Tại sao Tây An là nơi được chọn để Tần Thủy Hoàng yên giấc nghìn thu?

Hoàng Hiệp |

Tại sao lăng mộ Tần Thủy Hoàng lại được đặt ở Tây An?

Đến nay thì Lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được khai quật toàn bộ. Đó là một trong những lăng mộ lớn nhất thế giới. Còn về lí do đặt vị trí lăng mộ thì có nhiều nguyên nhân.

Phải khẳng định Tây An không phải quê hương nơi Tần Thủy Hoàng sinh ra. Theo "Sử Kí" của Tư Mã Thiên thì ông sinh ra ở Hàm Đan (là kinh đô nước Triệu thời chiến quốc, nay thuộc tỉnh Hà Bắc). Vì các lí do chính trị mà cha ông là Tần Trang Tương Vương phải lưu lạc nên Tần Thủy Hoàng thậm chí không được sinh ra ở đất nước mà mình sẽ lãnh đạo sau này.

Có nhiều người cho rằng sở dĩ Tần Thùy Hoàng chọn khu vực gần phía bắc núi Ly Sơn ở Tây An làm nơi an nghỉ bởi đây là nơi được đồn rằng chưa nhiều "Kim Hoàng Mỹ Ngọc" (tức trong núi có nhiều đá quý, vàng bạng chưa khai thác). Tuy nhiên, đây chỉ là những giả thuyết truyền miệng và ít có căn cứ khoa học nên khó chấp nhận.

Tại sao Tây An là nơi được chọn để Tần Thủy Hoàng yên giấc nghìn thu? - Ảnh 1.

Thành cổ Tây An ngày nay (Ảnh: Phatphapungdung.com)

Vậy tại sao nơi đây được chọn làm nơi an nghỉ của vị hoàng đế lừng danh này?

Dựa theo các nghiên cứu khảo cổ nghiêm túc thì việc núi Lý Sơn, Tây An được chọn làm nơi chôn cất vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất là vì những quy tắc, quan niệm tang lễ, an táng thời điểm đó. Đặc biệt, đó là các quy tắc thể hiện tính phân biệt thứ hạng, tôn ti, đẳng cấp giữa bề trên và kẻ dưới.

Trong lăng mộ của các vị hoàng đế, sụ phân biệt này ngày càng phải thật sâu sắc. Cụ thể trong sách "Kinh Lễ" (một trong Ngũ Kinh của Khổng Tử, ghi chép về lễ nghi thời Chiến Quốc) và sách "Nhĩ Nhã thư" (một bộ từ điển đồng thời là một tác phẩm của Nho giáo về lễ nghi, ngôn từ) đều chép nội dung như sau: "Hướng Nam hướng Bắc, Tây phương lập Thượng" – ý nói bất kể là kẻ xuất thân từ Nam hay Bắc thì khi chết chôn cất ở hướng Tây mới thể hiện sự cao quý.

Tại sao Tây An là nơi được chọn để Tần Thủy Hoàng yên giấc nghìn thu? - Ảnh 2.

Người xưa coi bậc tôn quý mới được đặt lăng mộ ở phía Tây và Tần Thủy Hoàng không phải ngoại lệ (Ảnh: Techz.com)

Còn trong sách "Luận Hành" của Vương Sung (một học giả vô thần, nhà triết học phương Đông theo trường phái duy vật nổi tiếng thời Đông Hán) cũng viết: "Trưởng giả chi lập, Tôn giả chi lập đều ở tại hướng Tây, kẻ Ti Ấu mới tại phía Đông" . 

Trưởng giả và Tôn giả tức ám chỉ người có thân phận cao quý, tuổi đời lớn. Còn kẻ Ti Ấu là ám chỉ người xuất thân hèn mọn, kẻ ít tuổi đời. Cả câu trên ý nói lập mộ thì Tây phương là nơi dành cho bậc cao nhân, Đông phương dành cho kẻ hèn mọn.

Như vậy, các lễ nghi thời điểm đó đều coi trọng việc lăng mộ đặt ở phía Tây. Lãnh thổ Trung Hoa khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước thì Tây An là khu vực gần cực Tây của quốc gia này.

Thêm vào đó, cũng theo các nghiên cứu thì tổ mẫu của Tần Thủy Hoàng là Tuyên Thái Hậu (người phụ nữ nổi tiếng mưu lược, thao túng cả quyền lực trong triều đình, danh xưng "Thái hậu" cũng khởi điểm từ bà) được chôn cất tại Tây An cùng với chồng là Tần Chiêu Tương Vương (cụ nội Tần Thủy Hoàng).

Ngoài ra, theo một số chuyên gia thì việc lăng một Tần Thủy Hoàng còn được xây dựng trên gần núi Ly Sơn ở Tây An vì còn theo quy tắc phong thủy thời ấy gọi là "Y Sơn Tạo Lăng" (xây mộ phải dựa vào núi). 

Không chỉ Tần Thủy Hoàng, thời Xuân Thu tới Chiến Quốc, các quốc vương của những quốc gia nhỏ cũng luôn xây dựng nơi an nghỉ theo nguyên tắc này, việc xây lăng trên núi cao thể hiện rằng họ sẽ luôn được ngồi trên cao quan sát và chiêm ngưỡng đất nước mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại