Biên chế tàu sân bay ở "cửa ngõ Biển Đông", ý đồ của Trung Quốc là gì?

Thi Anh |

"Tàu sân bay Sơn Đông nhắm tới mục đích làm chủ cả trời lẫn biển" - truyền thông TQ ngang nhiên tuyên bố, đồng thời đề cập tới khả năng "chạm trán trực diện" với tàu nước ngoài.

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin: Nước này đã đưa vào biên chế tàu sân bay thứ hai của nước này, đồng thời là tàu sân bay tự chế đầu tiên - mang tên Sơn Đông ở một căn cứ hải quân tại Tam Á, đảo Hải Nam - "cửa ngõ của Biển Đông". Đây cũng là cảng nhà của tàu sân bay này.

"Cửa ngõ của Biển Đông": Thông điệp của TQ?

Theo truyền thông Trung Quốc, tàu sân bay Sơn Đông sẽ được sử dụng cho chiến đấu, chủ yếu nhằm mục đích chiếm quyền kiểm soát trên biển, chứ không tập trung vào huấn luyện như tàu sân bay Liêu Ninh.

"Khu vực tập trung chiến lược chính của Sơn Đông sẽ là vùng biển quanh Biển Đông", SCMP trích dẫn từ bài xã luận đăng trên tài khoản mạng xã hội liên kết với Nhân dân Nhật báo cho hay.

Đề cập tới hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông của các nước khác trong thời gian qua, bài xã luận nhấn mạnh: "Nhóm tác chiến tàu sân bay do Sơn Đông dẫn đầu cũng sẽ được triển khai ở Biển Đông. Nhiều khả năng nhóm này sẽ phải chạm trán trực diện với các tàu bè của quân đội nước ngoài".

"Sơn Đông nhắm tới mục đích làm chủ cả trời lẫn biển", truyền thông Trung Quốc hung hăng tuyên bố.

Chuyên gia của Japan Times cho rằng, việc chọn Hải Nam làm cảng nhà được xem như thông điệp Bắc Kinh sẽ không nhún nhường ở khu vực Biển Đông.

"Tam Á tạo điều kiện xâm nhập Biển Đông một cách dễ dàng và là khu phức hợp hải quân lớn nhất kiểu như vậy ở châu Á", Hoàn Cầu nói trong bài viết đăng tải trên trang.

Tờ này còn dẫn nguồn tin quân sự không xác định nói rằng, việc triển khai tàu sân bay mới ở Tam Á "cũng nhằm mục đích răn đe các lực lượng ủng hộ độc lập ở Đài Loan".

"Đó là lý do vì sao tàu sân bay này di chuyển qua eo Đài Loan trên đường tới Tam Á hồi tháng trước", nguồn tin của Hoàn Cầu tiết lộ.

Khả năng chiến đấu song hạm

Sơn Đông là phiên bản cải tiến từ thiết kế lớp Kuznetsov, có trang bị hệ thống cầu và radar tiên tiến. Truyền thông Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay này có thể chở theo 36 tiêm kích J-15, nhiều hơn so với tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh.

Hoàn Cầu khẳng định rằng "tàu sân bay thứ hai không phải bản sao của tàu thứ nhất, mà mạnh mẽ hơn nhiều" nhưng theo Japan Times, một số nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này, cũng như năng lực của Sơn Đông.

Không kể đến phương diện kỹ thuật, động thái biên chế Sơn Đông được các chuyên gia Trung Quốc cho là sẽ giúp Hải quân Trung Quốc có nhiều lựa chọn hơn trong việc sử dụng tàu sân bay.

Về mặt vị trí, Sơn Đông hoạt động ở Nam Á, rất gần với Biển Đông, trong khi Liêu Ninh được biên chế ở Thanh Đảo, gần biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Bột Hải.

Hoàn cầu dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Wei Dongxu cho rằng, tàu sân bay thứ hai hoạt động ở phía Nam Trung Quốc còn có thể di chuyển từ Biển Đông ra Thái Bình Dương, thậm chí Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, một khả năng khác được các chuyên gia quân sự Trung Quốc đề cao là khả năng thành lập nhóm chiến đấu song hạm để gia tăng năng lực chiến đấu lên mức tối đa. Như vậy, một tàu sân bay có thể ở gần đất liền để làm nhiệm vụ cảnh báo, còn một tàu sân bay có thể di chuyển ra các vùng biển ngoài khơi để thực hiện các nhiệm vụ tầm xa.

Sơn Đông được đưa vào biên chế sau khi trải qua một loạt thử nghiệm trên biển và được Trung Quốc cho là dấu mốc đáng chú ý trong nỗ lực tăng cường năng lực hải quân, động thái mà Nhật Bản và Mỹ cho là đáng lo ngại.

Washington đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về hành động của nước này trên Biển Đông, bao gồm cả hoạt động bồi đắp trái phép và ngang nhiên xây dựng các hệ thống quân sự.

Bắc Kinh nói rằng hoạt động này nhằm mục đích phòng vệ nhưng nhiều chuyên gia nhận định, đây là một phần trong kế hoạch nhằm thay đổi hiện trạng kiểm soát vùng biển trái phép của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại