Nội bộ đánh nhau “sứt đầu mẻ trán”, NATO mất uy trước Nga?

Kiệt Linh |

Chỉ vài tuần sau khi NATO gạt sang một bên những bất đồng nội bộ để tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh, NATO lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ vì cuộc đối đầu căng thẳng, chưa có hồi kết giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuần này cho biết liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ phải thảo luận về việc họ sẽ phải làm gì trước sự thiếu cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara thực hiện lời đe dọa phong tỏa không cho Mỹ tiếp cận với các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chức ở “đại bản doanh” của NATO ở Brussels cho hay, chưa có ai đả động gì đến lời đe dọa đóng cửa căn cứ quân sự của Ankara chứ đừng nói đến là việc loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Dù vậy, những phát biểu của ông Esper về Thổ Nhĩ Kỳ đang làm dấy lên quan ngại về viễn cảnh NATO sẽ phải đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất cả các bên đều thừa nhận rằng, “việc giữ Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO là lợi ích của tất cả các bên”, cựu Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow mới đây cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên, NATO đang làm Thổ Nhĩ Kỳ tức giận vì hai lý do: Thứ nhất, Ankara cáo buộc NATO không quan tâm nghiêm túc đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ; thứ hai, Ankara cáo buộc NATO có lập trường khiêu khích trong vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga.

Không có cơ chế nào trong hiệp ước thành lập NATO cho phép loại bỏ một thành viên của liên minh. Tất cả điều này giải thích lý do tại sao liên minh 29 thành viên đã tìm cách xoa dịu những bất đồng sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp tại hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra hồi đầu tháng này ở London. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những mâu thuẫn căng thẳng đó biến mất. Giới lãnh đạo EU đã thảo luận về tình trạng nguy hiểm trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, sự lựa chọn dành cho họ là hạn chế.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa sẽ tìm cách đóng cửa căn cứ không quân Incirlik và một căn cứ khác nếu Mỹ tiến xa hơn bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

"Sẽ là điều rất quan trọng cho cả hai bên nếu Mỹ không thực hiện các biện pháp không thể đảo ngược được... Thổ Nhĩ Kỳ tất nhiên sẽ đáp trả bất kỳ đòn trừng phạt nào từ Mỹ. Nếu cần, chúng tôi sẽ đóng cửa cả hai căn cứ Incirlik and Kurecik", ông Erdogan tuyên bố cứng rắn.

Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ công khai việc họ sẵn sàng thẳng tay trả đũa đồng minh Mỹ nếu chính quyền của ông Donald Trump tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ về hợp đồng S-400. Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong một cuộc trả lời phỏng vấn được phát sóng trên đài truyền hình A Haber hôm 11/12 đã cảnh cáo rằng, Ankara có thể sẽ tìm cách đóng cửa căn cứ không quân Incirlik và trạm radar Kurecik mà Mỹ đang sử dụng trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Căn cứ Kurecik có trạm radar cảnh báo sớm do quân đội Mỹ lắp đặt và nó đóng vai trò chiến lược trong mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO.

Lời đe dọa trả đũa được giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tung ra sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 11/12 đã thông qua một dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Các biện pháp trừng phạt nếu được Thượng viện Mỹ thông qua và được Tổng thống Trump phê chuẩn sẽ bao gồm việc phong tỏa các tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ, giới hạn hoạt động cấp visa cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế việc nước này tiếp cận với tín dụng.

Cuộc đối đầu kéo dài không khoan nhượng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra hậu quả lâu dài cho NATO – đó là những mâu thuẫn nội bộ không thể hóa giải và nó sẽ ảnh hưởng đến sự đoàn kết, bền vững của liên minh quân sự mạnh nhất thế giới. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh NATO đang đối đầu kịch liệt với Nga. Một NATO lục đục trong nội bộ và suy yếu sẽ là điều Moscow mong muốn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại