Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ông Lavrov nêu rõ: “Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Thổ Nhĩ Kỳ, song điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải đồng ý về mọi thứ. Đồng thuận tuyệt đối về mọi vấn đề là điều bất khả thi giữa hai quốc gia”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết điều khác biệt rõ ràng khác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia này ủng hộ hai phe khác nhau tại Libya. Ngoài ra, tại Syria, Nga ủng hộ lực lượng quân đội Chính phủ Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại điều động binh sĩ hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và điều này khiến Mỹ cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không hài lòng. Chính quyền Ankara khẳng định việc mua các hệ thống tên lửa này là để bảo vệ an ninh quốc gia. S-400 là hệ thống phòng không thế hệ mới của Nga. S-400 mang 3 loại tên lửa khác nhau có khả năng xử lý mục tiêu trên không ở tầm ngắn và tầm xa.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều tôn trọng các quan điểm của nhau. Đánh giá về tình hình tại Idlib, ông Lavrov cho rằng chiến thắng trước các nhóm khủng bố là điều “chắc chắn”.
Trong khi đó, kênh truyền hình NTV dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói: “Những khác biệt trong quan điểm tại Syria không nên ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Tình hình tại tỉnh Idlib cũng sẽ không tác động tới thỏa thuận tên lửa S-400”.
Ông Cavusoglu cho biết thêm một đoàn đại biểu của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tới Moskva vào ngày 17/2 tới. Viết trên trang Twitter, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ mô tả cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Nga diễn ra một cách “tích cực”.
Năm 2018, Nga - đồng minh quan trọng của Chính phủ Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ủng hộ một số nhóm phiến quân tại Syria, đã ký kết thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Idlib.
Trong vài tuần qua, bạo lực gia tăng tại đây trong bối cảnh lực lượng chính phủ Syria, với sự hậu thuẫn của Nga, đã đạt nhiều tiến triển trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát khu vực được coi là thành lũy cuối cùng của phiến quân trên lãnh thổ Syria này. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chiến dịch này và tiến hành các cuộc tấn công đáp trả.
Trong diễn biến khác cùng ngày 15/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Ankara coi thường thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng với Moskva cùng Tehran tại tỉnh Idlib.
Căng thẳng xảy ra trong tháng 2 khi 13 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong xung đột ở Idlib. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ tấn công lực lượng chính phủ Syria ở bất cứ đâu nếu có thêm một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị thương.
Ông Erdogan đã bàn luận về tình hình qua điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/2 và điện đàm cùng người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 15/2. Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters cho biết vẫn chưa có đột phá về ngoại giao.
Phía Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đưa nhiều quân đến Idlib, đã làm trầm trọng thêm tình hình. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quân đội Syria tiến công mạnh là nguyên nhân dẫn đến biến động ở Idlib.