Nga đanh thép cảnh báo Mỹ

Kiệt Linh |

Nga có thể chế tạo những tên lửa tầm trung và tầm ngắn hơn được phóng đi từ mặt đất chỉ trong vòng 6 tháng nếu Mỹ có bước đi nhằm phát triển, sản xuất và triển khai những tên lửa như vậy ở các nước thứ ba. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc vừa được người đứng đầu Ủy ban Hội đồng Liên bang Nga về Quốc phòng và An ninh- ông Viktor Bondarev đưa ra nhằm vào Washington.

"Với những thiết bị mà các nhà máy của chúng tôi đang sở hữu cùng với tiềm năng khoa học mà các viện quân sự, các cục thiết kế và các công ty của Nga đang có, chúng tôi có thể lấp đầy lỗ hổng về sự thiếu hụt của các tên lửa tầm trung và tầm ngắn được bắn đi từ mặt đất trong khoảng thời gian tối thiểu nhất. Chúng tôi thường đến thăm các nhà máy công nghiệp quốc phòng và chúng tôi xem xét các thiết bị. Tất nhiên, chúng tôi có thể không chế tạo được một tên lửa mới trong khoảng thời gian rất nhanh nhưng chúng tôi lại có thể đưa một tên lửa vào thử nghiệm trong vòng từ 6 đến 12 tháng và sau đó chúng tôi sẽ có những tên lửa như vậy”, ông Bondarev cho biết.

Vị quan chức quân sự của Nga nhấn mạnh hiện Nga có các hệ thống phòng không, cụ thể là tên lửa S-300 và S-400, vì thế “Nga có thể bảo vệ chính mình".

Ông Bondarev tin rằng lựa chọn tái khởi động tiến trình đàm phán về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vẫn còn. Ông này không loại trừ khả năng các nước khác có thể tham gia vào hiệp ước mới.

"Tôi ủng hộ việc tái đàm phán về hiệp ước đó – nhưng tất nhiên không dựa trên các điều kiện phiền hà. Nó cần được phải đàm phán lại trên cơ sở của sự bình đẳng, trong đó tính đến tất cả các loại tên lửa của những nước có khả năng chế tạo và triển khai chúng. Chúng ta hướng tới mục tiêu tăng cường sự kiểm soát vũ khí trên toàn cầu”, vị quan chức của Nga nhấn mạnh.

Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Nga đang thực sự lo ngại sau khi Mỹ quyết định phá bỏ Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và bắt đầu tiến hành các vụ thử tên lửa tầm trung cũng như thông báo về một loạt kế hoạch triển khai tên lửa ở Châu Âu, Châu Á. Hành động của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, tốn kém và chứa đựng nhiều nguy cơ.

INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây. Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km). Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm hiệp ước. Mỹ tố cáo Nga chế tạo các tên lửa bị cấm trong hiệp ước. Trong khi đó, Nga tố ngược lại rằng Mỹ không tuân thủ INF khi thiết lập các căn cứ quân sự ở Đông Âu có khả năng không chỉ phòng thủ mà còn tấn công được và có thể nhằm vào Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm ngoái đã thẳng thừng rút Mỹ ra khỏi INF để trả đũa cho việc Nga không tuân thủ INF. Nhà lãnh đạo Mỹ còn thề rằng, nước ông sẽ tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân cho đến khi Nga và Trung Quốc “hiểu ra vấn đề”. Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp ước INF từ hồi đầu tháng Tám.

Với việc hiệp ước INF bị hủy bỏ, hiện tại, chỉ còn Hiệp ước Cắt Giảm Vũ khí Chiến lược (START MỚI) là bước cản trở cuối cùng đối với viễn cảnh phổ biến vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Hiệp ước này có thời hạn đến năm 2021 và Washington chưa quyết định có làm mới nó hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại