Cách ứng xử khi máy bay bị delay của những doanh nhân thành đạt

ĐS |

Chúng ta thường bắt gặp cảnh một số hành khách nổi giận, trách móc và cãi vã với nhân viên hàng không khi nhận được thông báo máy bay bị delay, hoặc bị hủy chuyến bay. Tuy nhiên, hành động đó thực tế không đem lại lợi ích gì mà thậm chí còn khiến cho hình ảnh của hành khách trở nên khó coi..

Những người thành công sẽ ứng xử như thế nào trong trường hợp này?

Giữ thái độ bình tĩnh và lạc quan khi máy bay bị delay 

Suy nghĩ một cách lạc quan thì bị delay không phải là tình huống xấu nhất khi đi máy bay.

Delay không phải là điều tồi tệ nhất đối với hành khách và các hãng hàng không. Nhiều trường hợp bị cấm bay vì máy bay quân sự hoạt động, phải thay đổi sân bay vì thời tiết xấu, mắc kẹt trong các trận xung đột quân sự, đảo chính, biểu tình trên diện rộng, bãi công... Thậm chí, một số tình huống nguy hiểm buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp vì lý do kỹ thuật, vì hành khách bị bệnh, tử vong hoặc bắt cóc, khủng bố…

Ông Hà Đăng Chính, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Tinh Vân Telecom, cho rằng khi gặp trường hợp máy bay bị delay, "dù có tức giận thì cũng không có lựa chọn khác, phải chấp nhận".

Ông Trần Văn Viển, Giám đốc văn phòng Base.vn tại HCM, thì chủ động: "Tôi luôn dự phòng sẽ bị delay, nên đến khi delay thì không có gì bất ngờ"."

Cụ thể hơn, ông Hoàng Trung Thiên Vương, Giám đốc Marketing của Base.vn, chia sẻ: "Những lúc nhận thông báo delay, tôi vào quán cafe ngay tại sân bay, gọi một món nước yêu thích và tranh thủ giải quyết công việc qua laptop trong lúc chờ đợi. Hoặc có thể mở điện thoại ra đọc tin tức. Đằng nào chúng ta cũng có thay đổi được gì đâu, nên hãy tận hưởng khoảng thời gian này, nếu không gấp gáp. Còn nếu có việc gấp, tôi sẽ đổi chuyến bay khác."

Ông Phạm Quang Anh, chủ tịch Công ty cổ phần Hanel Mirolin, cho rằng ông luôn giữ thái độ bình tĩnh, lạc quan khi gặp trường hợp máy bay bị delay bởi bức xúc cũng chẳng giải quyết được chuyện gì.

Một doanh nhân khác cũng cho rằng trong tình huống máy bay bị delay hoặc hủy chuyến, hãy giữ tinh thần lạc quan. Và trong mọi hoàn cảnh, tất cả những hành động cãi vã, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không... đều có thể sẽ bị an ninh hàng không xử lý.

Tỷ phú Lý Gia Thành từng nói: "Luôn nở nụ cười trước mọi khó khăn, thách thức sẽ giúp bạn trở nên lạc quan hơn và dễ dàng cân bằng mọi chuyện, dù cho nó là chuyện bất ngờ". Câu nói này nên trở thành "thần chú" đối với mọi hành khách cho tình huống máy bay bị delay.

Tìm kiếm phương án khác 

Bên cạnh việc giữ thái độ lạc quan, những người thành công luôn nghĩ đến các phương án như tìm chuyến bay khác có thời gian bay phù hợp đến địa điểm đã lên kế hoạch, hoặc chấp nhận bay chuyển tiếp qua địa điểm trung gian. Nếu không còn chuyến bay nào, vẫn có những giải pháp để khỏi bỏ phí thời gian.

Bà Phan Thị Kim Hương, Phụ trách hoạt động Marketing của Vascara, cho hay: "Khi đi du lịch nước ngoài, tôi luôn mua bảo hiểm du lịch. Nếu có sự cố gì, mình có chi phí đền bù phần nào. Trong thời gian bị delay thì có thể đi khám phá sân bay xem có gì hay".

Trong khi đó, ông Đào Tiến Dương, Thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ hàng không Taseco, sẽ suy nghĩ phương án tùy theo thời gian bị delay.

"Nếu delay trên 3 tiếng mà có công việc cần thiết như họp, hẹn khách hàng thì cách giải quyết là đổi chuyến bay sớm hơn. Dưới 3 tiếng thì thông báo với công ty, khách hàng để đổi kế hoạch và tiếp tục làm việc ngay tại sân bay. Hoặc là ngồi đọc sách" – Ông Dương cho biết.

Làm việc trong lúc máy bay bị delay 

Nếu máy bay bị delay, hủy chuyến bay, những người thành công luôn nhanh chóng sắp xếp lại lịch trình làm việc và tranh thủ giải quyết những công việc có thể xử lý ngay tại phòng chờ sân bay.

Ông Trần Văn Viển, giám đốc văn phòng Base.vn tại Tp.HCM, nói: "Các bạn đừng coi delay là sự cố, hãy đưa nó vào trong kế hoạch, và bạn nên chuẩn bị cho việc này. Tôi thường giải quyết công việc hoặc đọc tin tức, coi như thay vì làm việc ở nhà thì mình làm việc ở sân bay thôi".

Tương tự, ông Đỗ Xuân Tùng, giám đốc công ty Nhân Việt, cho biết: "Nếu bị delay, tôi thường giải trí hoặc làm việc, vì cái đó cũng vui! Tôi hay gọi điện và viết bài, soạn giáo án hoặc trả lời học viên qua chat. Thường thì còn sót lại cái gì, tôi làm nốt".

Cách ứng xử khi máy bay bị delay của những doanh nhân thành đạt - Ảnh 1.

Ông Đỗ Xuân Tùng tận dụng thời gian chậm chuyến bay để giải quyết công việc.

Ông Tùng cũng chia sẻ, thay vì phải "tự mình kiềm chế" cảm giác khó chịu khi máy bay bị delay, ông sẽ nghe các bài chú Tây Tạng, coi như nạp thêm năng lượng.

Ông Phạm Quang Anh, cho biết ông có 3 ưu tiên trong trường hợp máy bay bị delay. Thứ nhất là tìm một quán cà phê ngồi nghỉ ngơi, thư giãn. Thứ hai, trong trường hợp delay lâu, ông sẽ vừa uống cà phê vừa lấy máy tính ra giải quyết công việc. Thứ ba, ông có thể kiểm một chỗ để chợp mắt, tái tạo năng lượng cho buổi làm việc sau đó.

Tận dụng từng phút giây để kết nối 

88% người giàu đồng ý rằng: "Các mối quan hệ rất quan trọng cho sự thành công". Họ không chỉ nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của các mối quan hệ, mà còn rất nỗ lực để duy trì và ngày càng mở rộng chúng. Không chỉ tìm kiếm và nói chuyện với những người giống như mình, họ luôn cởi mở và xây dựng mối quan hệ với tất cả những người xung quanh.

Ông Đào Tiến Dương cho biết, trong nhiều lần bị delay, ông có thể quan sát xung quanh, kết nối để tìm mối quan hệ mới. Phòng chờ thương gia là nơi khá thú vị để các doanh nhân gặp gỡ nhau.

"Trong chuyến bay delay 4 tiếng từ Hà Nội và TP.HCM vì bão. Tôi lấy giấy bút ra phác họa nốt vài mẫu thiết kế áo thun dang dở. Vô tình một hành khách cùng chuyến nhìn thấy và hứng thú với các mẫu này. Hai bên trong lúc chờ đợi đã trao đổi công việc và chốt luôn một loạt ý tưởng cho những thiết kế mới. Sau chuyến đi đó, tôi đã có một khách hàng "khủng" và giờ hai bên đang là đối tác của nhau", Lê Thành Việt (25 tuổi, Hà Nội) một chuyên viên thiết kế chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Dương (35 tuổi, TP.HCM), một biên kịch trẻ, chuyên phát triển ý tưởng cho các chương trình truyền hình thực tế cho biết: "Cường độ công việc cao, tôi di chuyển bằng máy bay và gặp tình trạng delay không ít. Những lúc đó, tôi tận dụng thời gian quan sát thái độ của mọi người, bao gồm cả hành khách, nhân viên mặt đất và đặc biệt là làm quen, trò chuyện với những hành khách cùng hoàn cảnh. Có lúc, tôi được nói chuyện với doanh nhân, kỹ sư, giáo viên, bà nội trợ, từ người cao tuổi đến bạn thanh niên và có khi bị cuốn vào những câu chuyện thú vị của bác nông dân lần đầu biết máy bay là gì. Tất cả những điều đó đều mang đến chất liệu, cảm hứng và nguồn sáng tạo cho tôi trong công việc".

Và với mọi hành khách, khoảng thời gian chờ đợi ở sân bay do máy bay bị delay chính là lúc để chúng ta gọi điện, gửi lời thăm hỏi đến cha mẹ, bạn bè, những mối quan hệ cũ… và là cơ hội tuyệt vời để kết nối, trò chuyện với những người bạn mới hay thậm chí tìm thấy cả một cơ hội kinh doanh mới mẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại