Chủ tịch Hà Nội: 'Nhật Cường xây dựng dịch vụ công là cái khó nhất'

Hoàng Đan |

Chiều 3/12, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, đã giải trình với các đại biểu HĐND về một số vấn đề nóng, nhưng không bao gồm vụ Nhật Cường và nước Sông Đuống.

Phấn đấu trước tháng 6/2020 sẽ xong trung tâm điều hành giao thông thông minh

Trong phiên thảo luận tại tổ của kỳ họp HĐND TP. Hà Nội chiều 3/12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải trình với các đại biểu về những vấn đề nóng của thành phố và có đề cập đến những cái tên đang nổi như Nhật Cường, nước sông Đuống.

Trả lời ý kiến của đại biểu Đỗ Thùy Dương (Gia Lâm) về việc TP nên xây dựng mạng lưới giao thông thông minh, có chức năng cảnh báo cho người dân biết đường tắc, ông Chung cho biết, hiện nay TP mới xây dựng được bản đồ thực của ngập úng.

Hà Nội cố gắng trước tháng 6/2020 sẽ xong trung tâm điều hành giao thông thông minh và sẽ triển khai được bản đồ thực về ùn tắc cho người dân.

Bên cạnh việc khẳng định thành phố "đang triển khai rất quyết liệt", ông Chung cho rằng, khi bắt đầu xây dựng chương trình Mục tiêu Công nghệ thông tin của thành phố đã mời các tập đoàn lớn, công ty làm công nghệ thông tin vào đây, công khai các danh mục để xem ai làm được gì.

"Có một số tập đoàn lớn vào, trong đó, Viettel đồng ý xây dựng trung tâm công nghệ thông tin, FPT đăng ký nghiên cứu giao thông thông minh...

Công ty Nhật Cường xây dựng dịch vụ công là cái khó nhất, vì phải lọ mọ từ phường, xã gặp cán bộ để hiểu quy trình công tác mới số hóa được. Cái đó người ta ngại nhất, chẳng ai làm", ông Chung nêu.

Ông Chung cho hay, tuy Hà Nội khởi động chậm nhưng có thể đón đầu để tiếp cận với phiên bản 2.0, 3.0 mà hiện thế giới đang triển khai.

Chủ tịch Hà Nội: Nhật Cường xây dựng dịch vụ công là cái khó nhất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung tại phiên họp tổ. Ảnh: C.T

"Hà Nội sẽ xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp với phòng chống tội phạm, phục vụ báo chí, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng biển số xe, bản đồ úng ngập… tất tần tật ở trong này.

Đề án này đã giao cho các quận, huyện xây dựng dự án camera giám sát, thành phố xây dựng trung tâm điều hành. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2020", ông Chung thông tin thêm.

Chủ tịch Hà Nội giải trình về chế phẩm xử lý nước Redoxy-3C

Về vấn đề xử lý ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội, ông Chung cho biết, hiện đang kêu gọi rất nhiều đơn vị tham gia, trong đó có Cty môi trường Nhật Việt (JVE) thử nghiệm ở sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.

"Vừa qua tôi có đề nghị họ xử lý ở một hồ tồn đọng, tới đây họ sẽ làm. Tôi đề nghị quá trình đó phải mời hội đồng khoa học, mời các chuyên gia, có đánh giá nghiêm túc", ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin, hiện nay, đang có các nhóm nhà khoa học khác, cả trong nước và quốc tế cùng tham gia thí điểm trên môi trường thực và phòng thí nghiệm để tìm ra biện pháp tốt nhất.

Ông Chung nói thêm, theo báo cáo, hiện đã có 88/122 hồ được làm sạch, người dân thấy hết mùi.

Ông Chung đánh giá, mọi người cứ phản ứng nhưng ông thấy, sản phẩm Redoxy 3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức, của tập đoàn đã có 43 năm kinh nghiệm, hiện cung cấp sản phẩm cho 55 nước.

Theo ông Chung, bản thân ông đã đến tận thành phố ở Đức, thăm trung tâm nghiên cứu của tập đoàn này.

"Các tập đoàn quốc tế không đơn thuần là sản xuất. Chúng ta đã cho chuyên gia sang tận nơi. Họ có báo cáo, trung tâm nghiên cứu của họ có 2.000 người.

Họ đã sang tận đây lấy mẫu nước của chúng ta phân tích và đưa ra giải pháp. Khi chúng ta làm thấy hiệu quả.

Sắp tới sẽ công bố các kết luận thanh tra nhưng có lẽ từ trước tới đây chẳng có công nghệ nào xử lý mà chưa đến 6 nghìn đồng/m3 và duy trì nó chỉ hơn 2 nghìn đồng/m3", ông Chung nói.

Theo ông Chung, thành phố đang chi khoảng 84.000 đồng để xử lý một m3 nước rỉ rác. Một m3 nước thải xử lý ở nhà máy nước thải Yên Sở cũng hết mấy nghìn đồng. Tới đây, khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoạt động, cũng hết khoảng hơn 30.000 đồng/m3.

"Chúng ta sẽ cố gắng hợp tác với các nhà khoa học ở các nước để đưa ra các giải pháp tốt nhất để xử lý được mùi, xử lý được ô nhiễm nhưng phải bền vững chứ không phải là năm một", ông Chung nói thêm.

'Cháy Rạng Đông, nước mặt sông Đuống đáng lẽ không đến nỗi nóng như thế'

Tại phiên họp tổ, ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận công tác tuyên truyền của thành phố "có vấn đề" và qua các sự cố truyền thông vừa qua mới bộc lộ rõ điểm yếu.

Theo ông Chung, nhìn thấy điểm này, thành phố đã xây dựng và ban hành quy chế người phát ngôn. Theo đó, trách nhiệm này thuộc về thủ trưởng và chánh văn phòng các đơn vị.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tâm lý chung: thứ nhất không cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, thứ hai là ngại tiếp xúc, nên cuối cùng thông tin bị sai lệch đi.

"Điển hình, một số vấn đề không đến mức nóng như thế: từ cháy Rạng Đông đến nước mặt sông Đuống, là do truyền thông", ông Chung nhấn mạnh.

Nhìn nhận "đây là một điểm yếu, ngay cả của UBND TP", Chủ tịch Hà Nội cho biết trong các cuộc giao ban đã quán triệt: thủ trưởng các đơn vị, người phát ngôn, khi có vấn đề - kể cả việc tốt, việc xấu, việc chưa làm được, cũng chủ động cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chủ động tiếp cận để thông tin, chứ không phải bị động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại