Bác sĩ được Google vinh danh hôm nay có kết cục rất bi thảm trong nhà thương điên, vì sao?

Hoa Hướng Dương |

Đáng lẽ ra, bác sĩ Ignaz Semmelweis đã có thể cứu sống nhiều người nếu như họ hiểu được những gì ông muốn theo đuổi.

Quay ngược lại quá khứ vào thế kỷ 19, đã từng có một vị bác sĩ bị đánh chết trong một nhà thương điên chỉ bời vì ông khuyên đồng nghiệp của mình hãy "rửa tay" thật sạch sẽ! Điều đáng lẽ đã cứu sống hàng triệu người thời bấy giờ.

Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao lời khuyên đơn giản này lại khiến vị bác sĩ được Google Doodle vinh danh ngày hôm nay (20/3) nhận kết cục bi thảm trong nhà thương điên.

Bác sĩ được Google vinh danh hôm nay có kết cục rất bi thảm trong nhà thương điên, vì sao? - Ảnh 1.

Ignaz Semmelweis (1818 - 1865). Ảnh: Wiki

Đây là câu chuyện về vị bác sĩ người Áo có tên Ignaz Semmelweis (1818 - 1865), ông vốn theo học luật tại Đại học Vienna (Áo) từ năm 1837 nhưng sau đó đã bén duyên với y học và nhận bằng tiến sĩ năm 1844.

Hai năm sau, ông được bổ nhiệm là bác sĩ nội trú khoa sản, trợ lý cho giáo sư Johann Klein tại Bệnh viện Tổng hợp Vienna, tưởng chừng sự nghiệp của ông sẽ trên con đường thăng tiến rộng mở thì một biến cố không ngờ tới đã ập lên đầu ông.

Vị bác sĩ mới chi 28 tuổi với đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ trong sứ mệnh cứu sống bệnh nhân đã chứng kiến thời kỳ mà một căn bệnh kỳ lạ được gọi là sốt hậu sản lan tràn khắp Châu Âu mà khoa học lúc đó giải thích bằng "Thuyết tự sinh".

Bác sĩ được Google vinh danh hôm nay có kết cục rất bi thảm trong nhà thương điên, vì sao? - Ảnh 2.

Ignaz Semmelweis (1818 - 1865) tin rằng có điều gì đó bất thưởng ở tay của những bác sĩ. Ảnh: Hungary First

Cũng cần nói thêm rằng, vào những năm 1840 (trước khi nhà sinh học vĩ đại Louis Pasteur đưa ra thuyết mầm bệnh khoảng 40 năm và trước 100 năm khi Alexander Fleming phát hiện kháng sinh) thì người ta không hề biết tới sự tồn tại của vi khuẩn lây bệnh cho người.

Chính Louis Pasteur là người có đóng góp lớn trong việc bác bỏ Thuyết tự sinh năm 1856, vốn in sâu trong tư tưởng các nhà khoa học trước đó. Đây là học thuyết cho rằng khi 1 người phụ nữ bị sốt hậu sản thì đó là do mầm bệnh bên trong bệnh nhân tự gây ra.

Chính tư duy phản khoa học kéo dài từ thời La Mã cổ đại cho đến lúc đó đã là bức tường khổng lồ ngăn cản bước tiến của khoa học nói chung và ngành y nói riêng. Điều này dẫn đến thói quen không chú ý vệ sinh tay ở các bác sĩ.

Thời bấy giờ, việc sinh nở ở bệnh viện luôn tiềm ẩn những rủi ro mà người ra khó lòng giải thích được, theo đó cứ 10 trường hợp thì lại 1 người tử vong sau khi sinh xong vì lên cơn sốt (gọi là sốt hậu sản).

Phát hiện của Semmelweis: Bàn tay "tử thần" của bác sĩ

Khi nói đến bác sĩ, chúng ta thường ví họ như những người chiến đấu chống lại tử thần, giành giật mạng sống cho bệnh nhân từ tay thần chết bằng đối bàn tay khéo léo của mình. Thế nhưng Semmelweis lại phát hiện ra một sự thật đáng giật mình.

Chính đôi bàn tay của các bác sĩ phụ sản ở bệnh viện nơi ông làm việc đã cướp đi mạng sống của nhiều bệnh nhân. Điều gì đã giúp ông khám phá ra sự thật này?

Bằng việc thống kê số ca tử vong ở hai phân khu khoa sản ở bệnh viện Vienne (một dành cho việc để đào tạo các sinh viên, những bác sĩ tương lai và một chỉ đào tạo nữ hộ sinh), ông nhận thấy số ca tử vong ở phân khu "bác sĩ" nhiều gấp 3 lần phân khu "nữ hộ sinh".

Phải chăng có điều gì khác biệt giữa hai phân khu này khiến cho nguy cơ tử vong ở khu "bác sĩ" cao hơn hẳn phân khu kia. Điều bất thường này đã khiến Semmelweis phải suy nghĩ rất nhiều để tìm lời giải đáp.

Tháng 3 năm 1847, Semmelweis nhận được tin buồn về người bạn của mình là giáo sư Jakob Kollerschka, một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y qua đời vì căn bệnh bí ẩn.

Khi khám tử thi của Kollerschka, ông nhận thấy thi thể bạn mình có những đặc điểm giống hệt cái chết của... những người phụ nữ do sốt hậu sản. Nhưng Kollerschka là nam giới! Vậy "sốt hậu sản" thực ra không liên quan tới việc sinh đẻ của phụ nữ ư?

Quả thực, nhờ phát hiện này Semmelweis mới vỡ lẽ ra rằng thực ra "sốt hậu sản" mà mọi người vẫn gọi và nhầm lẫn là căn bệnh của những bà mẹ sau sinh lại chẳng hề liên quan gì tới việc sinh sản.

Vậy thực sự thì điều gì đã khiến các sản phụ tử vong?

Trong một lần tình cờ hướng dẫn sinh viên thực hành khám nghiệm tử thi, ông đã vô tình bị 1 sinh viên đưa dao mổ cắt vào tay và chảy máu. Điều gì đó đã lóe lên trong đầu ông, phải chăng có "gì đó vô hình" đã chui từ dao mổ vào máu khiến sản phụ tử vong sau đó.

Bác sĩ được Google vinh danh hôm nay có kết cục rất bi thảm trong nhà thương điên, vì sao? - Ảnh 3.

Semmelweis khuyên mọi người hãy rửa tay sạch sẽ. Ảnh: Il Secolo XIX

Thứ vô hình mà thời đó ông cũng như các nhà khoa học chưa thể giải thích được (hay chính xác hơn là chưa nhận thức được) chính là những vi khuẩn gây bệnh. Thời của ông, các bác sĩ chỉ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi khám và việc khám tử thi hoàn toàn bằng tay không.

Đó cũng là lý do mà phân khu "bác sĩ" có số ca tử vong nhiều hơn phân khu "nữ hộ sinh" vì chỉ phân khu này mới được khám tử thi. Tất nhiên, tất cả chỉ là giả thuyết vì Semmelweis không thể chứng minh được những điều trên là đúng.

Ông chỉ có thể khuyên nhủ đồng nghiệp hãy rửa tay thật kỹ, đồng thời theo đuổi 1 loại dung dịch rửa tay có khả năng rửa sạch hơn xà phòng (và ông đã tìm ra, đó là calcium hypochlorite, một dung dịch clo giúp khử mùi hôi trên tay bác sĩ sau khi khám tử thi).

Quả thực, việc rửa tay bằng dung dịch mới đã giúp bệnh viện Vienne giảm số ca tử vong một cách rõ rệt (từ 18,3% giảm tới không có ca bệnh tử vong). Nhận thấy lý thuyết của mình đúng nên ông đã xuất bản một số ấn phẩm trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Vienna.

Trong đó đưa ra giả thuyết của mình và khuyên bác sĩ hãy rửa ra thật sạch sẽ vì chính bàn tay của họ có thể gây bệnh cho sản phụ. Ngoài ra, ông còn gửi thư đến tất cả các bác sĩ trưởng khoa sản ở Châu Âu để khuyên họ hãy vệ sinh tay kỹ càng.

Thế nhưng, điều ông nhận lại là những phản hồi gay gắt vì nó xúc phạm tới địa vị cao quý của các bác sĩ, bàn tay họ không thể ô uế như vậy. Họ bác bỏ luận điểm của ông và coi những số liệu mà ông thu thập được chỉ là sự ngẫu nhiên trong thống kê.

Cái chết bi thương trong nhà thương điên

Hơn hết, niềm tin cố hữu bám rễ trong đầu các nhà khoa học nói chung và các bác sĩ nói riêng khiến họ lo sợ việc chấp nhận giả thuyết mới sẽ phá bỏ những mô hình lý thuyết cũ của họ.

Lịch sử đã chứng kiến những hậu quả khó lường khi một người cố gắng thay đổi tư duy bám rể của đại đa số mọi người, việc đi ngược lại với số đông sẽ khiến người đó bị kỳ thị, chỉ trích hay thậm chí là trả giá bằng mạng sống.

Có thể kể đến vài cái tên như Mikołaj Kopernik (1473 – 1543), Galileo (1564 –1642) khi cố gắng thay đổi thuyết địa tâm của Ptolemy (khoảng 100-178) hay Charles Darwin (1809 – 1882), người đưa ra Thuyết tiến hóa mà theo đó con người được tiến hóa từ một loại khỉ cổ xưa.

Đây đều là những người có quan điểm đi ngược lại tư duy cố hữu bám rễ sâu trong đầu mọi người và đe dọa đến lợi ích chung của họ. Trường hợp của bác sĩ Semmelweis cũng không phải ngoại lệ.

Năm 1849, Semmelweis rời bỏ bệnh viện vì những thất vọng và bất mãn mà nơi đây mang lại cho ông khi cố tình vùi dập những thành quả nghiên cứu cũng như gây khó khăn cho việc tiếp tục nghiên cứu.

Ông quay trở về quê nhà Budapest của mình ở Hungary nhưng vẫn kiên trì theo đuổi chân lý, ông chấp nhận làm việc không lương tại khoa sản của một bệnh viện nhỏ ở đây rồi tiếp tục viết ra các tác phẩm khoa học nhưng đều bị mọi người ngó lơ, phản đối hay vùi dập.

Năm 1861, sau thời gian dài chiến đấu với giới y học phương Tây, con người với sức lực có hạn ấy đã không thể chịu đựng được sự quay lưng và vùi dập sự nghiệp đến tuyệt vọng, cay đắng nên đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và gặp những vấn đề thần kinh đầu tiên.

Người ta cho rằng ông bị hoang tưởng và thần kinh nên đã sắp xếp lên kế hoạch nhằm đẩy ông vào nhà thương điên vào năm 1865. Những kẻ thù và cũng chính là đồng nghiệp cũ của ông đã ký vào biên bản xác nhận ông bị tâm thần (dù chẳng ai là bác sĩ thần kinh).

Bác sĩ được Google vinh danh hôm nay có kết cục rất bi thảm trong nhà thương điên, vì sao? - Ảnh 4.

Semmelweis xứng đáng là " vị cứu tinh" của những bà mẹ. Ảnh: Wikimedia Commons

Tại đây, ông cố gắng trốn thoát nhưng bị những bảo vệ đánh gục, cuối cùng thì Semmelweis cũng chết năm 1865 vì chính những vết thương bị nhiễm trùng này như một sự trêu ngươi của số phận tới vị bác sĩ "Don Quixote" khi chống lại cối xay gió.

Thậm chí cái chết của ông cũng vô cùng lặng lẽ (không một bài diễn văn như thông lệ của Hiệp hội Bác sĩ và nhà khoa học Hungary nhằm vinh danh những cống hiến lúc còn sống) mà phải cho đến ngày nay, chúng ta mới nhận thức được chân lý mà ông theo đuổi.

Sau này, Tổ chức Y tế Thế giới quy định "Năm thời điểm" mà một bác sĩ hay nhân viên y tế cần phải rửa tay mà theo đó 1 bác sĩ sẽ phải rửa tay khoảng 100 lần trên ngày.

Đáng ra, Semmelweis đã là "vị cứu tinh" của những bà mẹ và đã trở thành người đàn ông cứu sống nhiều sinh mạng nhất lịch sử nhân loại nhưng chính đám đông mù quáng đã đẩy một cá nhân thân cô thế yếu vào con đường cùng của sự tuyệt vọng.

Trong xã hội học sau này, người ta còn gọi hành vi xã hội mà một cộng đồng hay cá nhân không thể chấp nhận một quan điểm mới đi ngược lại tư duy cố hữu, mâu thuẫn với các chuẩn mực, niềm tin trước đó là "phản xạ Semmelweis".

Nguồn: Sciencemuseum, Google Doodle, Britannica.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại