3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công "cứu thế giới" là ai?

Trang Ly |

"Thế giới còn rất nhiều người hùng đã, đang và sẽ thực hiện những điều phi thường nhưng đầy âm thầm vì một tương lai bền vững của nhân loại và sự sống còn trên Trái Đất".

Trong lịch sử, đã từng có thời điểm cả thế giới lâm vào bờ vực của chiến tranh hủy diệt, của những thảm họa khó lòng cứu chữa. Đứng trước ranh giới ngặt nghèo mong manh đó, có những quyết định đúng đắn đã được đưa ra, nhờ đó giúp hàng triệu triệu sinh mạng tránh được những hiểm họa khôn lường.

Là ai từng cứu thế giới? Là ai đã hết lòng ngăn chặn và đấu tranh để cuộc sống của nhiều người không bị đảo lộn? Đó là những người hùng thầm lặng mà nếu không được Future of Life Institute (FLI) - Viện nghiên cứu tương lai của Mỹ vinh danh, họ sẽ mãi mãi là những cái tên được lịch sử âm thầm lưu danh.

Viết lời tựa cho giải thưởng Future of Life Award trị giá 50.000 USD, Viện FLI (mà tỷ phú Elon Musk nằm trong ban cố vấn) viết: Future of Life Award là nỗ lực vinh danh tên tuổi và công lao cho một cá nhân có những cống hiến ý nghĩa cho nhân loại, giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn, mà họ không nhận được nhiều sự công nhận vào thời điểm đó. Hai người đầu tiên trên thế giới nhận giải thưởng trị giá 50.000 USD của chúng tôi (FLI) là Vasili Arkhipov và Stanislav Petrov, những người có hành động anh hùng giúp ngăn chặn chiến tranh hạt nhân toàn diện vào các năm 1962 và 1983.

Vào năm 2019, chúng tôi tiếp tục vinh danh người hùng thứ ba - Tiến sĩ Matthew Meselson, người đi đầu trong việc vận động lệnh cấm quốc tế đối với các loại vũ khí sinh học.

Chúng tôi tin rằng, ngoài kia còn rất nhiều người hùng chưa được vinh danh. Họ đã-đang-sẽ thực hiện những điều phi thường nhưng đầy âm thầm vì một tương lai bền vững của nhân loại và sự sống trên Trái Đất. Nhờ thế, họ hoàn toàn xứng đáng!

Tính cho đến nay, thế giới mới chỉ có 3 người là Vasili Arkhipov - Stanislav Petrov - Tiến sĩ Matthew Meselson nhận giải thưởng trị giá 50.000 USD của Viện FLI. Vậy họ là ai? Hãy cùng FLI kể lại những câu chuyện thần kỳ về họ...

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 1.

Ngày 27/10/1962, sĩ quan Hải quân Liên Xô Vasili Arkhipov đã một mình ngăn chặn chiến tranh hạt nhân khi cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra căng thẳng nhất - Lịch sử gọi ngày đó là "Thứ Bảy đen tối".

Cụ thể tình hình lúc đó ra sao?

Thập kỷ 1960 là lúc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra căng thẳng nhất. Bất kỳ động thái nào dù nhỏ nhất của bên này cũng bị tình báo đối phương giải mật.

Nhận lệnh Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev, tháng 9/1962 Liên Xô và Cuba âm thầm xây dựng những căn cứ bí mật trên đất Cuba nhằm triển khai tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm trung, có khả năng đánh trúng một số mục tiêu trên đất Mỹ.

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 2.

Vasili Alexandrovich Arkhipov sinh ngày 30/1/1926 - mất ngày 19/8/1998. Ảnh gốc: COURTESY OF M. YAROVSKAYA AND A. LABUNSKAYA

Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhanh chóng đáp trả: Một mặt yêu cầu Liên Xô tháo dỡ các căn cứ triển khai tên lửa đầu đạn hạt nhân tại Cuba; Mặt khác ra lệnh cho Hải quân Mỹ phong tỏa Cuba. Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ cũng nhanh chóng đặt vào tình trạng báo động Defcon 2 - mức cảnh báo cao thứ hai cho chiến tranh hạt nhân.

Ngày 27/10/1962 - Ngày "Thứ Bảy đen tối" được xem là ngày đối đầu căng thẳng nhất giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba. Hôm đó, 11 tàu khu trục Mỹ và tàu sân bay USS Randolph "có mối quan tâm đặc biệt" đến tàu ngầm lớp Foxtrot của Liên Xô, B-59, khi đó đang hoạt động ngoài khơi Cuba.

Vì muốn B-59 trồi lên mặt nước đầu hàng, các tàu khu trục và tàu sân bay Mỹ đã tấn công tàu ngầm Liên Xô này mà không hề hay biết rằng trên B-59 chứa một ngư lôi hạt nhân, đầu đạn 10 kiloton.

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 3.

Thuyền trưởng tàu ngầm B-59 của Liên Xô là Đại tá Valentin Grigorievitch Savitsky và sĩ quan chính trị Ivan Semonovich Maslennikov một mực khẳng định, Mỹ muốn gây hấn với Liên Xô và sẵn sàng đáp trả hành động khiêu khích này bằng việc phóng ngư lôi chứa đầu đạn hạt nhân vào tàu Mỹ.

Người duy nhất phản đối màn đáp trả hủy diệt này chính là thuyền phó Vasili Arkhipov. Không nhiều người biết được tại sao Vasili Arkhipov lại có hành động mà cựu Giám đốc Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ Thomas Blanton về sau gọi là "cứu nhân loại" ấy có thể bình tĩnh phủ quyết lệnh tấn công hạt nhân về phía Mỹ lúc đó trên chiếc B-59.

Cũng phải nói rõ một vấn đề, tàu ngầm B-59 đang ở dưới nước sâu, và thuyền trưởng Savitzky cùng sĩ quan chính trị Maslennikov không thể liên lạc ngay lập tức với các quan chức Liên Xô để nhận lệnh tấn công hay không. Do đó, giao thức của Hải quân Liên Xô là cho phép bộ ba thuyền trưởng-thuyền phó-sĩ quan chính trị đưa ra quyết định. Một vụ tấn công hạt nhân chỉ xảy ra nếu đủ 3 phiếu đồng ý của 3 nhân vật này.

Nhờ sự kiên định của Vasili Arkhipov, thế giới tránh được cuộc chiến hủy diệt mang tên chiến tranh hạt nhân.

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 4.

Chủ tịch FLI Max Tegmark trao giải thưởng Future of Life Award cho con gái Vasili Arkhipov là Elena, và cháu trai Sergei. Photo: Viện FLI

55 năm sau hành động dũng cảm của mình, sĩ quan Hải quân Liên Xô Vasili Arkhipov quá cố đã được Viện FLI truy tặng giải thưởng Future of Life Award trị giá 50.00 USD và năm 2017.

Thay mặt cha lên nhận giải thưởng, con gái của Vasili Arkhipov xúc động nói: "Tôi tin rằng, cha tôi khi ấy chỉ nghĩ rằng ông phải những gì cho là đúng đắn nhất và không bao giờ coi hành động của mình là chủ nghĩa anh hùng. Gia đình chúng tôi rất cảm kích và biết ơn giải thưởng cao quý này và coi đó là sự ghi nhận từ những hàng động của cha tôi, góp phần tạo dựng tương lai để mọi người có thể sống tốt đẹp hơn trên hành tinh này."

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 5.

Năm 2018, Viện FLI tiếp tục trao giao thưởng Future of Life Award cho Stanislav Petrov, người hùng đã giúp ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân toàn diện có khả năng nổ ra giữa Liên Xô và Mỹ ngày 26/9/1983.

Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon phát biểu: Thật khó tưởng tượng thứ gì tàn khốc hơn cho nhân loại bằng cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên, thảm kịch hạt nhân ngày 26/9/1983 đã bị ngăn chặn nhờ những quyết định khôn ngoan của Stanislav Yevgrafovich Petrov. Anh ấy xứng đáng nhận được sự cảm kích và lòng biết ơn sâu sắc của nhân loại. Đã đến lúc đoàn kết để đưa thế giới thoát khỏi nỗi sợ mang tên vũ khí hạt nhân và cùng nhớ về hành động dũng cảm của Stanislav Petrov."

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 6.

Sĩ quan Phòng không Liên Xô Stanislav Yevgrafovich Petrov sinh ngày 7/9/1939 - Mất ngày 19/5/2017. Photo: Internet

Viện FLI bình luận: "Di sản" lớn nhất từ cuộc Chiến tranh Lạnh có lẽ là kho vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt khổng lồ của Mỹ và Liên Xô. Trước cuộc đối đầu căng thẳng, nhân loại thế kỷ 20 không ít lần bị "bóng ma" chiến tranh hạt nhân ám ảnh. Đây là những nỗi sợ thường trực bởi công bằng mà nói, vũ khí hạt nhân và hệ quả của nó vô cùng khủng khiếp.

Không chỉ bị ám ảnh bởi các cuộc xung đột hạt nhân, những sự cố hạt nhân (nổ nhà máy hạt nhân, máy bay chở vũ khí hạt nhân gặp nạn...) cũng khiến thế giới rơi vào tình trạng nguy kịch. Giới quân sự Mỹ sử dụng hẳn thuật ngữ "Broken Arrow" (Mũi tên gãy) để chỉ các sự cố liên quan đến vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Giới học giả thời này đưa ra công thức CW + NW = NA (+ M3) [Nghĩa là: Chiến tranh Lạnh + Vũ khí hạt nhân = Tai nạn hạt nhân (+ Truyền thông sai lầm, Tính toán sai lầm, Quyết định sai lầm)] để nói về những vụ tai nạn hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô.

Ngày 26/9/1983, sĩ quan Phòng không Liên Xô Stanislav Petrov đã có công cứu thế giới thoát khỏi nguy cơ xung đột hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Liên Xô.

Sự việc diễn ra như thế nào?

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 7.

Đêm ngày 26/9, hệ thống máy tính tại vùng quân sự Serpukhov-15 (ngoại ô Moskva) - nơi đặt trung tâm chỉ huy của hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm Liên Xô - 2 lần cảnh báo 5 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ đang hướng về Liên Xô.

Sĩ quan Phòng không Liên Xô Stanislav Petrov khi đó đảm nhận nhiệm vụ trực ban, nhanh trí nghi ngờ rằng hệ thống máy tính có thể gặp trục trặc, đưa ra cảnh báo sai và thành công trong việc thuyết phục cấp trên về điều tương tự. Stanislav Petrov lập luận: Nếu Mỹ tấn công phủ đầu Liên Xô thì Mỹ sẽ chọn số lượng tên lửa đạn đạo nhiều hơn con số 5; Và ông cho rằng Serpukhov-15 nên chờ xác nhận radar mặt đất trước khi tiến hành phản công.

Quả thực, tính toán và quyết định của Stanislav Petrov hoàn toàn đúng. Phía Mỹ không hề phóng 5 tên lửa đạn đạo chứa đầu đạn hạt nhân về Liên Xô. Và thế, chiến tranh hạt nhân đã không xảy ra.

Điều tồi tệ gì sẽ xảy ra nếu khi đó, vì hiểu lầm Mỹ, Liên Xô phát động một cuộc tấn công hạt nhân nhằm về phía địch thủ. Washington khi đó sở hữu kho vũ khí hạt nhân nhiều không kém Liên Xô, và sẵn sàng đáp trả mọi hành động gây chiến của Moskva.

Năm 2014, Đan Mạch đã sản xuất bộ phim tài liệu "The Man Who Saved the World" để ghi nhớ những hành động của sĩ quan Phòng không Liên Xô Stanislav Petrov.

Năm 2018, Viện FLI truy tặng giải thưởng Future of Life Award cho Stanislav Petrov. Lên nhận giải thay cho cha là con gái của ông Elena.

Cho đến khi qua đời, Stanislav Petrov vẫn nhất mực khiêm tốn khi nói về sự kiện khiến ông trở nên nổi tiếng. "Tôi chỉ đang làm công việc của mình thôi", ông nói.

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 8.

Năm 2019, Viện FLI trao giải Future of Life Award cho Tiến sĩ Matthew Meselson tại Hội nghị về các vấn đề thế giới của Đại học Boulder, bang Colorado, Mỹ.

Tiến sĩ Matthew Meselson hiện đang là nhà di truyền học và nhà sinh học phân tử công tác tại Đại học Harvard (Mỹ).

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 9.

Tiến sĩ Matthew Meselson sinh ngày 24/5/1930. Photo: Đại học Harvard (Mỹ)

Từ năm 1963, ông đã quan tâm đến lĩnh vực phòng thủ hóa học/sinh học và kiểm soát vũ khí bắt đầu từ khi làm việc với Cơ quan giải trừ vũ khí và kiểm soát vũ khí Mỹ, rồi sau đó đảm nhận vai trò cố vấn cho các cơ quan khác nhau của chính phủ.

Ông cũng từng làm việc với Henry Kissinger dưới thời chính quyền Nixon để thuyết phục Tổng thống Richard Nixon từ bỏ vũ khí sinh học, đình chỉ sản xuất vũ khí hóa học và ủng hộ một hiệp ước quốc tế cấm mua lại các tác nhân sinh học cho mục đích thù địch năm 1972, được gọi là Công ước Vũ khí sinh học (BWC).

Những điểm nhấn trong sự nghiệp hết lòng vì các vấn đề nhân đạo của thế giới của Tiến sĩ Matthew Meselson phải kể đến: Chứng minh giả thuyết của Watson và Crick về cấu trúc sự sống DNA; Ngăn chặn việc sử dụng bệnh than làm vũ khí sinh học; Chấm dứt việc sử dụng chất độc da cam; Đặc biệt là một trong những nhà hoạt động tích cực ủng hộ Công ước Vũ khí sinh học ký năm 1972 và tiếp tục có hiệu lực đến ngày nay - Đây là dấu mốc đưa ông trở thành người hùng vì các hoạt động nhân đạo của nhân loại.

3 người đặc biệt trên thế giới nhận 50.000 USD nhờ công cứu thế giới là ai? - Ảnh 10.

"Cảm ơn những đóng góp quan trọng, không ngừng nghỉ của Tiến sĩ Matthew Meselson. Thế giới đã thực hiện được những bước quan trọng trong cấm vũ khí sinh học, đảm bảo những thảm học nhân đạo liên quan không xảy ra với nhân loại." - Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon nói.

Chiến tranh sinh học có thể xóa bỏ ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình. Hậu quả của nó quá lớn, thậm chí là hủy diệt hàng loạt: Tấn công vào DNA về cơ bản có thể thay đổi loài người. Viện FLI vinh danh Matthew Meselson vì những nỗ lực của anh ấy để bảo vệ không chỉ cuộc sống của con người mà còn cả định nghĩa của loài người.

Nhà thiên văn học Hoàng gia Anh Martin Rees cho biết, Tiến sĩ Matthew Meselson là một nhà khoa học vĩ đại - và là một trong số rất ít người cam kết làm cho thế giới an toàn trước các mối đe dọa sinh học. Điều này sẽ trở thành một thách thức quan trọng như việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Những nỗ lực bền bỉ và tận tụy của Tiến sĩ hoàn toàn xứng đáng được vinh danh.

Hướng đến cuộc sống tốt đẹp và hòa bình hơn cho nhân loại ngày nay và về sau là mục đích cao nhất mà Viện FLI mong muốn qua giải thưởng của mình. Mải miết đi về quá khứ để vinh danh những người hùng từng làm nên lịch sử là cách FLI giúp người đời biết ơn sâu sắc cuộc sống mình đang có.

Bài viết sử dụng nguồn: Future of Life Institute

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại