Dù có muốn thừa nhận hay không thì sự thật là biến đổi khí hậu vẫn có thật. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra, gây nên nhiều hậu quả tiêu cực cho thế giới này.
Các nhà khoa học cho biết, một trong những vấn đề biến đổi khí hậu có thể gây ra là khiến cho thế giới trở nên căng thẳng hơn. Lý do thì cực kỳ dễ hiểu: Trái đất nóng lên làm tăng tần suất thảm họa thiên nhiên, nước biển xâm lấn đất liền, cộng thêm hạn hán kéo dài khiến nguồn cung thực phẩm bị thu hẹp. Con người khi ấy sẽ buộc phải đấu tranh để giành đất đai và tài nguyên, và bởi khoa học quân sự đã quá phát triển, hệ quả tất yếu sẽ là những cuộc chiến đẫm máu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm này. Theo một nghiên cứu mới đây từ ĐH California, Berkeley (Hoa Kỳ), chiến tranh sẽ không thể kéo dài mãi bởi tài nguyên thiên nhiên là có hạn. Khi thức ăn, nước uống và đất đai đạt đến mức độ khan hiếm tột cùng, chiến tranh cũng sẽ dần biến mất.
Bởi lẽ, đất mẹ khi đó chẳng còn gì để mà tranh giành nữa
Theo Michele Muller-Itten - chuyên gia kinh tế vi mô từ ĐH California, Berkely, sau nhiều năm hứng chịu thảm họa thiên nhiên, hạn hán và mất mùa, việc gây chiến thậm chí sẽ còn tạo ra những tổn hại lớn hơn so với những gì có thể thu lại được.
"Xét cho cùng thì tự cổ chí kim, việc xâm chiếm đất đai của các cộng đồng láng giềng chủ yếu là vì chiến lợi phẩm thu lại mang tiềm năng lợi nhuận lớn," - Michele chia sẻ.
"Khi đất đai cằn cỗi, nước khan hiếm hơn, đó sẽ là tác nhân gây chiến tranh. Nhưng khi ở đâu cũng vậy, thì các cuộc chiến cũng chẳng có lý do gì để xảy ra."
Để thử nghiệm giả thuyết này, Muller-Itten và các cộng sự đã thử lập ra một mô hình từ năm 2009, để kiểm chứng ý tưởng tương lai khô cằn sẽ gây ra mâu thuẫn giữa các quốc gia. Dẫu vậy, cô cũng lưu ý rằng mô hình này không mang tính chất dự đoán cụ thể, mà nhằm chỉ ra những rủi ro và lợi ích của các cuộc chiến trong tương lai.
Khi đất mẹ chẳng còn gì để tranh giành, chiến tranh cũng không còn ý nghĩa nữa
Các chuyên gia đặt giả thuyết về 2 nhóm nông dân - những người sẵn sàng gây chiến khi đất đai của họ trở nên hạn chế. Ngoài ra, mô hình còn tính đến yếu tố lượng mưa thay đổi trong tương lai.
Kết quả, việc hạn hán xảy ra thường xuyên hơn quả thực sẽ gây ra mâu thuẫn, nhưng không có bất kỳ cơ sở nào khẳng định mâu thuẫn sẽ diễn ra mãi mãi khi nguồn nước trở nên khan hiếm tột cùng. Trong trường hợp hạn hán xảy ra bất thường, mâu thuẫn sẽ xảy ra. Nhưng khi nó diễn ra thường xuyên, tỉ lệ bạo lực cũng giảm đi.
Hay nói cách khác là đến một thời điểm nào đó, biến đổi khí hậu sẽ trở thành một thứ gì đó hết sức bình thường, buộc con người phải thích nghi và chung sống với nó. Với các nông dân, việc gây chiến sẽ tạo ra tổn thất còn to lớn hơn so với những gì thu lại được nếu thắng cuộc.
"Nếu lượng mưa thay đổi với xu hướng ít dần, mâu thuẫn và bạo lực không hẳn sẽ gia tăng. Thay vào đó, biểu đồ lượng mưa sẽ "lên bổng xuống trầm", bởi con người sẽ điều chỉnh hành vi của họ dựa trên thu nhập chung."
Dẫu vậy thì ở thời điểm hiện tại, nghiên cứu chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ, và chưa tính đến toàn bộ tác động từ hạn hán đến chiến tranh của loài người. Trong khi đó nếu nhìn vào thực tế ngắn hạn, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ tội phạm tại Mỹ đã tăng lên, và dự đoán sẽ có thêm 3,2 triệu vụ phạm pháp khác cho đến cuối thế kỷ. Và tất cả tuân theo xu hướng biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.
Tham khảo: Science Alert