Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiệt hại bao nhiêu vì dịch Covid-19?

Bình An |

Theo báo cáo sơ bộ của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đơn vị trong lĩnh vực GTVT chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh.

Lĩnh vực giao thông bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có báo cáo nhanh về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc quản lý của đơn vị này. Cụ thể:

-Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Uỷ ban cho biết do số lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không giảm mạnh, dự kiến đơn vị có thể giảm doanh thu đến 12.500 nghìn tỷ đồng (tương đương 16% kế hoạch năm 2020) và giảm lợi nhuận đến 5.880 tỷ đồng, lỗ 4.300 tỷ đồng (trong khi kế hoạch lãi gần 1.600 tỷ đồng).

Do đó, khó có thể hoàn thành được kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được Ủy ban thông qua và HĐTV phê duyệt.

Các công ty có vốn góp của tổng công ty cũng bị giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận tương ứng, dự kiến lợi nhuận trước thuế của 17 tổng công ty (không bao gồm JPA-K6) giảm ít nhất 320 tỷ đồng, cổ tức lợi nhuận chia về cho tổng công ty cũng giảm ít nhất 250 tỷ đồng.

-Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV): Lượng khách dự báo giảm hơn 12 triệu lượt, sản lượng thực hiện ước chỉ đạt 90% kế hoạch đề ra cho năm 2020.

Doanh thu dự kiến giảm gần 2.800 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 87% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế cũng giảm hơn 2.600 tỷ đồng, tương đương 76% kế hoạch năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Tổng sản lượng xuất bán xăng dầu nội địa tháng 1 giảm 4% so với tháng trước, bán lẻ cũng giảm 1%. Kể từ khi công bố dịch, sản lượng xuất bán nội địa toàn tập đoàn bình quân 1 ngày của tháng 2 giảm 20% so với trước.

Mặt hàng gas cũng giảm, sản lượng chỉ bằng 76% so với cùng kỳ 2019; Nhiên liệu hàng không giảm 20%.

-Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe): Tiêu thụ chậm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất từ 5-8 triệu đồng/tấn, giá xuất khẩu giảm còn 1.260 USD/tấn.

Trong khi đó, giá thu nội địa cao hơn giá xuất khẩu mà hiện đơn vị phải mua từ các đơn vị thành viên 27-30 nghìn tấn mỗi năm. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của tổng công ty, nhất là đầu mối xuất khẩu chính tại văn phòng công ty mẹ.

-Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor): Một số khách hàng Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu dăm gỗ làm giá xuất khẩu dăm gỗ trên thị trường giảm. Một số đơn hàng nhập khẩu thông qua đối tác vận chuyển của Trung Quốc bị kéo dài và phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh gỗ nguyên liệu nhập khẩu của Tổng công ty.

-Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR): Hàng loạt đoàn tàu phải dừng chạy do vắng người do lo ngại lây lan dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt ngày 4/2 ngành đường sắt chính thức dừng vận hành tuyến tàu liên vận quốc tế Việt Nam - Nam Ninh đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu và lợi nhuận, khó đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Doanh thu vận tải hành khách dự kiến giảm 54,8 tỷ đồng (giảm 13,3% so với cùng kỳ).

Vận tải hàng hóa cũng dự kiến giảm 9,9 tỷ đồng doanh thu.

-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines): Hầu hết đội tàu phải lùi dồn dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu.

Hoạt động logistics của doanh nghiệp dịch vụ hàng hải với khách hàng Trung Quốc đang tạm dừng, đội xe chưa được xuất cảnh qua biên giới, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển sang các cảng Trung Quốc cũng tạm dừng do các hãng tàu chủ động cắt tất cả các chuyến có lịch trình vào Trung Quốc, Đài Loan. Hoạt động tạm nhập tái xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt chi phí lưu kho tăng cao.

Nếu dịch bệnh kéo dài tới hết tháng 3 hoặc sang quý II, doanh nghiệp dự kiến doanh thu hợp nhất giảm 1.621 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất giảm 534 tỷ đồng so với kế hoạch (10.315 tỷ đồng doanh thu và 938 tỷ đồng lợi nhuận).

-Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC): Từ 8/1/-20/1 âm lịch, doanh thu thu phí các chuyến cao tốc giảm 14,1% so với cùng kỳ 2019, đặc biệt tuyến Nội Bài – Lào Cai sụt giảm 28%, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình giảm 14,3%, tuyến HCM – Long Thành – Dầu Giây giảm 5,8% so với cùng kỳ. Doanh thu phí tháng 2/2020 giảm 50 tỷ đồng so với kế hoạch.

-Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Tập đoàn đang theo dõi để đánh giá tác động cụ thể do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, nếu thời gian khắc phục dịch kéo dài sẽ tác động khá tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất chính của tập đoàn vì mủ cao su, gỗ cao su có tỷ lệ xuất khá cao sang Trung Quốc.

Mặt khác, các nhà đầu tư của nước này cũng có tỷ lệ thuê khá lớn tại các KCN của tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam.

-Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN): Tổng số lao động người Trung Quốc tại công trường, dự án do EVN và các đơn vị thành viên quản lý trước Tết ân lịch 2020 là 49 người, trong đó 45 người trở về Trung Quốc ăn tết. 7 người đến nay đã quay lại làm việc, sức khoẻ bình thường.

Đối với các lao động quay lại Việt Nam, đơn vị quản lý lao động đã cho cách ly để theo dõi theo quy định. Đối với lao động chưa quay lại, đơn vị đã báo EVN tạm hoãn nhận lao động.

Đề xuất của các doanh nghiệp

Từ những ảnh hưởng trên, Vietnam Airlines đã điều chỉnh thu hẹp quy mô sản xuất, tận thu, cắt giảm chi phí, đảm bảo nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh.

VNPT giảm quy mô, rút gọn tối đa thành phần tham dự các cuộc họp, hội nghị, hội thảo diễn ra trong năm 2020.

Vinafor nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến tại chỗ, đa dạng hóa nguồn cung và tìm nguyên vật liệu thay thế, mở rộng tìm kiếm khách hàng…

VNR nâng cao chất lượng phục vụ, điều chỉnh giá vé từng chặng, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch chạy tàu…

Vinalines cũng đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng phát triển Việt Nam xóa dư nợ lãi tàu vay mua đóng mới, khoanh nợ gốc; Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ và khoanh nợ gốc; Chính phủ yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp trong nước thay đổi tập quá mua CIF, bán FOB để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước tham gia vào vận chuyển hàng hóa nhập khẩu quốc gia; Miễn thuế thu nhập cho thuyền viên; không tăng giá tiền thuê đất hàng năm.

Còn Vinacafe đề xuất được hỗ trợ lãi suất vay vốn tạm trữ từ 6-9 tháng; VNR đề nghị được miễn giảm 8% doanh thu vận tải, Bộ GTVT và Bộ Tài chính phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu khách an sinh xã hội 2019-2020 tuyến Gia Lâm – Quán Triều, Hà Nội – Đồng Đăng, Yên Viên – Hạ Long năm 2019-2020 cho CTCP vận tải đường sắt Hà Nội…

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiệt hại bao nhiêu vì dịch Covid-19? - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại