đồng tính, và đều coi World Cup nữ như cơ hội tuyệt vời để khuyếch trương quyền của giới LGBT.

Cái chết của Eudy Simelane là không uổng phí, nhưng cuộc chiến mà cô từng là người dũng cảm nhất dám phát động - dù phải trả giá bằng tính mạng của mình, vẫn còn dài...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại