Các loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa gì?

Thanh Tú |

Mâm ngũ quả là lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết cổ truyền của mỗi gia đình người Việt, song ý nghĩa của từng loại quả thì không phải ai cũng nắm rõ.

Các gia đình ở miền Bắc, Trung, Nam lại có cách bày mâm ngũ quả riêng, với nhiều loại quả khác nhau.

Mâm ngũ quả trưng Tết Nguyên đán của gia đình miền Bắc thường có năm loại, gồm chuối xanh, bưởi (hoặc phật thủ), đào, hồng, quýt (hoặc cam, quả quất). Chuối và bưởi là thứ không thể thiếu. Khi sắp xếp, chuôi được để dưới để đỡ lấy các quả khác, ở giữa là bưởi hoặc quả phật thủ. Còn lại bày xung quanh, xen kẽ cho vừa vặn, đẹp mặt.

Mâm ngũ quả của người miền Nam bày biện theo mong muốn "cầu sung vừa đủ xài", mong một năm mới sung túc, đủ đầy, tương ứng 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

Người miền nam "kỵ" cúng chuối, họ cho rằng chuối có phát âm tiếng miền Nam gần giống "chúi", làm ăn không phất lên được, dễ gặp nguy khó. Cam, quýt, lê cũng không được bày ở mâm ngũ quả Tết vì ý nghĩa không tốt đẹp theo quan niệm của họ.

Mâm ngũ quả của người miền Trung: Miền Trung có thời tiết khắc nghiệt, thường chịu ảnh hưởng của thiên tai do đó người dân không đặt nặng việc phải có một mâm ngũ quả cầu kỳ. Họ bày biện những loại quả thường có, miễn là thành tâm, gồm: chuối, dưa hấu, thanh long, cam, quýt, dứa, sung...

Dưới đây là ý nghĩa của một số loại quả có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền:

Quả chuối: Tượng trưng con cháu sum vầy, quây quần đầm ấm, màu xanh ứng với Mộc

Quả phật thủ hoặc bưởi: Mong muốn an khang thịnh vượng, màu vàng ứng với Kim. Riêng phật thủ, có ý kiến cho rằng, loại quả này còn tượng trưng cho bàn tay Đức Phật ngự trị trong đời sống tâm linh mỗi người, trưng phật thủ trong ngày Tết với ý nghĩa mong một năm mới nhiều an lành, vui vẻ, no ấm.

Quả quất, quả hồng: Tượng trưng cho sự may mắn, màu đỏ ứng với Hỏa

Quả sung hoặc quả mây: Tượng trưng cho sự sung túc, no ấm, màu xám ứng với Thổ

Quả lê hoặc dưa lê: Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến, màu trắng ứng với Thủy.

Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.

Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.

Đào: Thể hiện sự thăng tiến.

Táo: Phú quý, giàu sang.

Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

Dừa: Người miền Nam phát âm là “vừa”, ý muốn cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.

Thanh Long: Rồng mây hội tụ, biểu trưng cho sự phát tài phát lộc.

Dưa hấu: Hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

Thơm (miền Nam gọi là khóm): Với dáng như rồng (thân có vảy như vảy rồng), có ý nghĩa mang lại sự giàu có, may mắn và thịnh vượng.

Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.

Quả trứng gà: Lộc trời cho.

(Thông tin mang tính chất tham khảo)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại