Điều kiện để miễn hình phạt tù

Long Nhật |

Miễn chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 62 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với những người bị kết án đã có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa chấp hành, hoặc đã chấp hành được một phần hình phạt thì có thể được Tòa án xem xét cho miễn chấp hành hình phạt tù nếu đủ điều kiện.

Miễn chấp hành hình phạt được BLHS quy định tại Điều 62, chi tiết được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Có 6 trường hợp, cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất, người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

Trường hợp thứ hai, người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng VKS, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp: (1) Sau khi bị kết án đã lập công; (2) Mắc bệnh hiểm nghèo; (3) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

“Đã lập công” là trường hợp lập công lớn hoặc người bị kết án có thành tích xuất sắc trong cuộc sống, trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.

“Mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị.

Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội, được chứng minh bằng việc họ đã hoàn lương, chăm chỉ làm ăn, tham gia các hoạt động xã hội... hoặc do họ mắc bệnh hiểm nghèo không còn hoạt động được...

Trường hợp thứ ba, người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng VKS, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

“Lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Trường hợp thứ tư, người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng VKS, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Trường hợp thứ năm, người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng VKS, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

Trường hợp thứ sáu, người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Người được miễn chấp hành hình phạt thuộc các trường hợp trên vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại