COVID-19: Dân châu Âu "mặc sức" tụ tập, vi phạm lệnh cách ly xã hội, cảnh sát xử phạt không xuể

Thu Ngọc |

Ngày thứ Sáu tuần qua, người dân Pháp vẫn tới các phiên chợ ngoài trời, bất chấp chính phủ đang áp dụng lệnh phong tỏa 3 ngày nhằm giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Xử phạt không xuể người vi phạm quy định hạn chế đi lại

Trong thời điểm người dân Châu Âu và Mỹ đang được khuyến cáo phải thực hiện cách ly xã hội và ở trong nhà, người ta vẫn thấy người dân tại lục địa già không từ bỏ những hoạt động thường ngày.

Họ vẫn đi mua sắm trong các khu chợ đông đúc gần nhà, tụ tập từng nhóm lớn ở nơi công cộng. Vài người thậm chí còn phàn nàn về các biện pháp hạn chế mà chính phủ đang áp dụng để giúp người dân tránh lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-Cov-2).

Để nâng cao ý thức người dân Châu Âu về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, một số chính phủ ở Châu Âu đã siết chặt các quy định về hoạt động di chuyển bên ngoài nơi ở. Liệu các quy định này được thực hiện nghiêm túc hay không trong bối cảnh rất nhiều người dân sẵn sàng vi phạm quy định của nhà nước? Các quốc gia khác nhau thì áp dụng các biện pháp thực thi khác nhau nhưng cho tới hiện tại thì chưa có giải pháp toàn diện cho vấn đề này.

Tại Italy, nước đang đứng đầu thế giới về số người tử vong vì dịch COVID- 19, chính phủ đã huy động cảnh sát và quân đội để thực thi lệnh phong tỏa tại hai khu vực: Campania và Sicily. Ngày thứ Sáu tuần trước, 20/3, Bộ Nội vụ Italy thông báo số lượng người dân bị phạt vì vi phạm lệnh phong tỏa ở mức cao nhất chưa từng có với 9.600 người.

Cảnh sát Tây Ban Nha phải tăng cường thêm lực lượng tuần tra để tiến hành xử phạt người dân vi phạm quy định ở nhà. Theo thông cáo của Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha, “đây là thời điểm cả nước phải cảnh giác cao độ”.

Việc thực thi các quy định phong tỏa dường như không có ý nghĩa nhiều với người dân Pháp khi chính phủ hoàn toàn phụ thuộc vào việc xử phạt các hành vi vi phạm. Mặc dù mỗi chiếc vé phạt có trị giá lên tới 135 euro (tương đương 160 USD), nhưng cảnh sát nước này ngay trong 24 giờ phong tỏa đầu tiên đã ngăn cản hành vi vi phạm của... 70.000 người và xử phạt tới 4.095 người.

COVID-19: Dân châu Âu mặc sức tụ tập, vi phạm lệnh cách ly xã hội, cảnh sát xử phạt không xuể - Ảnh 1.

Hình ảnh người dân tụ tập đông đúc tại khu chợ ở Marché d'Aligre, Paris, Pháp, ngày 15/3/2020 (Ảnh: @CamSls/Twitter)

Chính phủ mạnh tay nhưng... không biết kết quả thế nào

Trước tình hình trên, hầu hết các nước ở lục địa già buộc phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm khắc hơn, nhưng không ai biết được công dân các nước có ý định thực hiện các quy định mới nghiêm túc hơn không.

Tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định kéo dài tình trạng phong tỏa toàn quốc thêm 15 ngày và cho phép các dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm tiếp tục mở cửa hoạt động.

Chính quyền địa phương được phép tự quyết các vấn đề tại khu vực mình. Hôm 20/3, thị trưởng thành phố Nice Christian Estrosi quyết định đóng cửa thác nước nổi tiếng Promenade des Anglais, nhằm ngăn chặn việc người dân tụ tập tập thể dục hàng ngày. Ông Estrosi còn ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố từ 20h.

"Kể từ 20h trở di, khi các cửa hàng và nhà thuốc đóng cửa, người dân không được phép ra đường, ngoại trừ các nhân viên y tế hoặc nhân viên chính phủ có nhiệm vụ hỗ trợ người yếm thế tại nhà," ông Estrosi trả lời báo Journal du Dimanche của Pháp.

Các biện pháp tương tự cũng được thực hiện tại thủ đô Paris. Thị trưởng Anne Hidalgo và cảnh sát trưởng Didier Lallement đều cảm thấy bức xúc với thái độ phớt lờ của người dân với các quy định hạn chế của chính phủ.

Một thông cáo ban hành vào ngày 19/3 cho hay, “chúng tôi vẫn thường xuyên chứng kiến những nhóm người đi bộ và chạy tập thể dục tại một số khu vực của thủ đô, cụ thể là dọc bờ sông Seine, công viên Champ de Mars cạnh tháp Eiffel và Invalides Esplanade”.

Ngay ngày hôm sau, cảnh sát quyết định cấm các hoạt động chạy bộ và tập thể dục dọc bờ sông Seine. Bộ trưởng thể thao Pháp cũng nhấn mạnh việc tập thể dục hàng ngày nên rút ngắn lại và chỉ diễn ra ở quanh nhà mà thôi. Ông nói “bạn phải lựa chọn giữa việc đi mua sắm và chạy bộ”

Tuy nhiên, các quy định hạn chế cũng có những lỗ hổng. Pháp yêu cầu người dân khi ra ngoài cần mang theo giấy tờ do chính phủ cấp chứng minh mục đích của việc đi ra ngoài. Tuy nhiên, loại giấy tờ này lại không bị đánh dấu cho mỗi lần ra ngoài nên cảnh sát không thể biết được người dân đã ra ngoài bao nhiêu lần và họ đi tới những địa điểm nào.

Ở Đức - quốc gia bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng thứ ba tại châu Âu sau Italy và Tây Ban Nha, sau khi chứng kiến nhiều người dân tuần trước tụ tập tại các công viên vào buổi sáng để chào đón mùa xuân, chính phủ nước này cảnh báo sẽ ban bố lệnh giới nghiêm bắt buộc nếu công dân không thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm túc.

Giới chức y tế Đức đang sử dụng dữ liệu ẩn danh thu từ điện thoại di động của người dân để đánh giá tính khả thi của các biện pháp hạn chế đi lại và chia sẻ rằng cuối tuần này sẽ là thời điểm quyết định. Nhiệt độ ngoài trời dự báo sẽ giảm mạnh có thể giúp thúc đẩy người dân ở trong nhà nhiều hơn.

Do có tới 16 cơ quan y tế độc lập tại các bang, các biện pháp hạn chế cũng được thực thi không đồng nhất trong toàn nước Đức. Tuy vậy, các cơ quan này đều thống nhất về việc đóng cửa câu lạc bộ ban đêm, quán bar, nhà hàng và các dịch vụ không cần thiết vào buổi tối.

Cảnh báo bị phớt lờ

Một số biện pháp hạn chế vấp phải sự phản đối nhiều hơn, như lệnh cấm tại khu vui chơi trẻ em. Tuần trước, người ta đã chứng kiến những dải băng đỏ bao quanh khu vui chơi trẻ em tại thủ đô Berlin, Đức, bị dỡ xuống và nhiều gia đình cho con ra đây chơi bất chấp lệnh cấm.

Đối phó với tình trạng vi phạm này, theo truyền thông Đức, chính quyền thị trấn Dorsten tại bang North Rhine-Westphalia, khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, đã quyết định dỡ bỏ hàng loạt xích đu và ghế ngồi trong các khu vui chơi trẻ em.

“Mặc dù có lệnh cấm nhưng khu vực vui chơi trẻ em vẫn xuất hiện nhiều gia đình tới chơi nên chúng buộc phải dỡ bỏ các thiết bị. Đây là thông điệp rõ ràng từ chính quyền cho người dân,” thị trưởng Dorsten Tobias Stockhoff nói.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi cuối tuần qua cũng tuyên bố việc đóng cửa tất cả quán rượu, nhà hàng, phòng tập thể dục, câu lạc bộ đêm kể từ ngày thứ Bảy, 21/3.

"Các bạn xin đừng chủ quan, nghĩ rằng bạn miễn nhiễm với dịch bệnh. Không ai chắc chắn rằng hậu quả của việc nhiễm bệnh và bạn có thể không biết mình đang mang trong người virus và lây bệnh cho người khác nữa," ông Johnson cảnh báo.

Tuy vậy, người ta vẫn có thể thấy các quán rượu tại Anh trong tối thứ Sáu tuần qua ngập tràn khách hàng tới uống rượu lần cuối trước lệnh cấm có hiệu lực. Các quan chức chính phủ cho biết lực lượng cảnh sát tại thủ đô London và trên toàn quốc đang trong tư thế sẵn sàng thực thi lệnh đóng cửa khi cần thiết.

Thủ tướng Johnson ngày 22 tiếp tục đưa ra cảnh báo, nói rằng nếu người dân không tuân thủ khuyến cáo về hạn chế tiếp xúc xã hội, các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn sẽ được áp đặt.

COVID-19: Dân châu Âu mặc sức tụ tập, vi phạm lệnh cách ly xã hội, cảnh sát xử phạt không xuể - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại