Mổ xẻ Tesla Model 3, kỹ sư Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng

Nguyễn Hải |

Theo các nhà quan sát trong ngành công nghiệp, công nghệ trên xe điện Tesla đang vượt xa những ông lớn như Toyota hay Volkswagen đến 6 năm và nếu không sớm thay đổi, họ sẽ không thể bắt kịp được.

Cho dù hai ông lớn Toyota và Volkswagen mỗi năm xuất xưởng khoảng 10 triệu ô tô, nhiều gấp hàng chục lần so với con số 367.500 xe vào năm 2019 của Tesla, nhưng đối với công nghệ xe điện thì hãng xe của Elon Musk đang vượt xa những người khổng lồ của ngành ô tô truyền thống này.

Đó là kết luận mà tạp chí Nikkei Business Publications đưa ra sau màn mổ xẻ chiếc Tesla Model 3, mẫu xe điện có giá bán hấp dẫn nhất tại thị trường Mỹ hiện nay.

Mổ xẻ Tesla Model 3, kỹ sư Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng - Ảnh 1.

Điểm khác biệt nhất của xe Tesla đối với xe các hãng khác là bộ phận điều khiển trung tâm tích hợp (integrated central control unit) hay còn được xem như một chiếc máy tính tự lái hoàn toàn. Còn được gọi là Hardware 3, bộ phận công nghệ nhỏ bé này được xem là vũ khí mạnh nhất của công ty trên sân chơi xe điện hiện nay. Nó có thể chấm dứt cả chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô đã có tuổi đời nhiều thập kỷ này.

Một kỹ sư tài năng của một nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật khi nhìn thấy Hardware 3 đã phải thốt lên rằng: "Chúng ta không thể làm nổi nó!"

Module biến chiếc xe ôtô thành một chiếc máy tính

Được sử dụng trong các xe Model 3, Model S và Model X, module này bao gồm 2 con chip AI tùy chỉnh có diện tích 260 mm2 (các chip từng được Tesla giới thiệu vào đầu năm ngoái). Tesla không chỉ tự phát triển con chip này, mà còn cả phần mềm được thiết kế riêng cho nó nữa. Đây chính là cỗ máy tính đảm đương nhiệm vụ tự lái cũng như hệ thống tính năng "infotainment" (bao gồm cả kết nối điện thoại, dẫn đường, radio và camera góc chết) nổi tiếng của Tesla.

Mổ xẻ Tesla Model 3, kỹ sư Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng - Ảnh 2.

Bộ điều khiển trung tâm trên xe Tesla Model 3 với hai chip AI dành cho khả năng tự lái.

Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho các xe ô tô thông minh hơn, với nhiều khả năng tự lái hơn trong tương lai. Các nhà quan sát trong ngành công nghiệp dự báo loại công nghệ này phải đến năm 2025 mới có thể ra mắt.

Điều này có nghĩa Tesla đang đi trước các đối thủ đến 6 năm.

Ngay cả như vậy, với nguồn lực tài chính và công nghệ khổng lồ của mình, Toyota và Volkswagen vẫn hoàn toàn có thể bắt tay vào nghiên cứu và cho ra các sản phẩm tương tự như của Tesla. Vậy tại sao người kỹ sư Nhật kia phải thốt lên "Chúng ta không thể làm nổi nó."

Trở ngại thực sự cho các đối thủ muốn bắt kịp Tesla 

Mổ xẻ Tesla Model 3, kỹ sư Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng - Ảnh 3.

Trở ngại thực sự để Toyota hay Volkswagen có thể bắt kịp Tesla về công nghệ không nằm ở tài chính hay kỹ thuật mà nằm ở mô hình chuỗi cung cấp.

Với riêng các bộ điều khiển điện tử (các ECU - electronic control unit), mỗi nhà sản xuất ô tô truyền thống thường sử dụng một mạng lưới phức tạp hàng chục nhà cung cấp khác nhau. Từ nhiều thập kỷ, các mạng lưới phức tạp của chuỗi cung cấp này đã giúp những nhà sản xuất ô tô khổng lồ tăng trưởng và vươn lên vị thế như ngày nay, vì vậy điều đó khiến họ buộc phải tiếp tục sử dụng mô hình đó, dù nó ngày càng kém hiệu quả trong phát triển công nghệ mới.

Nói cách khác, không phải các trở lực về công nghệ hay tài chính, chính chuỗi cung cấp kiểu cũ đang bắt đầu trở thành lực cản đối với khả năng sáng tạo của những nhà sản xuất ô tô truyền thống.

Trong khi đó, module máy tính điều khiển trung tâm như trên xe của Tesla làm giảm đáng kể số lượng các bộ điều khiển điện tử, cũng như số lượng của các nhà cung cấp linh kiện. Rút gọn mô hình chuỗi cung cấp không chỉ làm giảm chi phí mà còn mang lại cho Tesla nhiều khả năng sáng tạo hơn khi tập trung việc nghiên cứu trong tay mình.

Mổ xẻ Tesla Model 3, kỹ sư Nhật kinh ngạc vì phát hiện ra điều không tưởng - Ảnh 4.

Khung gầm đơn giản của chiếc xe Tesla.

Việc mổ xẻ chiếc Tesla 3 cũng cho thấy điều tương tự. Hầu hết các linh kiện bên trong đều không có tên nhà cung cấp trên đó, mà chỉ có logo của Tesla. Điều đó cho thấy công ty duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với việc phát triển hầu hết các công nghệ cốt lõi của chiếc xe thông minh này.

Đó là lý do vì sao những nhà sản xuất ô tô truyền thống lo ngại rằng các công ty xe điện mới nổi như Tesla không chỉ làm suy giảm doanh số của họ, mà còn phá hủy cả chuỗi cung cấp già cỗi tồn tại như hàng chục năm nay.

Trong khi đó, từ phần mềm cho đến các hệ thống điều khiển điện tử trên ô tô, đều đang được Tesla tự mình nâng cấp và phát triển liên tục trong nhiều năm nay. Nếu chiến lược này thành công, các đối thủ cạnh tranh sẽ có rất ít sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận mô hình kinh doanh của Tesla và thay đổi hoàn toàn chuỗi cung cấp nhằm bắt kịp họ.

Tham khảo Nikkei Asian Review

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại