Mỹ - Iran 'khẩu chiến' trên mạng xã hội Trung Quốc

Phương Anh |

Các nhà ngoại giao Mỹ và Iran "khẩu chiến" trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo của Trung Quốc khi căng thẳng hai nước leo thang sau vụ Mỹ tiêu diệt tướng Soleimani.

Ông Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, chết trong một cuộc không kích gần sân bay Baghdad hôm 3/1.

Cái chết của ông châm ngòi các cuộc biểu tình chống Mỹ hàng loạt ở Iran và Iraq. Tehran cũng trả đũa bằng một cuộc tấn công tên lửa vào căn cứ của Mỹ.

Ba ngày sau vụ tấn công tên lửa ngày 3/1 giết chết Soleimani, Đại sứ quán Iran tại Bắc Kinh đăng bản dịch trạng thái Twitter từ Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Mohammad Javad Zarif, gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông nhắc đến đám đông đang than khóc Tướng Soleimani, hỏi: "Ông đã bao giờ nhìn thấy một biển người như vậy trong đời chưa? Ông vẫn muốn lắng nghe những tên hề cố vấn cho ông về khu vực của chúng tôi? Ông vẫn còn tưởng tượng mình có thể phá vỡ ý chí của quốc gia vĩ đại này và người dân không?"

Ngoại trưởng Iran mô tả sự kiện là đánh dấu sự kết thúc việc Mỹ hiện diện tại Tây Á, thứ mà Đại sứ quán Iran ở Bắc Kinh dịch là "sự kết thúc của các thế lực tà ác của Mỹ".

Trong những ngày sau, cụm từ liên tục xuất hiện trong các bài đăng trên Weibo của Đại sứ quán Iran, trong khi Đại sứ quán Mỹ phản ứng lại, cáo buộc ông Soleimani "xuất khẩu khủng bố", làm bùng lên bạo lực giáo phái và gây ra hàng nghìn cái chết.

Ngược lại, tài khoản Twitter của Đại sứ quán Mỹ đưa ra ít bình luận hơn về tranh chấp và phần lớn là những lời hùng hồn ủng hộ các bình luận của Bộ Ngoại giao nước này. Một số ý kiến cho rằng thật trớ trêu khi hai đại sứ quán cãi nhau bằng tiếng Trung trên một nền tảng nơi các chủ đề nhạy cảm thường xuyên bị kiểm duyệt.

Tuần trước, một phát ngôn viên của Facebook nói với CNN rằng các bài đăng ủng hộ Soleimani bị xóa khỏi trang mạng xã hội này và Instagram, để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng hai đại sứ quán đã có thể cãi nhau "thả cửa" trên Weibo.

Theo SCMP, dù mâu thuẫn ngoại giao trên Weibo khá hiếm nhưng đây không phải lần đầu tiên cư dân mạng Trung Quốc chứng kiến xung đột thế này. Năm 2014, vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine cũng châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến giữa đại sứ quán Nga và Ba Lan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại